Nhà văn Đoàn Giỏi - Đại thụ phương Nam
Vừa qua, Nhà Xuất bản Kim Đồng tổ chức Tọa đàm “Nhà văn Đoàn Giỏi - Đại thụ phương Nam” nhân dịp tái bản một loạt 8 tác phẩm nổi tiếng của ông.
MANG NAM BỘ ĐẾN VỚI THIẾU NHI ĐẤT BẮC
Tại buổi tọa đàm, Nhà thơ Cao Xuân Sơn, Giám đốc Chi nhánh Nhà Xuất bản Kim Đồng tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Chính nhờ những tác phẩm: Đất rừng phương Nam, Cá bống mú, Hoa hướng dương, Cuộc truy tìm vũ khí, Tiếng gọi ngàn… mà thế hệ trưởng thành từ miền Bắc trong thời chiến tranh như ông và các bạn bè cùng trang lứa với ông mới biết đến miền Tây Nam bộ qua những trang văn mộc mạc, gần gũi nhưng cũng vô cùng sâu sắc của Đoàn Giỏi.
Nhà văn Trần Đức Tiến cũng đồng cảm, ông cho rằng: “Nếu không có Vũ Hùng viết về thiên nhiên Tây Nguyên và Đoàn Giỏi viết về cảnh sắc và con người sông nước miền Tây thì tuổi thiếu nhi của chúng tôi hầu như không biết gì về những miền đất này...”.
Những trang viết đuộm màu sắc Nam bộ gần gũi nhưng cũng rất mới lạ của Nhà văn Đoàn Giỏi đã gieo vào tuổi thơ bao thế hệ những điều tốt đẹp, những rung động, say mê với cảnh sắc thiên nhiên và sự đồng cảm với từng số phận của những nhân vật trong truyện. Có thể nói, cùng với những nhà văn, nhà thơ tên tuổi: Tô Hoài, Võ Quảng, Phạm Hổ…, Nhà văn Đoàn Giỏi được xem là một trong những cây bút hàng đầu viết cho thiếu nhi đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét đối với nhiều thế hệ bạn đọc.
Điểm đặc biệt ở Nhà văn Đoàn Giỏi là những trang văn ông viết cho thiếu nhi nhưng người lớn vẫn bị cuốn hút và thích thú. Đạo diễn Vinh Sơn chia sẻ, tình cờ đọc Đất rừng phương Nam vào tháng 4-1975 lúc ở Phan Rang, tôi đã bị mê hoặc ngay bởi những trang văn hết sức lý thú về Nam bộ. Năm 1997, Đạo diễn Vinh Sơn đã đề xuất chuyển thể tác phẩm của Đoàn Giỏi thành bộ phim truyền hình Đất phương Nam, là một trong những bộ phim truyền hình dài tập đầu tiên của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh. Đất phương Nam khi ra mắt đã được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả, phim liên tục được công chiếu trên nhiều kênh truyền hình, thậm chí được xuất chiếu sang Mỹ. Mặc dù vậy, đạo diễn Vinh Sơn vẫn cảm thấy “mắc nợ” khi chưa thể hiện hết những chất liệu về vùng đất phương Nam trong những tác phẩm văn chương của Nhà văn Đoàn Giỏi.
Đại diện NXB Kim Đồng tặng sách cho Phòng GD-ĐT huyện Châu Thành và Trường THCS Đoàn Giỏi. |
ĐOÀN GIỎI VỚI QUÊ HƯƠNG TIỀN GIANG
Đoàn Giỏi đã có quãng thời gian dài từ lúc nhỏ cho đến tuổi thanh niên gắn bó với vùng đất Tiền Giang. Sau thời gian tập kết ra Bắc, đến những năm cuối đời ông mới có dịp về hướng dẫn trại sáng tác văn học cho nhiều anh chị em văn nghệ sĩ ở Tiền Giang. Vùng đất Tiền Giang nói riêng, Nam bộ nói chung đã gắn bó máu thịt và trở thành nguồn cảm hứng sáng tác đặc biệt đối với ông.
