Đờn ca tài tử- chuyện truyền nghề
Trong đêm lịch sử của nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) đón Bằng công nhận “Nghệ thuật ĐCTT Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại” (đêm 11-2-2014), Bộ VH-TT&DL đã công bố Chương trình hành động Quốc gia bảo vệ nghệ thuật ĐCTT Nam bộ giai đoạn 2014 - 2020, trong đó có 2 nội dung mà giới tài tử háo hức đón chờ: “….1. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, nghệ thuật ĐCTT Nam bộ nói riêng. 2. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy nghệ thuật ĐCTT trong các gia đình, nhà trường, CLB và cộng đồng nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng và nhân dân địa phương….”.
“Thế hệ vàng” của ĐCTT Tiền Giang được truyền nghề từ gia đình. Ảnh: Huỳnh Ngọt |
Truyền dạy nghệ thuật ĐCTT trong các gia đình, nhà trường, CLB… là ước muốn của các bậc tiền bối suốt đời “nặng nợ” với dòng âm nhạc dân tộc này. Tại Tiền Giang, Sở VH-TT&DL cũng đã xây dựng và triển khai thực hiện 2 đề án mang nội dung trên. Cụ thể, đã mở các lớp ĐCTT theo 3 cụm: Cụm tại huyện Chợ Gạo, dành cho các huyện, thị phía Đông và TP. Mỹ Tho; cụm tại huyện Cái Bè, dành cho các huyện, thị phía Tây; cụm tại xã Thới Sơn (TP. Mỹ Tho), dành cho các nhóm ĐCTT phục vụ du lịch.
Học viên đủ mọi thành phần và không phân biệt lứa tuổi, do tài tử Nguyễn Thế Châu hướng dẫn. Tuy nhiên, do trình độ tiếp thu và do có nhiều học viên yêu thích ĐCTT nhưng không năng khiếu ca nên việc truyền dạy không thuận lợi, dẫn đến kết quả không đồng đều, chiếm ½ số học viên chỉ biết ca bài vọng cổ, vài bản ngắn “làm vốn” để tham gia văn nghệ giao lưu cho vui. Chính vì vậy, nhìn ở góc độ nào đó, các lớp ĐCTT do Sở VHTT&DL, Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Tiền Giang mở chỉ mang tính chất phổ cập cho lực lượng yêu thích ca hát am hiểu thêm, để họ tự tin tham gia các điểm cà phê và các đêm sinh hoạt CLB ĐCTT cho có phong trào, lấy sự vui chơi là chính.
Để đạt tới mức “bảo tồn và phát triển” nghệ thuật ĐCTT, người truyền dạy phải có vốn kiến thức nhất định, người lĩnh hội phải có năng khiếu, đam mê và khổ luyện. Đúng như cố GS-TS Trần Văn Khê nhận định tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ” ở Festival ĐCTT Nam bộ lần thứ I tại tỉnh Bạc Liêu: “…Những năm gần đây, các tỉnh ở miền Nam đã cố gắng khôi phục lại các lớp dạy ĐCTT, cũng như tổ chức các liên hoan ĐCTT cấp tỉnh hoặc liên tỉnh…, nhưng hầu hết vẫn còn rời rạc, thiếu sự bảo trợ về tổ chức cũng như tài chính của Nhà nước. Các lớp dạy ĐCTT cần chọn người đứng lớp có nghề, am hiểu sâu để sự truyền thụ đúng căn cơ, bài bản….”.
Trước đây, Trung tâm Văn hóa tỉnh có mở lớp dạy ĐCTT, do cố nhạc sĩ Minh Tô phụ trách, được khá nhiều “môn sinh” đến thọ giáo, trong đó có Nhơn Hậu, diễn viên Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang, nay chị là Nghệ sĩ Ưu tú.
Một buổi sinh hoạt đờn ca tài tử. |
Danh cầm Đức Huệ (ngụ huyện Gò Công Đông) - Nghệ nhân Ưu tú, cho biết: “Tôi rất khắt khe trong việc chọn học trò để truyền nghề. Học đờn hay học ca đều phải có năng khiếu và niềm đam mê mới thành danh. Tôi có 2 học trò hội đủ 2 yếu tố trên là Ngọc Đặng và Kiều My, hiện hát có tiếng trong giới ĐCTT trong, ngoài tỉnh. Riêng Ngọc Đặng đã vinh dự có mặt trong Chương trình ĐCTT của đêm Lễ hội nhận Bằng của UNESCO công nhận ĐCTT Nam bộ là “Di sản của nhân loại”, với bài “Sắc xuân” - lời mới, do tôi sáng tác trên lòng bản Ngũ đối hạ”. Trước khi đến học ca với thầy Đức Huệ, Ngọc Đặng (là cháu Nhạc sĩ Hoàng Bảy, con gái của đào hát Ngọc Mai, Đoàn Minh Cảnh) đã biết ca một số bài bản.
