Nhà cổ ông Đỗ Văn Tòng - nét đẹp kiến trúc dân gian
Nhà cổ ông Đỗ Văn Tòng (số 24, tổ 1, ấp An Bình Đông, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè) là một công trình kiến trúc nghệ thuật đầu thế kỷ XX mang đậm giá trị bản sắc văn hóa dân tộc của vùng sông nước Nam bộ, được xem là một trong những ngôi nhà cổ có kiến trúc đẹp nổi tiếng ở Tiền Giang nói chung và ở huyện Cái Bè nói riêng.
Ngôi nhà cổ của ông Đỗ Văn Tòng. |
Ban đầu, ngôi nhà được ông Đỗ Văn Tình (có gốc gác từ miền Trung vào vùng đất Cái Bè lập nghiệp) xây dựng khá nhỏ; đến đời ông Đỗ Chánh Trực (ông nội của ông Đỗ Văn Tòng) làm ăn khá giả, đã mua lại bộ khung sườn nhà để xây cất vào năm 1929. Do tác động của thời gian, thiên nhiên, trải qua 4 đời sử dụng và tu bổ nhiều lần vào các năm 1954, 1980, 1995 và 2002 nhưng ngôi nhà vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống dân gian ban đầu. Tổng thể ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc chữ đinh (丁), gồm hai căn nhà chính và nhà phụ, có diện tích 338,4 m2, trên mảnh đất 6.541,7 m2 với cây trái quanh năm xum xuê, tươi tốt.
Nhà chính có cấu trúc nhà rường 3 gian, 2 chái (3 gian chính, mỗi gian rộng 2,5 m và 2 gian trái, phải, mỗi gian rộng 2,3 m), mái lợp ngói vảy cá, vách cây, nền lót gạch tàu, 36 cây cột tròn và vuông kê trên tán đá xanh, cửa quay về hướng Nam rất thích ứng với khí hậu nhiệt đới gió mùa của miền Tây Nam bộ. Bên trong nhà thiết kế tường ở các cột phòng khách. Gian chính giữa trồi lên dạng lồi để bàn thờ, từ đó tạo ra một không gian tiếp khách ở phía mặt chính. Phía sau nhà được dùng làm phòng ngủ. Nhà phụ là ngôi nhà dọc so với ngôi nhà trên, được xây dựng theo kiểu nhà xiên trính gồm: 8 cột gỗ kê trên tán đá, nền lót gạch men, mái ngói vảy cá, vách tường, là nơi sinh hoạt hàng ngày của gia đình.
Nổi trội hơn hết là ngôi nhà được trang trí nội thất rất tỉ mỉ, công phu, phần nào đã nói lên bàn tay khéo léo của những người thợ tài ba và sự sắp xếp, bày biện hợp lý của chủ nhân ngôi nhà.
Bên ngoài hàng cột gian giữa được trang trí bao lam chạm hoa mẫu đơn, chim trĩ; ở giữa chạm cuốn thư, hình con dơi, trái mướp khía và 14 khuôn chạm trái lê, lựu, na, dây lá, hoa sen, hoa văn chữ Vạn. Trên xiên là con tiện dẹp ở giữa và chạm lộng hoa mai hai bên. Trên cột trang trí đôi liễn khảm xà cừ mai điểu và 2 bài thơ chữ Hán, bên dưới trang trí bàn nghi chạm 4 mặt các đề tài con dơi, trái lê, lựu, phật thủ. Hai gian bên, trên xiên nhà trang trí 2 biển đại tự “Tùng bách tuế” và “Quế lan hương”, khung chạm lê, lựu, bên dưới là bao lam chạm lộng hoa lá, được bố trí giường gỗ và bộ ván 3 (dài 1,92 m x 1,60 m x 0,70 m), mỗi tấm dày 9 cm.
Vào bên trong ngôi nhà, phía trên gian giữa được trang trí bao lam hoa mẫu đơn và chim trĩ cùng 12 khuôn trang trí chạm trái lê, lựu, na; cửa võng chạm cuốn thư, mướp khía, dây lá và chim; phía dưới trang trí bộ trường kỷ chạm trổ đề tài tứ quý, hoa, trái cây, chim, dây lá, con tiện và bàn nghi chạm 4 mặt các đề tài trái phật thủ, lê, lựu, con dơi, chim phượng, kỳ lân chở bát quái. Gian trái, phải, phía trên được trang trí bao lam chạm các đề tài trái phật thủ, lê, lựu, con tiện, chim trĩ, hoa mai, mẫu đơn, hoa văn chữ Vạn…; trên các cột gắn liễn câu đối chữ Hán và cúc, điểu đều được khảm xà cừ rất tinh xảo; phía dưới trang trí, bày biện tủ thờ khảm xà cừ đề tài tứ quý (mai, lan, trúc, cúc) rất tỉ mỉ và độc đáo.
Với kết cấu, bố cục, vật liệu xây dựng được trang trí, bố trí bởi các “tác phẩm” mỹ thuật độc đáo, đẹp mắt đã biểu đạt thẩm mỹ về nghệ thuật theo lối kiến trúc dân gian của người dân Nam bộ, nên năm 2011 ngôi nhà đã được Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và ngành Văn hóa địa phương tư vấn phát triển du lịch cộng đồng. Để có cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ và phát huy giá trị kiến trúc ngôi nhà, ngày 25-11-2016 UBND tỉnh Tiền Giang ký Quyết định 3570/QĐ-UBND công nhận ngôi nhà cổ này là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.
Hiện nay, chính quyền xã và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch khuyến khích chủ nhân ngôi nhà đầu tư phát triển mô hình du lịch sinh thái để thu hút khách tham quan trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội địa phương.
MẠNH THẮNG - VĂN CẨM