Thứ Hai, 22/05/2017, 21:21 (GMT+7)
.

Nhà thơ Minh Đức với hoài niệm Bến xưa

Quá trình sáng tác của nhà thơ chính là hành trình khám phá thế giới của cái đẹp trong tâm hồn và cái đẹp của con người, sự vật trong vũ trụ. Dù nhà thơ hoài niệm về cái đẹp của quá khứ hay hướng tâm hồn về chân trời khát vọng thì thơ ca vẫn luôn ẩn chứa những bí ẩn, chờ đợi sự khám phá của người yêu thơ. Khám phá bí ẩn trong thơ của Minh Đức, tôi cảm nhận một hồn thơ đa cảm và đa mang trước vẻ đẹp của tình đất, tình người quê hương và sự rộng lớn, bao la của vũ trụ.

Minh Đức đã xuất bản tập thơ Bên bờ nỗi nhớ (năm 2008) và ông đang chuẩn bị cho ra mắt người yêu thơ tập thơ Bến xưa. Tôi cảm nhận được một hồn thơ giàu tính trải nghiệm trước bao biến động, cay đắng của cuộc đời nhưng vẫn dâng hiến cho người, cho đời những giọt - mật - thơ ngọt ngào và đằm thắm. Thơ của ông thấm đẫm và tràn đầy hoài niệm về những điều tưởng đã xưa cũ trong xã hội hiện đại nhưng vẫn mang vẻ đẹp lấp lánh trong thế giới tâm thức của con người. Tôi nghĩ, thơ ca chính là bến bờ bình yên để con thuyền thơ của ông cập bến và ông có dịp hoài niệm về cái đẹp của một thời; đồng thời ngân lên khúc ca khát vọng về chân trời mơ ước.

Minh Đức bị lôi cuốn, quyến rũ bởi cái đẹp của sự vật, con người và dấn thân trong công việc sáng tạo ở nhiều loại hình nghệ thuật như: Thư pháp, khiêu vũ, ngâm thơ, âm nhạc, thơ ca… Ông sống gắn bó với vùng đất Mỹ Tho, Tiền Giang hơn nửa thế kỷ, nhưng tâm hồn nghệ sĩ của ông lại rong chơi, lãng du khắp các vùng văn hóa và các vùng đất khác nhau. Tính cách con người và tâm hồn thơ của Minh Đức có sự hòa hợp và nhất quán. Thơ ông mang vẻ đẹp của sự dung dị và hồn hậu của ca dao, của thơ truyền thống. Tính cách con người ông giàu nghĩa tình, hào hoa và dễ gần gũi với mọi người. Minh Đức sống nặng tình với sự vật, cảnh vật quê hương và những con người thân thiết trong cuộc đời của ông. Trong thơ ông, hình tượng những sự vật nhỏ bé luôn ẩn hiện, thấp  thoáng và chất chứa tình cảm thân thương, lắng đọng:

“Đường khuya ai đứng một mình
Lắng nghe tiếng gió làm thinh thở dài
Sương buồn rơi nhẹ bờ vai
Chờ ai đứng đợi bóng dài đêm thâu”.
(Một mình)
“Thả hồn theo tóc bay trong gió
Để mộng để mơ ngập cả lòng”.
(Nhớ)

Tư tưởng Phật giáo, ý thức về sự vô thường luôn phảng phất, hiện diện trong từng câu thơ, bài thơ của ông. Trong bài thơ Chùa xưa, Minh Đức viết:
“Hồn thiêng thổn thức lời kinh kệ
Bát nhã thuyền thơ động mái chèo”.
Nhà thơ thường sống với tâm trạng cô đơn và ý thức về sự ngắn ngủi, thoáng chốc của kiếp người:
“Thời gian hờ hững nhẹ buông
Xa xa vọng lại tiếng chuông vô thường”.
(Bên bờ nỗi nhớ)

Không gian và thời gian nghệ thuật của Minh Đức gắn liền với không gian tâm tưởng của một người từng trải và thời gian của sự hoài niệm. Chính vì thế, trong sự hình dung và trong trí tưởng tượng của người đọc, không gian và thời gian trong thơ Minh Đức mang tính đa chiều và lan tỏa sâu rộng…
Minh Đức không quyết liệt cách tân thơ về ngôn từ, không tìm kiếm hình tượng thơ mới lạ, mà chủ yếu bộc lộ và khắc họa cảm xúc sâu đậm, lắng đọng của trái tim và sự biến đổi tâm trạng của chủ thể trữ tình. Thơ của Minh Đức có sự hòa quyện giữa chất trữ tình gợi cảm, sâu lắng và chất Đường thi với vẻ đẹp cân đối, hài hòa. Thơ của Minh Đức thường bộc lộ mối tương quan, giao hòa giữa tâm hồn con người và vũ trụ, giữa sự vật bé nhỏ và sự bao la, rộng lớn của đất trời:

“Anh là chiếc lá mùa sang
Rơi trên ngọn sóng lang thang tìm nguồn”.

(Tình anh)
 “Chim bay về cuối chân trời
Tìm đâu tổ ấm gởi đời phiêu du”.
 (Cô đơn)

Minh Đức sáng tạo thơ trong chiều kích vẻ đẹp của thơ truyền thống. Ông không phải kiểu nhà thơ cách tân, tiên phong trong sáng tạo, mà là nhà thơ của cái đẹp bình dị, gần gũi với tâm hồn của những con người trong đời thường. Tôi tin Minh Đức tiếp tục có những câu thơ hay vượt qua thử thách của thời gian và sống lâu bền trong tâm hồn người yêu thơ.

VÕ TẤN CƯỜNG

.
.
.