Nhà văn Đoàn Giỏi sinh năm 1925 tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ông còn có các bút danh khác: Nguyễn Hoài, Nguyễn Phú Lễ, Huyền Tư. Ông nổi tiếng với tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” viết cho lứa tuổi thiếu nhi, được tái bản rất nhiều lần và dịch ra nhiều tiếng nước ngoài. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Đoàn Giỏi công tác trong ngành An ninh, rồi làm công tác thông tin, văn nghệ, từng giữ chức Phó Trưởng Ty Thông tin Rạch Giá. Từ năm 1949 đến 1954, ông công tác tại Chi hội Văn nghệ Nam bộ, viết bài cho Tạp chí Lá Lúa, Tạp chí Văn nghệ Miền Nam. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, đến năm 1955 ông chuyển sang sáng tác và biên tập sách báo, công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam và là Ủy viên Ban Chấp hành các khóa I, II, III. Ông mất năm 1989 tại TP. Hồ Chí Minh. Năm 2001 ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học- nghệ thuật. |
Từ những nỗi nhớ quê hương da diết của người con xa quê, Đoàn Giỏi gửi tâm trạng mình vào văn chương, biến những cái hay, cái đẹp của vùng đất và người Tiền Giang thành nhiều tác phẩm độc đáo và ấn tượng. Trong bài ký Nhớ Tiền Giang, ông viết: “…Những năm xa nhà, nhớ quê hương, tôi giở sách xem ngày xưa các cụ đánh giá thế nào về những con người trên vùng đất mình sinh trưởng? Nói chung, dân Nam bộ, dân Đồng bằng sông Cửu Long vốn phóng khoáng, hào hiệp, trọng nghĩa, khinh tài… Tất cả những đức tính ấy đều do thiên nhiên vô cùng phong phú hun đúc nên. Tuy nhiên, dân Định Tường còn có những đặc điểm khác những nơi khác: Đàn ông sính văn thơ. Đàn bà, con gái chăm chỉ, khéo léo mà thích chưng diện, thích đi coi hát. Thanh niên thì ưa đàn ca, thích luận đàm nơi quán tiệm…”.
Đối với Đoàn Giỏi, dường như văn chương đã chọn lấy ông. Và cái nghiệp văn chương của ông đã được báo trước từ cái duyên gặp gỡ Nhà văn Hồ Biểu Chánh hồi năm 17 tuổi. Cho nên, dù có thời gian làm công an, rồi cho đến mấy năm học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định cũng không đưa ông đến nghệ thuật tạo hình để có một ông họa sĩ hay nhà điêu khắc Đoàn Giỏi. Và mối duyên nợ đối với văn chương của ông như được nỗi nhớ quê hương chắp thêm đôi cánh. Dù có sinh sống, công tác, hoạt động ở đâu, ông cũng luôn hướng về vùng đất Nam bộ.
Đọc tác phẩm của ông, chúng ta luôn gặp một Đoàn Giỏi phóng khoáng, hào hiệp và luôn luôn sâu nặng với đất phương Nam. Trong thời gian tập kết ra Bắc, ông đã tìm đến văn chương như một điểm tựa, một sự chia sẻ, động viên. Hàng loạt tác phẩm thú vị, li kì, hấp dẫn viết về vùng đất phương Nam với giọng văn rặt Nam bộ của ông đã khiến nhiều độc giả bất ngờ, thích thú. Chẳng hạn, bộ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam nổi tiếng của ông cũng được thai nghén và ra đời trên đất Bắc, đã mang đến người đọc nhiều điều thú vị về cảnh sắc thiên nhiên, con người, tập tục văn hóa của vùng nông thôn Nam bộ và đây được xem như một áng văn về con người, về vùng đất Nam bộ khá điển hình.
Tại buổi tọa đàm, Nhà thơ Cao Xuân Sơn đã ví von Đoàn Giỏi với hình ảnh của mầm đước Nam bộ. Cây đước giản dị, gần gũi nhưng lại ẩn chứa sức sống đầy mạnh mẽ là hình dung gần giống nhất về văn chương và con người Đoàn Giỏi. Việc Nhà Xuất bản Kim Đồng tổ chức tái bản sách và tổ chức tọa đàm về văn chương của cụ Đoàn Giỏi một lần nữa khẳng định giá trị cũng như những đóng góp to lớn của Nhà văn Đoàn Giỏi đối với mảng văn học dành cho thiếu nhi nói riêng và văn chương Nam bộ nói chung.
LÊ VĂN