Thứ Bảy, 05/11/2016, 06:52 (GMT+7)
.

Sự thật về nghi án "Ảnh ghép vẫn đoạt giải cao"

Ngay sau Lễ trao thưởng và khai mạc Liên hoan ảnh Nghệ thuật khu vực TP.Hồ Chí Minh lần thứ VI chủ đề “Nét đẹp cuộc sống” vừa kết thúc, hơn 100 nhà nhiếp ảnh, các nhà báo và công chúng yêu thích ảnh nghệ thuật đã náo nức chờ đợi buổi tọa đàm đánh giá về kết quả của Liên hoan với hy vọng nhiều thông tin “trái chiều” về các tác phẩm đoạt giải sẽ được Ban tổ chức và Hội đồng Giám khảo giải đáp thỏa đáng.

 BGK Liên Hoan Ảnh NT KV TPHCM năm 2016. Ảnh: Dũng Kiều
BGK Liên Hoan Ảnh NT KV TPHCM năm 2016. Ảnh: Dũng Kiều

Ngay lời mở đầu, Ban tổ chức đã xác định mục đích buổi tọa đàm là một  “sinh hoạt mở phục vụ chuyên môn”. Không thiên kiến – theo nghĩa không mặc định trước đúng sai ngay từ đầu. Mọi thành viên  từ BTC, HĐGK lẫn người tham dự chia sẻ trên tinh thần cầu thị, cần giữ được trái tim nóng trên một cái đầu lạnh và sẵn sàng điều chỉnh nếu phát hiện có sai sót thực sự về chuyên môn.

Lần lượt các bức ảnh được xem là “có vấn đề” trong dư luận được trình chiếu:

  Huy chương vàng: “Gạo xuất khẩu” của Nguyễn Minh Tân

Dư luận nghi ngờ ảnh chụp không trung thực về địa giới, ngoài địa bàn TP.Hồ Chí Minh?

Một loạt file ảnh gốc được trình chiếu cho thấy rõ tác giả sử dụng  thiết bị bay ghi hình trên không (Flying camera) với góc nhìn ở độ cao chim ưng khoảng 30m tại bến Cảng Bông Sen, Quận 7 –đơn vị liên doanh đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực khai thác cảng biển Quốc tế giữa Công ty Vietrans và đối tác Ukraine- Ảnh tạo hình như một bông hoa đang xòe cánh, cho thấy công trường đang khẩn trương đưa “Gạo lên tàu xuất khẩu”.

 Huy chương bạc: “Ném đĩa” của Nguyễn Sinh Long

  Nghi án “ Ảnh ghép vẫn được giải cao?”

Đường màu đỏ do nhiếp ảnh gia chỉ ra chân ghế chắp ghép? (Báo NLĐ)
Đường màu đỏ do nhiếp ảnh gia chỉ ra chân ghế chắp ghép? 

 Nhiều nghi vấn cho rằng ảnh đoạt giải nhì “Ném đĩa” là chắp ghép, sai sự thật. “Nhiều nhiếp ảnh gia đã chỉ ra những điểm phi logic của bức ảnh này. Cụ thể, chân ghế VĐV ngồi ghép nối 2 khúc không thẳng hàng là một thanh sắt từ trên xuống đất; tư thế ném đĩa không đúng nguyên tắc khi thi đấu của người khuyết tật; bóng đổ của nhân vật không hợp lý…

Theo nhiếp ảnh gia Nguyễn Phước Lộc, ông thường xuyên tới sân Thống Nhất chụp ảnh thi đấu của các VĐV nên biết rõ VĐV khuyết tật chơi môn ném đĩa hạng thương tật F55, 56 (hai chân gần như bị liệt hoàn toàn phải di chuyển bằng xe lăn) khi thi đấu hay tập luyện, phải như thế nào. Vì vậy, tác phẩm ảnh đoạt giải nhì này được set-up (dàn dựng) chụp lại sau khi VĐV thi đấu xong, chỉ lên ghế ngồi “làm màu”, chân không chằng vào ghế, ghế cũng không neo vào đâu hết. Ngoài ra, động tác hoàn toàn không khớp với động tác thi đấu thực sự của VĐV (khi khởi động ném đĩa, tay còn lại không buông thỏng như vậy)! “Bên cạnh đó, giải thể thao khuyết tật nếu thi đấu ở sân Thống Nhất là giải cấp quốc gia, mới vừa tổ chức từ ngày 10 tới 14-7 – khoảng thời gian cuộc thi ảnh khu vực này đã chấm xong vòng ngoài” – nhiếp ảnh gia Nguyễn Phước Lộc phân tích

Đối chiếu với  ảnh gốc, người xem thấy đồng hồ trên sân vận động Thống Nhất ghi nhận thời điểm tác nghiệp được xác định vào lúc 8g55. Tác giả Nguyễn Sinh Long đã bấm máy ở góc độ toàn cảnh tại Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2012. Ở phần xử lý hậu kỳ, anh đã cắt bớt phần thân trên chỉ lấy nửa người vận động viên, sau đó chuyển ảnh sang sắc độ đen trắng.

