Đón nhận Bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh
Nhân dịp Lễ hội Kỳ yên, ngày 11-1 (nhằm ngày 14 tháng Chạp năm Bính Thân 2016), đình Vĩnh Bình (tọa lạc thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây) đón nhận Bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Ông Trần Kim Trát, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao Bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đình Vĩnh Bình. |
Lễ hội Kỳ yên (cầu an) diễn ra từ ngày 14 đến 16 tháng Chạp hằng năm tại đình Vĩnh Bình. Những ngày này, thị trấn Vĩnh Bình nhộn nhịp hẳn lên và nhà nhà đều dọn dẹp tươm tất, chưng mâm ngũ quả trước cửa nhà để đón rước “sắc thần”. Sau lễ rước “sắc thần” ở các khu phố trong nội ô thị trấn về ngôi đình chính và Thiên y Thánh miếu, khách thập phương sẽ được thưởng ngoạn những ngày lễ hội tưng bừng.
Lễ hội đã trở thành một nét văn hóa truyền thống độc đáo tồn tại hàng trăm năm nay, là lễ hội lớn ở khu vực phía Đông của tỉnh, được đông đảo nhân dân địa phương, các huyện lân cận đến chiêm bái và vui hội.
KIỀU TƯỚC NGUYÊN
Ngày 13-1, xã Bình Phú, huyện Cai Lậy tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Đình thần Bình Phú.
Đình thần Bình Phú được xây dựng cách nay hơn 230 năm, kiến trúc tứ trụ, cột cây, mái ngói; là nơi thờ cúng các vị thần do nhân dân tín ngưỡng. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đình thần Bình Phú từng là nơi Mặt trận Việt Minh mở lớp bình dân học vụ, xóa mù chữ cho bà con; là nơi tập kết các chiến sĩ đặc công tham gia các trận đánh cầu đúc Bình Phú và là điểm liên lạc của cán bộ hợp pháp trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đến nay, Đình Bình Phú còn lưu giữ 3 đạo sắc thần Thành hoàng và 3 đạo sắc thần Đại Càn, bảo lưu giá trị văn hóa cổ truyền và truyền thống lịch sử ở địa phương.
Nâng đến nay, huyện Cai Lậy có 6 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh và 1 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
THANH TÙNG