Thứ Tư, 04/01/2017, 20:59 (GMT+7)
.

Quá trình hình thành và phát triển của Hội KH lịch sử tỉnh Tiền Giang

Ngày 21-2-2002, UBND tỉnh Tiền Giang cho phép thành lập Ban vận động để tiến đến thành lập Hội Khoa học lịch sử tỉnh Tiền Giang. Ban vận động do ông Huỳnh Văn Niềm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban; ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm Phó ban.
Sau hơn 2 năm (2002 - 2004) tuyên truyền, vận động, ngày 11-12-2004, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Tiền Giang tiến hành Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2004 - 2009. Lúc này, Hội có 120 hội viên. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 19 Ủy viên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy được bầu làm Chủ tịch Hội. Ông Huỳnh Văn Niềm được Đại hội đề cử làm Chủ tịch danh dự của Hội. Đến cuối năm 2010, Hội kết nạp được 102 hội viên mới, nâng tổng số 222 hội viên.

Ngày 10-12-2010, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Tiền Giang tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ II, nhiệm kỳ 2010 - 2015. Đại hội đề cử ông Huỳnh Văn Niềm và ông Nguyễn Anh Tuấn làm Chủ tịch danh dự của Hội; bầu Ban Chấp hành gồm 19 Ủy viên, ông Lê Ái Siêm đắc cử Chủ tịch Hội. Từ đầu nhiệm kỳ II, Hội có 14 chi hội thuộc 9 huyện, thị, thành và các chi hội chuyên ngành gồm: Chi hội Khoa học lịch sử các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công; Chi hội Khoa học lịch sử Sở VH-TT, Chi hội Khoa học lịch sử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chi hội Khoa học lịch sử Sở GD, Chi hội Khoa học lịch sử Cán bộ hưu trí và Chi hội Khoa học lịch sử Trường Chính trị tỉnh. Trong nhiệm kỳ II phát triển thêm Chi hội Khoa học lịch sử Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Do một số hội viên lớn tuổi từ trần và chuyển công tác nên đến cuối năm 2016 tổng số hội viên chỉ còn 203 hội viên.

Qua 14 năm hình thành và phát triển (2002 - 2016), Hội Khoa học lịch sử tỉnh Tiền Giang đã tích cực tham gia thực hiện các công trình nghiên cứu, biên soạn lịch sử quan trọng trên địa bàn tỉnh như: Địa chí Tiền Giang; Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tiền Giang; Lịch sử Đảng bộ huyện, thành phố, thị xã; Lịch sử Đảng bộ xã, phường, thị trấn. Hội còn tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học về các sự kiện lịch sử, các nhân vật tiêu biểu trong lịch sử của Tiền Giang.

Hội Khoa học lịch sử tỉnh Tiền Giang tham gia tổ chức nhiều cuộc triển lãm, trưng bày hiện vật lịch sử để công chúng chiêm ngưỡng các tác phẩm, hiện vật tiêu biểu của ông cha ta đã tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và chống ngoại xâm từ thuở khai hoang mở cõi cho đến nay, nhất là các cuộc triển lãm về tư liệu chứng minh chủ quyền của nước ta đối với Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Công tác giảng dạy và truyền bá kiến thức lịch sử địa phương cũng được Hội quan tâm, thường xuyên thực hiện ở Trường Chính trị tỉnh và các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố, thị xã.

Hội thường xuyên tham gia tư vấn, giám định khoa học các công trình, dự án liên quan đến lịch sử, văn hóa trong và ngoài tỉnh. Tất cả các công trình nghiên cứu về lịch sử trong tỉnh đều được Hội tổ chức phản biện và giám định khoa học một cách nghiêm túc và được dư luận xã hội ủng hộ. Việc đặt tên đường, tên các công trình công cộng tại TP. Mỹ Tho và các huyện, thị trong tỉnh đều được Hội tham gia tích cực và có trách nhiệm, cung cấp cơ sở khoa học cho các cơ quan có liên quan nhằm tránh những sai sót gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội vẫn còn những hạn chế nhất định: Hội chưa xuất bản được tạp chí “Tiền Giang Xưa và Nay” như Nghị quyết Đại hội lần thứ I và thứ II đề ra; chưa tạo được kinh phí hoạt động cho Hội; việc tổ chức họp Ban Chấp hành và Ban Thường vụ chưa thường xuyên; mối quan hệ giữa Tỉnh hội và các chi hội chưa chặt chẽ…

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên và tạo niềm tin trong xã hội đối với Hội Khoa học lịch sử, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu của tất cả những người nghiên cứu lịch sử trong tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân trong việc tìm hiểu lịch sử dân tộc và lịch sử địa phương.

LÊ VĂN TÝ

.
.
.