Khởi sắc trên quê hương Nam kỳ khởi nghĩa
Xã Long Hưng, nơi đầu tiên xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng trong ngày Nam kỳ khởi nghĩa 23-11-1940. Đã 76 năm trôi qua với bao thăng trầm biến cố, Đảng bộ và nhân dân xã Long Hưng đã nỗ lực khắc phục những khó khăn, xây dựng mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này ngày một đẹp giàu.
Gần 91% các tuyến đường trên địa bàn xã Long Hưng đã được cứng hóa. |
Chúng tôi trở lại Long Hưng trong những ngày cả nước hướng về Lễ kỷ niệm 76 năm Nam kỳ khởi nghĩa. Từ Quốc lộ 1A, men theo Huyện lộ 34, chúng tôi đi vào trung tâm xã, con đường đá đỏ lởm chởm, nắng bụi, mưa lầy ngày nào giờ đã được thay thế bằng đường nhựa thẳng tắp. Dọc theo con đường là những ngôi nhà tường khang trang, kiên cố nối tiếp nhau xen kẽ với những vườn cây ăn trái sum suê, trĩu quả. Các trục đường liên ấp cũng được cứng hóa gần 91%, giúp người dân đi lại thuận lợi. Ông Trần Hữu Tài (ấp Long Thạnh A), cho biết: “Trước đây đường sá đi lại khó khăn lắm, cứ mùa mưa tới là thấy rầu vì đường sình lầy. Nhưng bây giờ đã khác hẳn, đường dal, đường nhựa nối dài khắp xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương phát triển kinh tế”.
Không chỉ có giao thông, bộ mặt nông thôn cũng có nhiều chuyển biến, điện, trường, trạm đều được xây dựng kiên cố. Xã có trên 70% hộ gia đình có thuê bao riêng sử dụng dịch vụ viễn thông, gần một nửa số ấp có internet, điện thoại di động là phương tiện liên lạc thông dụng của người dân. Đó là thành quả của lãnh đạo xã trong công tác xây dựng nông thôn mới (NTM), công tác đầu tư xây dựng cơ bản và vận động toàn dân thi đua chung sức xây dựng NTM. Năm 2014, xã đã tổ chức Lễ ra mắt xã đạt chuẩn văn hóa NTM.
Từ một xã chịu nhiều thiệt hại do chiến tranh tàn phá, Đảng bộ và nhân dân xã Long Hưng đã đoàn kết, nỗ lực khắc phục những khó khăn để vươn lên là một trong những xã đi đầu về xây dựng NTM của huyện Châu Thành, tính đến nay xã đã hoàn thành 14/19 tiêu chí về xây dựng NTM.
Về nông nghiệp, xã Long Hưng hiện có 224 ha trồng rau màu; 1.015 ha vườn cây ăn trái, trong đó phần lớn trồng vú sữa, sa pô, ca cao…với 1 tổ hợp tác rau an toàn và 1 tổ thu mua ca cao, là thế mạnh phát tiển kinh tế của xã. Qua phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2016, đã có 1.848 hộ đăng ký tham gia, góp phần tích cực nâng cao đời sống người dân, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, người dân có điều kiện ủng hộ UBND xã trong xây dựng NTM. Cụ thể, người dân đã đóng góp 80 triệu đồng để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn trong xã.
Công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp trong những năm qua tiếp tục được đẩy mạnh, trong năm 2016, xã đã tổ chức 16 cuộc với 480 nông dân tham gia, góp phần tăng năng suất, hiệu quả kinh tế.
Qua triển khai thực hiện NTM, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn được phát triển ngày càng bền vững; tình làng, nghĩa xóm ngày càng gắn kết, giữ gìn; truyền thống văn hóa dân tộc được phát huy.
Để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, ông Nguyễn Minh Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục cứng hóa các tuyến đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa các trường học, vận động nhân dân xử lý, cải thiện môi trường, dọn dẹp cây cối tạo vẻ mỹ quan trên các trục đường lớn của xã… để có thể hoàn thành các chỉ tiêu NTM và ra mắt xã NTM vào năm 2018.
Về phát triển kinh tế, tiếp tục khai thác thế mạnh sản xuất rau màu, cây ăn trái; nâng cao hiệu quả của các tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, phòng, chống dịch hại trên cây trồng, vật nuôi.
Tập trung công tác chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho người dân, giữ vững xã đạt 10 tiêu chí Quốc gia về y tế theo chuẩn mới. Tiếp tục chăm lo các gia đình chính sách bằng các việc làm cụ thể như: Sửa chữa nhà tình nghĩa, thăm hỏi, động viên các gia đình khó khăn; tận dụng các nguồn vốn, chính sách, để hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo”.
PHAN THẮNG