Thứ Tư, 12/04/2017, 20:31 (GMT+7)
.

Nghi thức cưới xưa và nay

Trong các lễ thức theo vòng đời người, ngày cưới có ý nghĩa rất thiêng liêng, là hình thức liên hoan, báo hỉ mừng cô dâu, chú rể, mừng hai gia đình, do đó xưa nay mọi người đều rất coi trọng. Tuy nhiên, trong thực tế, do quan niệm thực dụng, nét đẹp truyền thống trong ngày cưới mai một dần, một số nghi tiết bị biến dạng, méo mó.

 Rước dâu ở nông thôn.
Rước dâu ở nông thôn.

RƯỜM RÀ ĐÁM CƯỚI XƯA

Ở Tiền Giang, ngày xưa đám cưới thường kéo dài 2 ngày. Hôm trước là ngày nhóm họ, đãi thân tộc, bạn bè của nhà trai cũng như nhà gái. Riêng chú rể thì ngày này phải đến nhà gái “kiếu rể” - tức làm rể lần cuối, gọi là lễ “thám hôn”. Ông Nguyễn Văn Y (90 tuổi, ngụ xã Bình Phú, huyện Cai Lậy) giải thích, thám hôn tức là qua nhà gái thám thính xem cô dâu còn hay đã bỏ trốn. Tối hôm đó, ở hai nhà trai và nhà gái, chú rể hoặc cô dâu phải dâng nhang đèn, trà nước làm lễ tổ tiên và lạy chào cha mẹ, ông bà, chú bác, cô dì... Mỗi người sẽ uống ly rượu, ly trà và tặng cho chú rể hoặc cô dâu một phong bao tiền, kèm theo vài lời chúc mừng, căn dặn.

Nghi thức này gọi là “chịu lạy”. Ngày hôm sau, đúng giờ quy ước, họ nhà trai đến trước cổng, chờ xin phép vào làm lễ đón dâu. Theo tục xưa, giờ vào cửa rất quan trọng, nhiều trường hợp nhà trai đứng dầm mưa trong khi nhà gái vẫn đóng kín cổng. Đoàn đi rước dâu gồm người làm mai, cha mẹ, ông bà, thân tộc, bạn bè và chú rể. Nhà gái cũng chuẩn bị đưa dâu (gồm ông bà, cha mẹ, thân tộc, bè bạn...), có thể đến vài ba chục người. Số lượng người đưa dâu thường được thông báo cho nhà trai biết trước để tiện việc tiếp đãi.

Thông thường, đám rước phải có đôi, có ông phải có bà, có nam phải có nữ, cho nên nhà trai đi rước dâu phải đi lẻ để khi đón dâu về thì chẵn đôi.

Xưa người trưởng tộc phải dẫn đầu đám rước dâu, cùng với người bưng khay trầu rượu để “ăn nói”, còn gọi là khay lễ hay khay hộp - là một cái khay hình vuông bằng gỗ quý, trên có 2 cái hộp trầu và 2 cái chung rót rượu. Cặp chung tượng trưng cho sự chung thủy (ngày cưới kiêng rót rượu bằng ly). 2 cái hộp, cái lớn tượng trưng cho người chồng, đặt 6 miếng trầu têm kiểu cánh phượng - biểu tượng cho “lục lễ”; cái nhỏ tượng trưng cho người vợ - người quán xuyến gia đình nên phải có ngăn, có nắp. Vào đêm hôm trước, người chủ hôn phải nhờ một người hạnh phúc vẹn toàn têm dùm 6 miếng trầu này để lấy phước. Khi muốn cho cô dâu tiền bạc hoặc nữ trang phải đặt vào cái hộp nhỏ.

Lễ vật cúng trước bàn thờ tổ tiên nhà gái gồm 1 đôi đèn sáp, 1 mâm trầu cau, 2 chóe rượu lễ, 6 mâm lễ vật trái cây, bánh ngọt, trà, rượu, kẹo, mứt... Tặng vật cho cô dâu là nhẫn, dây chuyền. Sau khi giới thiệu, trà nước xong, trưởng tộc nhà trai đem khay trầu rượu trình lễ vật và xin nhà gái cho phép chú rể làm lễ tổ tiên. Nhà gái sẽ cử một người trong họ phúc lộc vẹn toàn đến thắp hương, đèn để chú rể dâng lên bàn thờ và lạy 4 lạy, xá 3 xá. Đứng hai bên chứng kiến là cha mẹ chú rể và cô dâu. Sau khi chú rể làm lễ tổ tiên xong thì đến từng bàn làm lễ cha mẹ, ông bà, nội ngoại, thân tộc. Còn cô dâu làm lễ từ giã tổ tiên, từ giã cha mẹ, ông bà.

