Nơi ra đời của nghệ thuật cải lương?
Nghệ thuật cải lương ra đời từ rất lâu, thu hút sự ngưỡng mộ của nhiều người và nghệ thuật cải lương dần dần có một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của cư dân Nam bộ, trở thành một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của dân tộc Việt Nam ngày nay. Tuy nhiên, thỉnh thoảng ở nơi này, nơi khác còn hiểu chưa đúng về cơ sở ra đời của nghệ thuật cải lương và nơi ra đời gánh hát cải lương đầu tiên của Việt Nam ở đâu?
Gánh Đồng Nữ Ban. |
Lâu nay, có nhiều sách, tài liệu, bài viết, lời nói, hội thảo đã xác định rõ nghệ thuật cải lương ra đời trên nền tảng của 3 loại hình nghệ thuật đã có trước đó là: 20 bài bản tổ của nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT), một số bài bản vắn, các bài hát dân ca Nam bộ và về sau có thêm bài ca vọng cổ.
20 bài bản tổ của nghệ thuật ĐCTT gồm: 3 bài Nam: Nam xuân, Nam ai, Nam đảo (đảo ngũ cung); 6 bài Bắc: Lưu Thủy, Xuân Tình, Phú Lục, Bình Bán, Tây Thi, Cổ bản; 7 bài lễ: Xàng Xê, Ngũ Đối Thượng, Ngũ Đối Hạ, Long Đăng, Long Ngâm, Vạn Giá, Tiểu Khúc; 4 bài Oán: Tứ Đại Oán, Giang Nam, Phụng Cầu Hoàng, Phụng Hoàng Cầu (ngoài ra còn có 4 bài Oán phụ: Văn Thiên Tường, Bình Sa Lạc Nhạn, Thanh Dạ Đề Quyên và Xuân Nữ), được ban nhạc ĐCTT các tỉnh, thành Nam bộ sử dụng. Tính chất của ĐCTT là chân phương, mộc mạc, chủ yếu ca, đờn, hòa đờn, hòa ca theo khuôn nhịp, với chất giọng ca tự nhiên. Đặc điểm nghệ thuật của ĐCTT truyền thống là không sử dụng âm thanh khuếch đại, không hóa trang, không phục trang, không cảnh trí, không sân khấu, không có nhiều người đờn, ca và người ca không diễn xuất. Nhạc cụ chính gồm đờn kìm, đàn sến, đàn cò (có nơi gọi là đàn gáo), đàn tranh, đàn độc huyền, song lan và sau này có thêm đàn guitar phím lõm. Đối tượng chơi ĐCTT là những người tri âm tri kỷ, bạn bè xóm làng có chung sở thích ca, đờn nhằm vui chơi giải trí những lúc nhàn rỗi hoặc giúp vui cho các đám tiệc. Chơi ĐCTT còn để học hỏi lẫn nhau, nâng cao chất lượng tiếng đờn, giọng ca và truyền nghề cho nhau, hoàn toàn không phải để kiếm tiền. Chơi ĐCTT không cầu toàn về địa điểm, có thể trên một bộ ván, trước sân nhà, trên ghe bầu, ngoài chòi giữa ruộng, trên sân đình…, ở đâu cũng có thể ĐCTT được.
Tuy tính chất mộc mạc, đơn sơ, nhưng qua nghệ thuật ĐCTT đã tạo nên chất thanh tao trong nghệ thuật; chất chân thành trong quan hệ ứng xử giữa người với người; nội dung, nhạc điệu đậm nét tự sự về cuộc sống và toát lên được phần nào tâm tư, tình cảm của cộng đồng cư dân các địa phương của vùng đất Nam bộ.
Do nghệ thuật ĐCTT Nam bộ phát triển nhanh, đến những thập niên cuối thế kỷ XIX, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả Nam bộ nói chung đã có nhiều ban nhạc ĐCTT ra đời và hoạt động sôi nổi trên khắp địa bàn, nên đòi hỏi mỗi ban nhạc ĐCTT phải sáng tạo, tìm cho mình phong cách mới. Lúc bấy giờ, ở Mỹ Tho có ban nhạc ĐCTT của ông Tống Văn Triều (còn gọi là ban nhạc ông Tư Triều) là ban nhạc hay, ban nhạc lần đầu tiên ca ra bộ, tức là ca có diễn xuất để minh họa theo nội dung bài ca. Vào đầu thế kỷ XX, ông Tư Triều cho lấy mấy bộ ván ghép lại làm sân khấu, phía sau có miếng vải treo ngang làm tấm phông, phía trước hai cánh gà sân khấu lấy mấy nhành hoa tươi làm cảnh trí cho đờn, ca và biểu diễn phục vụ công chúng lần đầu tiên tại phía trước Nhà hàng - Khách sạn Minh Tân lúc bấy giờ (nay là phía trước Tượng đài Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, tại Công viên Lạc Hồng, đường 30-4, phường 1, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Ban nhạc của ông Tư Triều nổi lên từ đây, được khán giả mến mộ và đã được mời đến trình diễn ở nhiều nơi. Ngoài việc định kỳ diễn hằng đêm tại quê nhà Mỹ Tho, ban nhạc ông Tư Triều còn lên Sài Gòn diễn vào đêm thứ bảy, đêm chủ nhật hằng tuần và vào năm 1916 được Ban Tổ chức triển lãm hội chợ quốc tế mời qua diễn khai mạc tại hội chợ thương mại các nước Đông Dương ở Pháp.
