Nhạc tang lễ, làm sao giữ được nét xưa?
Ông bà xưa có câu “Sống dầu đèn, chết kèn trống”. Ở Nam bộ, nhiều người quan niệm rằng, ông bà, cha mẹ qua đời mà cháu con không mời được ban nhạc thì xem như không tỏ được sự hiếu thảo. Cho nên, hiện nay nhạc lễ vẫn còn là nhu cầu phổ biến trong lễ tang.
QUY TẮC BÀI BẢN XƯA
Ở Tiền Giang, khởi đầu đám tang ngay sau khi tẩn liệm thì đội kèn nhạc lễ phải xổ hơi Ai để cáo phó, tiếp theo ban nhạc tiến hành nghi thức Dựng giá. Dựng giá có nghĩa là sửa soạn, bày biện. Bản hòa tấu Dựng giá có đủ nhạc cụ trống nhạc, kèn trung, đồng lố, bạt, bồng, mõ sừng... Sau lễ Dựng giá là các nghi lễ Phát tang Thành phục. Trong lễ này, ban nhạc đánh trống thét trước rồi gài bài Xuân nữ bằng đàn cò cho thầy đám tiến hành phát tang. Sau đó tiến hành Cúng vong. Nghi thức này bắt đầu bằng cách gài thét bắt qua xây nghi, đàn bài Ngũ đối hạ. Khi Cúng vong, ban nhạc thường sử dụng các bản điệu Bắc như Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc (7 bài), nhưng phổ biến nhất là bài Ngũ đối hạ. Cũng có trường hợp Cúng vong, ban nhạc dùng bản Nam để chia sẻ nỗi đau với tang gia, phổ biến là bài Xuân nữ. Lúc Cúng vong, nhạc cụ sử dụng gồm trống nhạc, trống cái, phệch, đàn cò, gáo, kìm, sáo.. .Việc sử dụng nhiều bài trong nghi lễ này là do xưa có nhiều ban nhạc luân phiên, nay thường chỉ có một ban nhạc nên ít dùng, thông thường chỉ sử dụng một bài là đủ.
Cúng vong được thực hành 3 lễ (tuần sơ, trung và tuần cuối). Ở vùng Gò Công thường sử dụng theo trình tự sau: Tuần sơ đánh bài Ai, tuần trung đánh Bụa tư rơi, tuần cuối đánh Bụa đảo, hoặc gọi là Đảo bụa - tức là đảo dây, trở hơi nhạc. Cuối cùng gài thét để chấm dứt lễ thì gọi là đánh Thái bường/bình.
Khách đến viếng tang, phúng điếu, ban nhạc sử dụng bài bồng và lớp thét. Bài bồng là độc tấu vỗ trống bồng. Lớp thét là khúc hòa tấu cho người bình dân lạy, gồm có trống nhạc, kèn trung, đồng lố, bạc xà, bồng, mõ sừng. Người lạy có 4 động tác cơ bản, do đó đánh trống thét chủ yếu là giữ nhịp cho các động tác lạy. Trường hợp khách quan trọng đến viếng thì phải tấu Rập bang hoặc Vân long, gồm trống nhạc, kèn thau, đồng lố, đẩu, bạc. Cách đánh này cũng được sử dụng khi rước đoàn khách đi tế, như sui gia chẳng hạn; còn khách thông thường lạy thì chỉ đánh 4 lớp.
Trong suốt thời gian có tang lễ, muốn dạo nhạc lấp các chỗ trống thì dùng Đảo bụa, tuyệt đối không dùng Bụa vì là bản nhạc tế thần. Nhạc cụ gồm trống nhạc, kèn thau hoặc kèn mộc, đàn cò, đàn kìm, đồng lố, bạc. Có ban nhạc dùng 2 bản Bồng chặp và Đàn cách, do khó trình diễn nên ít được sử dụng.
Bắt đầu di quan, một số ban nhạc sử dụng đàn chầu, trống đánh như kiểu rập bang nhưng chậm (rờn chứ không rập). Lúc đưa linh cữu đến huyệt mộ phải dùng bản Nam ai. Bản này dùng trên đường di quan nên còn gọi là Ai quan hoặc Nam ai, thổi suốt. Nhạc cụ sử dụng cho Ai quan gồm: Kèn mộc, 2 cây đàn cò, kìm, gáo, trống cơm...; có khi chỉ có đàn cò, kìm, gáo, trống cơm hòa theo tiếng chiêng, trống đánh khắc ba.