Nghi thức tế tơ hồng trong đám cưới xưa.
Nghi thức tế tơ hồng trong đám cưới xưa.

Khi đến nhà trai, chương trình lễ cũng lặp lại giống như ở nhà gái, nhưng có thêm nghi thức tế Tơ hồng Nguyệt lão và nghi thức Mai nhân cúng tổ. Sau đó, đôi trai gái vào lạy 4 lạy, 3 xá, rồi chồng lấy rượu mời vợ, vợ bưng rượu mời chồng. Uống xong, cả hai lấy hai cái chén úp lại, gọi là giao bôi hợp cẩn.

CHƯA CHẮC VĂN MINH LÀ TIẾT KIỆM

Sau năm 1975, người ta đã bỏ nhiều nghi thức như giao bôi hợp cẩn, tế tơ hồng, tế mai nhân cúng tổ.... Hai chóe rượu lễ được thay bằng cặp rượu lễ có dán giấy đỏ, gọn nhẹ và ít tốn kém hơn. Những thủ tục rườm rà như lạy người sống, lễ lên đèn cũng đã lược bỏ. Tuy nhiên, sự tốn kém cả thời gian lẫn tiền bạc tính ra vẫn nhiều hơn trước, bởi nhiều nghi thức không cần thiết được bày vẽ bởi những người làm dịch vụ cưới.

Ông Lê Hữu Nghĩa ở xã Bình Phú kể, mới đây ông đi dự đám cưới của đứa cháu dưới quê, bị các ông chụp hình, quay phim hành hạ một phen. Thay vì rước dâu làm các thủ tục gọn nhẹ mà đầy đủ ý nghĩa thông thường chỉ mất khoảng 30 phút, các vị này bày thêm các nghi thức “ngoài kịch bản” như: Sắp xếp đội hình cho cô dâu chú rể dâng cúng từng món quà bánh lên bàn thờ, công bố từng món lễ vật, đem tiền sính lễ ra đếm rồi bày lên mâm sắp cho đẹp, cô dâu chú rể cắt bánh kem mời cha mẹ đôi bên....Điều đáng nói là, khi thực hành các việc ấy thì cô dâu phải thay một bộ đồ. Đợi cô dâu chú rể diễn cho họ chụp hình, quay phim xong thì mất gần 2 tiếng, báo hại người đi rước dâu đói rã ruột...
Hiện nay, những gia đình khá giả, có mối quan hệ rộng thường tổ chức đám cưới từ hai đến ba ngày. Ở gia đình thì cô dâu chú rể làm theo nghi thức cũ, có khi phải lạy lục các kiểu. Còn ở nhà hàng thì đủ loại nghi thức theo phương Tây như: Giao tay nâng rượu, cắt bánh cưới, rót rượu champagne... Những đám cưới được tổ chức ở nhà hàng với ổ bánh kem to đùng hoành tráng, dàn rượu champagne 5 - 7 tầng, mỗi tầng là hình tam giác được xếp chồng lên nhau bởi những chiếc ly trong suốt; rồi hoa, kim tuyến, âm nhạc, người dẫn chương trình… với chi phí không hề ít.

Ở góc độ pháp luật, sau khi đăng ký kết hôn thì đôi trai gái đương nhiên là vợ chồng và được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, trong tâm thức của người dân từ trước đến nay, lễ cưới là thời điểm quan trọng để họ hàng, bạn bè chính thức công nhận đôi trai gái là vợ chồng. “Ăn theo thuở ở theo thời”, nhiều người đã mạnh dạn lược bỏ một số lễ thức và thủ tục không cần thiết, nhưng phải giữ lại một số lễ thức quan trọng, như các lễ mang tính đạo lý tục thờ tổ tiên của người Việt như lễ gia tiên, xuất giá, ra mắt ông bà hai họ... thì phải được thực hiện một cách nghiêm túc và đúng bài bản. Tuy nhiên, hiện nay, có nhiều gia đình thích tổ chức đám cưới theo kiểu “có tây, có ta” nhằm dung hòa quan niệm sống của thế hệ già - trẻ. Song vấn đề là, nghệ thuật kết hợp, liều lượng thế nào cho hài hòa, không khéo sẽ rơi vào tình trạng “không ra nạc, không ra mỡ”.

PHAN LÊ

.
.
.