Mạnh Cường, cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin TP. Mỹ Tho chia sẻ: “Ông nội Cường mê ca hát, thường mời các danh cầm và những tài tử ca tiếng tăm về nhà đàn, hát. Ông còn cho các con lên thành phố thọ giáo các danh cầm Văn Vĩ, Văn Giỏi…
Cường thì mê “vọc đàn” từ hồi 6 tuổi, thấy vậy ông bắt các chú của Cường truyền thụ lại, nên 17 tuổi Cường đã nhận 2 Huy chương Vàng độc tấu đàn sến khu vực Nam bộ”. Cường có nhận dạy một số học trò, các em đờn khá đã theo nhạc lễ mưu sinh, đặc biệt là cô bé Kiều Oanh có năng khiếu và niềm đam mê (cha Kiều Oanh là tài tử đờn ghi ta cổ), sau mấy năm miệt mài học đàn bầu, cô bé đã ngồi chung ban nhạc tài tử với cha mình ở cù lao Thới Sơn (nhóm ĐCTT Việt Nhật).
Cũng có một số “môn sinh” của Mạnh Cường có năng khiếu và đam mê, nhưng do gia cảnh khó khăn đã không theo học tới nơi tới chốn. Theo Cường, muốn học đàn thành thạo, ít nhất phải theo học xuyên suốt 3 năm và 10 năm rèn luyện. Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh thường xuyên mở lớp dạy ĐCTT là điều đáng mừng, nhưng thời gian học chỉ 1 hoặc 2 tháng là quá ngắn. Mạnh Cường trăn trở: “Được tham gia đàn cho các hội thi cải lương, ĐCTT trong tỉnh và toàn quốc, Cường luôn mong mỏi xuất hiện tài năng trẻ nhưng lực lượng hậu bối của dòng nhạc dân tộc tỉnh nhà hiện vẫn thiếu vắng. Lâm Chí Lợi và anh em nhạc công cải lương của Đoàn Nghệ thuật tổng hợp muốn phối hợp cùng nhau ghi chép, sưu tầm những bài bản tài tử, cải lương để in sách và thu âm nhằm lưu truyền. Đó là dự án lớn, cần mời nhiều tay đờn lành nghề để bài bản phong phú, có sự đầu tư về kinh phí và thời gian. Tuy nhiên, đã trình Sở VH-TT&DL mà chưa thấy trả lời, anh em lại chờ bên dự án của Di sản để mong được thực hiện hoài bão trên.
Gia tộc Nghệ sĩ Thúy Vy - 3 thế hệ ĐCTT. |
Còn một hình thức độc đáo và hiệu quả là truyền nghề trong gia đình, mà người đời quen gọi là “cha truyền, con nối”. Điển hình là Nghệ sĩ Thúy Vy, con gia đình tài tử Phan Thành Nhân ở huyện Tân Phước. Thúy Vy biết hát từ khi chưa biết chữ. Cô bé xuất hiện trên sân khấu văn nghệ quần chúng vào những đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, lúc ấy Vy còn là học sinh tiểu học nhưng ca rất “chắc nhịp và mùi”. Sau đó Thúy Vy được Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh tuyển dụng vào bộ phận cải lương, từng có Huy chương Bạc sân khấu cải lương chuyên nghiệp, giải Nhất “Tiếng hát truyền hình mở rộng tỉnh Bến Tre”, 2 Huy chương Vàng ĐCTT toàn quốc và giải Ba “Chuông vàng vọng cổ”. Hiện Vy công tác ở Đoàn nghệ thuật Quân khu 7. Ông nội Thúy Vy đờn giỏi, truyền nghề cho cha Thúy Vy là anh Cao Thành Nhân và các cô chú trong gia đình Vy biết đờn, ca khá tốt. Chúng tôi từng đến nhà và được các thành viên trong gia đình Thúy Vy đàn hát trên bộ ván nhà mình như không gian tài tử Nam bộ xưa.
Ở huyện Chợ Gạo có gia đình Thanh Hiền (ngụ xã Đăng Hưng Phước). Hiền và em trai Văn Thành thường xuất hiện trong những liên hoan ĐCTT của Tiền Giang vào những năm 90 của thế kỷ trước và đoạt nhiều giải thưởng. Hiền sử dụng được nhiều loại nhạc cụ, trẻ tuổi nhưng biết khá nhiều bài bản cổ như Tiểu khúc, Cửu khúc, Vạn giá, Long đăng… Tiếc là Hiền không còn tham gia các cuộc thi, bởi vì gia đình là một nhóm nhạc lễ khá nổi tiếng và đắc show trong, ngoài tỉnh. Hay như, gần đây, sân khấu nghệ thuật quần chúng và ĐCTT xuất hiện giọng ca trẻ đầy triển vọng là cô bé Mỹ Duyên, mới học lớp 8, có giọng ca thiên phú. Người trong nghề cho rằng, đó là một cô gái có đủ “thanh, sắc”, bởi lẽ Mỹ Duyên được truyền thụ “máu nghề” từ cha mẹ.
Ngoài gia đình và các thầy đờn, ngành Văn hóa tỉnh ta cần quan tâm mở nhiều lớp ĐCTT nâng cao, để góp phần làm xứng danh là “Di sản phi vật thể đại diện cho nhân loại” mà UNESCO đã công nhận.
ÁI QUỲNH