Thứ Năm, 15/09/2016, 13:41 (GMT+7)
.

Trung thu và nỗi nhớ

Tôi cảm nhận được thu sang bằng một chút se lạnh buổi sáng tháng tám. Ở thành phố này, mùa thu không đến bằng cái cách mà nhà thơ Hữu Thỉnh đã nói: Bỗng nhận ra hương ổi/ Phả vào trong gió se/ Sương chùng mình qua ngõ/ Hình như thu đã về… Hoặc có cũng chỉ là trong hoài niệm, nỗi nhớ của một thế hệ về những mùa thu xa xôi. Nhưng một chút lạnh ấy cũng đủ để làm sống dậy trong tôi cái không khí của những mùa Trung thu háo hức năm nào.

Minh họa: Lê Duy
Minh họa: Lê Duy

Ngày còn nhỏ, tôi chỉ biết Trung thu sắp về khi khí trời se se lạnh và nắng vàng hơn. Sáng ra hay chiều xuống trời bắt đầu lãng đãng sương. Nhưng đặc biệt nhất để tôi biết Trung thu sắp về, đó là khi những trái hồng trong vườn bắt đầu đỏ ửng, những trái bưởi căng mọng bắt đầu nhuốm vàng. Khi đó, khỏi phải nói, niềm vui háo hức của anh em tôi như thế nào. Chúng tôi bắt đầu hỏi mẹ ngày tháng để đếm ngược thời gian và trông cho trăng mau tròn.

Quê tôi vốn là vùng sâu, vùng xa, Trung thu không bao giờ có múa lân, đánh trống hay hội hè gì cả. Nhưng những đứa trẻ quê tôi vẫn trông đợi Trung thu với ý nghĩ đó là tết của trẻ con đã in sâu trong tiềm thức.

Cho đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ cái khung cảnh của những mùa Trung thu tuổi nhỏ. Buổi chiều, cha mẹ đi làm đồng về sớm hơn, bữa cơm tối cũng được dọn ra sớm hơn thường nhật. Những trái bưởi, ổi... trong vườn đã được cha tôi hái vào từ chiều và thắp hương trên bàn thờ tổ tiên.

Cơm nước xong, cha gọi anh em tôi ra hiên ngồi chờ trăng lên. Chúng tôi dường như hồi hộp nín thở nhìn mặt trăng chầm chậm nhô dần lên sau ngọn tre. Tôi bấm tay anh trai thì thầm hỏi sao trăng lên chậm vậy? Anh tôi đưa tay lên miệng khẽ suỵt ra hiệu cho tôi im lặng. Khi ấy, nhìn anh giống như người đang canh giữ một điều thiêng liêng, bí ẩn lắm.

Tôi không dám nói gì thêm vì sợ có tiếng động trăng sẽ lặn xuống. Mùi trái chín trong vườn, mùi hương trầm vấn vít cùng với mùi hoa cau thoang thoảng khiến tôi ngây ngất, lâng lâng. Tất cả dệt nên một mùi hương kỳ diệu của một thời ấu thơ trong tôi. Khi khoảng sân nhà tôi bừng sáng là lúc trăng lên cao chính giữa.

Ngày ấy quê tôi chưa có điện, nên ánh trăng sáng cũng được đợi chờ, mong mỏi hơn bây giờ rất nhiều. Trăng soi sáng từng gốc cây, góc vườn. Trăng thả chùm ánh sáng lên mái nhà lợp lá dừa nước đã cũ khiến khung cảnh trở nên nguyên sơ, huyền dịu như cổ tích.

Đó là lúc gia đình tôi trải chiếu ra giữa sân, mâm hoa quả được đặt vào giữa, chúng tôi ngồi xung quanh. Cha tôi pha thêm ấm trà để uống cùng, vậy là chúng tôi đã có một Trung thu ấm áp vô cùng. Mẹ tôi lấy ra một gói kẹo bột mua ở phiên chợ huyện, đó luôn là món quà bất ngờ mà anh em tôi náo nức chờ đợi.

Cha mẹ thường ngày nghiêm khắc với chúng tôi, thế mà hôm đó để anh em tôi được tự do nói cười huyên thuyên đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, những chuyện chỉ có trong tưởng tượng của trẻ con. Khi ấy, cha tôi nhìn lên trăng và đọc một câu ca dao quen thuộc “Tỏ trăng mười bốn được tằm/ Đục trăng hôm rằm thì được lúa chiêm”.

Ngày ấy, tôi chưa hiểu người ta có thể nhìn trăng để đoán trước mùa màng. Chẳng biết chúng tôi ngồi dưới trăng như thế bao lâu, khi mặt trăng đã chênh chếch phía Tây, được mẹ kể cho chúng tôi nghe sự tích Hằng Nga và chú Cuội. Anh em tôi nằm ngữa mặt lên trời nhìn trăng, rồi tôi ngủ thiếp đi từ lúc nào, trong giấc mơ tôi thấy mình chầm chậm bay lơ lửng vào mặt trăng.

Bây giờ ở thành phố, tôi thấy người ta bày bán bánh trung thu trước hàng tháng trời. Có lẽ cũng vì thế mà Trung thu không còn được trẻ con háo hức chờ như thời trước. Những chiếc bánh ngọt, bánh dẻo với đèn lồng đủ màu sắc bây giờ vẫn không làm tôi quên được những mùa Trung thu với hoa trái vườn nhà ngày xưa và những đêm ngồi chờ trăng lên.

NGUYỄN LANG

.
.
.