Mai vàng- hồn xuân đất phương Nam
Đón năm mới, người dân đất Bắc tìm cho mình nhành đào đón xuân; với người dân phương Nam, cội mai vàng là hồn xuân ngày tết không thể thiếu. Mai vàng lộc biếc mang đến cho không gian ngày tết của gia đình người Việt đất phương Nam thêm ấm áp, vui tươi.
Ảnh: CAO LẬP ĐỨC |
MUÔN SẮC MAI VÀNG
Cùng là mai vàng, nhưng người sành về mai sẽ phân biệt nhiều loại khác nhau. Theo ông Trần Văn Nâu, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Tân Phước, nếu chịu khó tìm hiểu thì thấy có nhiều loại mai vàng, dựa vào kiểu dáng cánh hoa, số lượng cánh hoa mỗi bông… Hoa mai thông thường có 5 cánh và người chơi hoa quan niệm rằng 5 cánh hoa ấy tượng trưng cho 5 thần cát tường là: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh. Loại mai trâu có lá to, hoa to, cánh hoa cũng to, nhưng mọc thưa; cây mai sẻ mọc hoang rất nhiều, thường cho hoa đầy cành nhưng hoa nhỏ và cánh hoa nhỏ; giống mai thơm (mai ngự) có đặc điểm trổ hoa rất thơm, cánh dày, lâu tàn, được các bậc vua chúa, quý tộc xưa ở Huế rất thích. Ngoài ra, còn có giống mai chủy, mai huỳnh tỉ, mai cánh nhọn, mai cánh tròn, mai chùm gửi, mai liễu… cũng có mặt trên vùng đất phương Nam. Dựa vào cánh hoa, người chơi còn phân biệt thành mai 5 cánh, mai 8 cánh, mai 12 cánh, mai 18 cánh, mai 24 cánh và thậm chí đến 120 - 150 cánh. Về màu sắc, cũng là mai vàng nhưng mỗi cây mai, mỗi loại mai, sắc vàng của hoa cũng đậm - nhạt khác nhau, thậm chí có những cây hoa ngả sang màu vàng cam rất lạ. Ngoài mai vàng, còn có bạch mai, thân và lá cũng giống như mai vàng, nhưng hoa có 5 cánh màu trắng, nhụy hoa màu vàng trông đẹp mắt, ngày tết không được ưa chuộng lắm.
Mai trổ hoa càng nhiều cánh và cánh hoa to, dày thì càng quý, càng có giá. Dân sành điệu còn có thú chơi mai ghép, chọn những cây mai cho hoa đẹp ưng ý ghép vào gốc mai bình thường để tạo ra cây mai đẹp; thậm chí có người đã ghép vào một gốc mai cùng lúc nhiều loại mai khác nhau như mai huỳnh tỉ, mai sẻ, mai cam, mai giảo, mai trắng…
Hầu như trước thềm, ngoài sân của mỗi nhà người Nam bộ đều có trồng một vài cây mai. Mai là loại cây dễ trồng, tuy bị bỏ mặc cả năm nhưng cứ lớn dần, gốc càng to thì càng có giá trị.
CHƠI MAI CŨNG LẮM CÔNG PHU
Ngày tết, ngoài những cây mai hoa nở vàng rực trước ngõ, ngoài sân; trong mỗi nhà, mai còn hiện diện trên bàn thờ gia tiên và trong phòng khách. Thông thường, người Nam bộ chưng mai theo hai cách là chưng nhánh và chưng cả chậu mai trong nhà. Để có nhánh mai chưng tết, ngày cuối năm mỗi gia đình đều ra vườn hoặc ra chợ chọn mang về những cành mai to, có nhiều nụ hoa, mang thui gốc cho nụ đừng rụng rồi cắm vào chiếc lục bình lớn để giữa phòng khách và cắm xen với vạn thọ, cúc trên bình hoa bàn thờ. Nhánh mai như vậy cứ tươi tốt, nở hoa suốt tết. Dân sành điệu, khá giả thì chưng trong nhà một chậu mai, gốc càng to càng tốt, thể hiện sự sang trọng, biết thưởng thức và gửi gắm sự mong ước của chủ nhân. Hiện nay, những cây mai được uốn tỉa, ghép cành, tạo tán rất được ưa chuộng.
Ở Tiền Giang, ngoài 20 năm trở lại đây, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo chuyên cung cấp mai vàng tết cho thị trường trong và ngoài tỉnh, với hơn 30 hộ dân trồng chuyên canh mai vàng trên diện tích gần 4 ha. Cây mai vàng cũng đã bám rễ sinh sôi trên vùng đất mới huyện Tân Phước hơn 10 năm nay. Theo Hội Sinh vật cảnh huyện này, hiện huyện có hàng chục ha trồng mai vàng, đa số người dân trồng mai vàng xen trong khóm và bán cây mai nguyên liệu. Mỗi năm người dân xuất bán khoảng 20.000 cây mai nguyên liệu với chu vi gốc khoảng 25 cm và xuống giống khoảng 50.000 cây mai con. Do đặc điểm đất nhiều mùn, tơi xốp nên cây mai vàng trồng ở đất Tân Phước lớn rất nhanh và có bộ rễ rất đẹp, nên những làng mai ghép nổi tiếng như Thủ Đức và Cái Mơn rất ưa chuộng.
Ông Nguyễn Văn Dóc, một nhà vườn chuyên cung cấp mai ghép dịp tết của xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước chia sẻ bí quyết chơi mai: “Một cây mai đẹp phục vụ tết, ngoài yếu tố cánh hoa nhiều, to và dày; màu sắc hoa tươi thắm; hình dáng và độ lớn của gốc, thì điều quan trọng là hoa phải nở đúng lúc.
Ngày mùng 1 tết, cây mai bắt đầu nở những nụ hoa đầu tiên và hoa nở rộ trong suốt 3 ngày đầu năm mới là đạt. Để cho cây mai có nhiều hoa và nở đúng tết, tôi phải chăm chút suốt một năm với lịch bón phân khắt khe và tưới nước đầy đủ. Bỏ khô, cây không sung nên không cho hoa tốt; còn tưới nước nhiều thì cây chết úng... Phân bón cũng phải dựa vào từng thời kỳ sinh trưởng của cây mà gia giảm liều lượng phân cho hợp lý. Mai ghép sau 2 năm mới cho hoa đẹp. Chơi mai cũng công phu lắm!”.
Bước sang tháng Chạp là mỗi gia đình Nam bộ đều canh để lải lá mai. Tùy vào độ lớn của nụ hoa trên cành mà có thể chọn ngày lải lá trước tết từ 10 đến 20 ngày và giảm lượng nước tưới hàng ngày. Cây mai thời điểm giáp tết trơ trụi lá, cành khẳng khiu, nụ mai bắt đầu lớn dần, bung ra và từng chùm nụ xanh lớn dần lên trong tiết trời se se lạnh. Ngày xuân ngắm hoa mai khoe sắc, hít thở hương hoa thoang thoảng khiến tâm hồn con người thêm thanh thản, khởi đầu cho một năm mới an lành!
MAI HÀ