Thứ Tư, 03/05/2017, 20:27 (GMT+7)
.

Cái cười trong "Bức tượng biết cử động" của Lê Quang Huy

Tôi được anh Lê Quang Huy (hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Tiền Giang) tặng quyển sách, trang bìa có dòng chữ “Tiểu phẩm”, với nhan đề “Bức tượng biết cử động”, do Hội Nhà văn xuất bản. Đọc tổng quan quyển sách, tôi nhận ra, quyển sách không đơn thuần là một “tiểu phẩm”, mà hơn hết, cái cuốn hút trong “Bức tượng biết cử động” là tính chất truyện cười qua từng câu chuyện.

Cái cười có thể được hiểu là hành động cười, do cái đáng cười gây ra và do ta phát hiện ra cái đáng cười. Sự phát hiện ra cái đáng cười nhằm đem lại cho người đọc cảm xúc, sự sảng khoái; đồng thời, phê phán những tình huống, hiện tượng trên tinh thần xây dựng mà anh từng chứng kiến. Trào phúng trong truyện của anh hướng đến học sinh, giáo viên, kỹ sư, quan chức đến người dân bình thường…, miễn là đáp ứng mục đích đem đến cái cười cho độc giả.

Trong truyện Sự tích “Đùng một cái”, nhân vật chính là ông quan huyện có tính “ba phải”, ai nói gì cũng nghe theo mà không cần suy xét cho chín chắn. Nghe lời của thư ký, ông chỉ đạo cho đập một cái chợ của dân làng; nghe lời của quan phủ, ông bắt dân làng đắp một con đường, trong khi đó lúa chín không ai gặt… Hình ảnh ông quan huyện đâu đó vẫn còn hiện diện trong xã hội, do năng lực và trình độ hạn chế nên không có bản lĩnh, chính kiến riêng của bản thân, trở thành bù nhìn, không giúp được cho dân, thậm chí gây khổ cho dân.

Trong truyện Bức tượng biết cử động, công trình bức tượng được khánh thành đúng kế hoạch, nhưng cái bất thường là thằng Tý nhận ra “Bức tượng biết cử động” chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, do bị “rút ruột công trình” đã bị xuống cấp.

Vốn là một thầy giáo, chứng kiến rất nhiều cảnh khôi hài từ thực tế nhà trường, anh đem đến cho độc giả nhiều cảnh gây cười qua câu chuyện Một ngày. Vì muốn biết con của mình học hành thế nào ở trường nên anh kỹ sư ngành Điện chế tạo ra một camera cực nhỏ để theo dõi con. Qua camera, hiện hình ảnh một nam sinh chen ra từ đám đông ở tiệm photocopy với những tờ giấy bằng hai ngón tay mà người ta gọi là “bùa”, “phao”; hơn phân nửa học sinh của lớp không làm tốt bài tập tiết Toán, với những lời xì xầm “đứa nào học thêm thầy mới làm được”; cô giáo giảng trên bảng, các nữ sinh bên dưới thoải mái chuyền tay nhau các tạp chí điện ảnh Hàn Quốc, Đài Loan; những chiêu trò sử dụng “quy luật bàn tay trái” trong kiểm tra… Cái cười nằm ngay trong các chi tiết rất thực trong nhà trường.

Cái cười trong tập “Bức tượng biết cử động” của Lê Quang Huy còn ở chỗ kết thúc bất ngờ của từng câu chuyện. Kịch tính của mỗi câu chuyện được tạo ra do sự thay đổi của hoàn cảnh. Nếu như những phần trên của câu chuyện, tác giả sắp xếp các chi tiết để đưa đến một tình huống tưởng chừng không gỡ ra được, thì bỗng có sự thay đổi nào đó bất ngờ nhưng cũng rất hợp lý làm cho người ta phải phát cười. Trong Sự tích “Đùng một cái”, như nhan đề của câu chuyện, cái mà tác giả hướng đến là giải thích cho được câu nói “Đùng một cái”, những sự kiện của câu chuyện chỉ là phương tiện, kết thúc truyện là mục đích. Ở huyện, mỗi khi có công việc nào quan trọng, quan huyện đều ra lệnh đánh một hồi trống để tập hợp dân làng, nhưng hầu như ngày nào quan huyện cũng có kế hoạch, nhiều kế hoạch đưa ra rồi đột ngột thay đổi nên anh lính hầu phải đánh trống liên tục đến nỗi anh không còn dẻo dai như trước.

Kết thúc câu chuyện thật bất ngờ, anh lính xin phép quan huyện mỗi khi có công việc, cần tập hợp dân làng, thay vì đánh trống liên hồi, thì chỉ đánh “đùng một cái”. Qua đó, tác giả giải thích gốc tích của câu nói “Đùng một cái” là dùng để chỉ những quyết định bất ngờ đưa ra hoặc ngưng lại mà trước đó không bàn bạc hay thảo luận rộng rãi. Trong Bức tượng biết cử động, vì quá tin vào bức tượng hiển linh, nhiều người còn mê tín ngủ lại tại bức tượng mong cho thần báo mộng để đánh số đề. Kết thúc câu chuyện đã phần nào làm lộ thiên cho cả cốt truyện: Hình ảnh đơn vị thi công làm một hàng rào sắt bao quanh bức tượng cùng với tấm bảng: “Cẩn thận, đừng đến gần tượng” do tượng sắp sập kẻo gây tai nạn, kết thúc hết sức nhẹ nhàng, hợp lý, ẩn sau tiếng cười là bài học giúp con người thức tỉnh, nhận thức về cuộc sống một cách rõ ràng.

Còn câu chuyện Một ngày, qua camera quan sát, tác giả đã liệt kê nhiều vấn nạn trong nhà trường hiện nay, kết thúc câu chuyện là cảnh lớp trưởng lanh lảnh: “Bạn nào học thêm môn Hóa ở nhà cô, tranh thủ đóng tiền gấp!”. Đến đây bỗng cúp điện. Anh kỹ sư tự nhủ rằng: “Sáng bưng mắt mà học không ra gì, nói chi tối thui”. Tác giả đã mượn lời anh kỹ sư để trải lòng mình, đó cũng chính là những trăn trở của tác giả về vấn đề đổi mới giáo dục hiện nay. 

Qua “Bức tượng biết cử động” của tác giả Lê Quang Huy không đơn thuần là những cái cười, những câu chuyện vui, giải trí, mà còn là bài học đối với xã hội, hướng đến những giá trị tốt đẹp của con người. Sự giáo dục, phê phán nhẹ nhàng đã tạo nên không khí vui tươi, hồn nhiên trong bản thân mỗi câu chuyện. Và đằng sau mỗi tiếng cười là tấm lòng của tác giả với người đọc qua những câu chuyện có tầng sâu ý nghĩa triết lý, văn hóa, xã hội sâu sắc.

TS. NGUYỄN TRỌNG HIẾU

.
.
.