Đến năm 1917, ông Châu Văn Tú, làm nghề thầy giáo, người Mỹ Tho (còn gọi là thầy Năm Tú), vốn đam mê nghệ thuật và khá giả, đã sang lại ban nhạc của ông Tư Triều và đầu tư tiền của, mời thầy về viết tuồng, thầy dàn dựng tuồng, người nhắc tuồng và mời nghệ sĩ giỏi về diễn để thành lập nên gánh hát cải lương đầu tiên, lấy tên là Gánh hát Thầy Năm Tú, đó là gánh hát cải lương đầu tiên của Việt Nam, ra đời tại Mỹ Tho.
Gánh hát Thầy Năm Tú ra đời là loại hình nghệ thuật mới - nghệ thuật cải lương xuất hiện, với những đặc điểm sau: Diễn theo cốt chuyện của vở tuồng (kịch bản), có soạn giả, có đạo diễn, có hóa trang, có phục trang, có phông màn, cảnh trí để minh họa và biểu diễn trên sân khấu có âm thanh, ánh sáng, đạo cụ và mỗi vở diễn cải lương có thể được phân chia làm nhiều lớp, nhiều màn, nhiều cảnh trí phù hợp với nội dung…, đã thu hút ngày càng đông đảo khán giả đến xem, từ đó sự lan tỏa của loại hình nghệ thuật cải lương đến với các địa phương Nam bộ và cả nước, nhiều gánh hát cải lương cũng từ đó lần lượt hình thành, phát triển.
Năm 1919, do nhu cầu của khán giả và diễn viên, nên thầy Năm Tú đã đầu tư xây dựng một rạp hát để hát cải lương, lấy tên là Rạp hát Thầy Năm Tú, là rạp hát cải lương đầu tiên của Việt Nam, được xây dựng tại Mỹ Tho (nay là Rạp hát Thầy Năm Tú, tọa lạc đường Lý Công Uẩn, phường 1, TP. Mỹ Tho). Thầy Năm Tú còn là người có công đầu tiên cho in các vở cải lương vào đĩa hát lúc bấy giờ để phát hành rộng rãi trong công chúng, trong nước và nước ngoài.
Đến năm 1920, bài ca Dạ cổ hoài lang của Nhạc sĩ Cao Văn Lầu ra đời tại Bạc Liêu, gồm 20 câu và theo nhịp 2, rồi nâng lên thành nhịp 4, nhịp 8, là tiền thân của bài ca vọng cổ sau này. Bài ca vọng cổ ra đời được sự đón nhận của nhiều khán, thính giả, nên các soạn giả vận dụng đưa thêm loại hình vọng cổ vào để soạn ra các vở tuồng cải lương. Từ nhạc bài ca vọng cổ, Soạn giả Viễn Châu đã khéo léo kết hợp với tân nhạc để sáng tác ra bài ca vọng cổ, vừa có ca tân nhạc vừa có ca cổ nhạc để người nghe, người xem không bị nhàm chán, vì vậy lấy tên mới để gọi là bài ca “Tân cổ giao duyên”.
Như vậy, chúng ta khẳng định: Nghệ thuật cải lương, nghệ thuật ĐCTT và bài ca vọng cổ không phải là một, mà nghệ thuật ĐCTT có trước của vùng đất Nam bộ; nghệ thuật cải lương có sau và năm 1917 gánh hát cải lương đầu tiên ra đời tại Mỹ Tho; sau cùng là bài Dạ cổ hoài lang ra đời tại Bạc Liêu (vào năm 1920).
Đã từ lâu, trong lịch sử và trong công chúng gọi Mỹ Tho - Tiền Giang là “cái nôi của nghệ thuật cải lương” là như thế.
NGUYỄN NGỌC MINH
(Giám đốc Sở VH-TT&DL Tiền Giang)