Đình Vĩnh Bình - di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh
Đình Vĩnh Bình (tọa lạc khu phố 1, thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây) do ông Trần Văn Huê xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XIX bằng các vật liệu truyền thống (gỗ, đá, gạch, ngói âm dương). Qua nhiều lần trùng tu, hiện đình có lối kiến trúc theo lối nhà dọc. Chánh điện được xây bằng chất liệu bê tông cốt thép, mái lợp ngói móc (ngói Tây), nền lót gạch tráng men. Hệ thống kèo, cột, xiên, trính theo kiểu nhà thả đòn dông dọc. Cửa đình quay về hướng Bắc.
Như bao ngôi đình khác ở Nam bộ, đình Vĩnh Bình là nơi thờ tự tín ngưỡng của nhân dân vùng Thuận - Quảng khi vào đây khai hoang lập ấp từ thế kỷ XVIII, XIX. Căn cứ vào trích lục sắc phong của vua Tự Đức và văn tế cúng đình hằng năm, đình Vĩnh Bình thờ Bổn Cảnh Thành Hoàng Chi Thần, thờ Tiền hiền khai khẩn và Hậu hiền khai cơ. Hằng năm, vào các ngày 14, 15, 16 tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) nhân dân tổ chức Lễ Kỳ yên với quy mô lớn tại đình Vĩnh Bình, để nhân dân đến chiêm bái Thần Thành Hoàng, Thần Nông, Thần Xã Tắc và cầu cho mưa thuận, gió hòa, dân giàu nước mạnh với các hình thức diễn xướng dân gian. Nơi đây còn lập “Ðàn tràng” cầu an cho những người chết trong trận bão lụt năm Giáp Thìn 1904, là nét riêng của đình Vĩnh Bình mà nhiều đình khác không có.
Ngoài ra, còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian kéo dài suốt 3 ngày (đẩy cây, nhảy bao bố, bịt mắt đập nồi, bắt vịt trên sông, ngâm thơ, múa lân, hò, vè, múa bóng rỗi…) và múa lân, múa rồng, hát bội. Đình còn là nơi che giấu, hội họp, phát tán truyền đơn của lực lượng cách mạng trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Điển hình như: Trong 2 năm 1955 và 1956, tại đây đã diễn ra phong trào đấu tranh chống các luận điệu của địch, khi thì bí mật, khi thì công khai với nhiều hình thức đấu tranh của nhân dân đòi địch không được bắt bớ những người tham gia kháng chiến, đòi thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Giơ- ne- vơ đã được ký kết và hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước...; lợi dụng những ngày tổ chức cúng đình, lực lượng của ta tổ chức họp bàn bạc, phân công công tác, tập hợp quần chúng chống chiến tranh tâm lý, phá hoại của địch…
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975), do nhu cầu mở rộng quy mô chợ và để có chỗ xây dựng khách sạn, toàn bộ khối kiến trúc gồm: Nhà việc cũ, đình và rạp hát đã được giải tỏa. Năm 1994, đình được xây dựng mới trên phần đất do Nhà nước cấp và hoàn thành năm 1995. Những năm gần đây, để tạo thêm không khí vui tươi nhân dịp đón xuân về và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, huyện Gò Công Tây tổ chức Hội Xuân với nhiều trò chơi giải trí, các cuộc hội thi múa lân, múa rồng; hội thi giới thiệu, trưng bày những kiệt tác hoa kiểng cổ, bon-sai; triển lãm thành tựu kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương. Các đêm đều có biểu diễn nghệ thuật: Xiếc hoặc mô tô bay, ca nhạc với nhiều danh ca, danh hài…, thu hút rất đông khách du xuân trong và ngoài vùng đến thưởng lãm.
Để có cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của đình Vĩnh Bình, UBND tỉnh đã ký Quyết định công nhận đình Vĩnh Bình là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào cuối năm 2016.
NGUYỄN MẠNH THẮNG