Nét đẹp trong tác phẩm được tập trung vào hình tượng phản chiếu của vận động viên in bóng lên mặt nước sau cơn mưa do hiệu ứng của nguồn sáng. “Phép nhân” chủ thể lên gấp đôi nhờ tăng kích thước của phần bóng đã hỗ trợ những chi tiết tuy bị cắt ngang ở phần đầu trở nên quan trọng, giàu giá trị ẩn dụ. “Chiếc bóng” chính là tấm gương phản chiếu nghị lực tuy tàn mà không phế, chiến thắng được chính bản thân và chinh phục mục tiêu đề ra của Đại hội thể thao Olympic “cao hơn – xa hơn – nhanh hơn”.

 Giải khuyến khích: “Ước mơ thu” của Nguyễn Huy Sơn

 Hàng cây tiền cảnh có cắt ghép sai thực tế? Tác giả đặt máy ảnh ở vị trí nào thu được Nhà thờ Đức Bà với nguyên hàng cây như vậy?
Hàng cây tiền cảnh có cắt ghép sai thực tế? Tác giả đặt máy ảnh ở vị trí nào thu được Nhà thờ Đức Bà với nguyên hàng cây như vậy?

Căn cứ vào File gốc có đính kèm phần dữ liệu kỹ thuật (Information) xác định rõ ảnh chụp trực tiếp với một file duy nhất bằng ống kính tiêu cự 14mm, trên máy ảnh đã chuyển đổi hồng ngoại (Infrared) để thu được dải màu có bước sóng cao từ 720nm đến 1000nm  tạo ra một bức ảnh có màu sắc không trung thực, mà lại thu hút và tạo ấn tượng mạnh đến người xem.

 Sau khi trình chiếu và kiểm tra các dữ liệu cần thiết do chính tác giả cung cấp, BTC và HĐGK Liên hoan nhận xét: cả 3 tác phẩm nêu trên đều chụp trực tiếp ngay tại hiện trường, không có trường hợp nào ghép ảnh, không làm sai lệch thực tế và không vi phạm quy chế Liên hoan. Kết luận đã nhận được nhiều tràng vỗ tay tán đồng của mọi người tham dự.

Ở phần cuối buổi tọa đàm, nhà nhiếp ảnh lão thành Nguyễn Văn Thông  bày tỏ sự bất bình trước những thông tin thiếu xác đáng -dẫu chỉ cá biệt- đã gây nhiễu trong dư luận xã hội. Ông đặt câu hỏi “Liệu trước thông tin sai lệch đó, bạn đọc ngoài ngành có đủ sáng suốt phân biệt đâu là đúng, đâu là sai hay không?

 Phóng viên Quang Thi (Báo Tuổi Trẻ) thẳng thắn phát biểu: “Buổi tọa đàm được tổ chức công khai đã giải tỏa nhiều dư luận bên lề của Liên hoan. Chính sự thẳng thắn “Cây ngay không sợ chết đứng” chấp nhận đối thoại của BTC và HĐGK đã trả lại sự thật cho các bức ảnh, tránh nỗi oan sai cho tác giả, đồng thời góp phần tạo thêm niềm tin vào chất lượng của Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực TP.Hồ Chí Minh  -một TP vốn giàu truyền thống về nhiếp ảnh nghệ thuật- đồng thời  hy vọng ở các Liên hoan ảnh tiếp sau cũng có được những cuộc tọa đàm giàu tính chuyên môn tương tự”.

 Thay lời BTC, NSNA. Lê Xuân Thăng tổng kết: “Các Hội nghề nghiệp đang rất cần và luôn chú ý lắng nghe, tiếp nhận đóng góp ý kiến của mọi giới. Đặc biệt là tính định hướng của giới truyền thông. Bởi chức năng của văn hóa nghệ thuật suy cho cùng chính là truyền cảm hứng đến công chúng. Ngoài Hội đồng giám khảo ở mỗi cuộc thi, giá trị vĩnh cửu của mỗi tác phẩm còn cần đến sự phán xét của một quan tòa công minh nhất đó chính là sự thẩm định khắc nghiệt của thời gian.”.

(Theo vapa.org.vn)

.
.
.