Riêng Hạ tịch không phải là lễ thức mà chỉ là một tiết mục do các vị kinh sư và ban nhạc lễ bày thêm. Lúc về khuya, khi hết khách phúng viếng thì dàn nhạc lễ bước xuống chiếu trước linh tòa, biểu diễn một chương trình văn nghệ tùy hứng, nhưng phải nằm trong phạm vi các bài nhạc lễ hay nhạc tài tử. Những ban nhạc khéo ứng xử thường quan sát thái độ của tang chủ, nếu thấy tang chủ bi lụy quá thì dùng bản nhạc Xuân; ngược lại, tang chủ có vẻ vui thì dùng nhạc Ai, ngụ ý nhắc nhở, điều chỉnh tâm lý của tang gia. Tương tự như tiết mục Hạ tịch, mục Phá quàn cũng là nghi tiết phụ, là tiết mục văn nghệ nghi lễ không bắt buộc phải có trước khi cử hành lễ chuyển cữu, an táng. Mục này sử dụng các loại nhạc hát bội, sau này cải biên xen vào bài bản vọng cổ, hát lý...; có nơi còn sử dụng cả tân nhạc.
Nhìn chung, trong tang lễ có nhiều nghi tiết, trong đó có nghi tiết chính và một số nghi tiết phụ, cho nên ban nhạc lễ ngày xưa thường chuẩn bị sẵn nhiều loại nhạc cụ: Loại dành để đánh nhạc lễ và loại sử dụng cho đờn ca tài tử như song lan, đàn sến, đàn tranh...; sau này bổ sung thêm guitar phím lõm.
THẦY VỚI NHẠC NHƯ RĂNG VỚI MÔI
Nguyên nhân của sự biến tướng là tâm lý phô trương của gia chủ và của cả những thầy làm đám. Hiện nay, nhiều đám tang có cả nhạc ta lẫn nhạc tây, sử dụng loa phóng thanh quá lớn cho các thầy kinh sư làm lễ và tụng niệm gây không ít phiền hà cho hàng xóm. Nhạc thì đánh tùy tiện, không theo bài bản, nghi thức nào cả. Nhạc trong tang lễ bỗng trở nên tầm thường bởi những ca khúc đương đại. Tính thiêng liêng, ý nghĩa hiếu sự ở các nghi thức lễ tang bị suy giảm bởi phương tiện âm thanh nhạc cụ hiện đại.
Dàn âm thanh còn có nhiệm vụ phục vụ cho các vị kinh sư làm lễ tụng niệm. Một thành viên trong ban nhạc lễ ở xã Bình Phú, huyện Cai Lậy cho biết, nếu không có dàn âm thanh, các thầy thường từ chối làm đám và hợp đồng giữa họ với các thầy sẽ không được suôn sẻ. Có vị kinh sư còn đòi hỏi cả micro xịn, nếu không có thì thầy giận dỗi ra mặt. Thầy với nhạc “như răng với môi”, thầy hiểu chuyện lễ nghĩa, nghi thức tang tế thì ban nhạc ít chệch choạc hơn.
Ở Tiền Giang, bài bản nhạc lễ còn lưu giữ được khá nhiều, nhưng hầu hết là các bản chép tay. Đội ngũ thực hành nhạc lễ được truyền nghề theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, có khi biết nhạc mà không biết lễ làm mai một dần những quy tắc cổ điển.
Thống kê riêng của chúng tôi, ở Tiền Giang hiện có hàng trăm ban/dạ nhạc. Con số này cũng dao động thất thường, nhiều khi họ hoạt động theo “sô” hợp đồng, 1 nhạc công có thể phục vụ cho nhiều ban nhạc khác nhau. Các ban nhạc này thường do Hội Người cao tuổi cấp xã đứng ra thành lập, lo từ khâu chọn lựa người đến việc mua sắm nhạc cụ và tổ chức rước thầy về tập dợt bài bản... Chi phí cho việc thành lập mỗi ban nhạc khoảng 50 triệu đồng. Ngoài ra, còn có nhiều ban nhạc do các trại hòm lập để bao thầu các dịch vụ lễ tang từ việc cung cấp hòm, các loại đồ tẩn liệm, bao thư phúng điếu.... và ban nhạc phục vụ.
Về những người trực tiếp hành nghề nhạc lễ, ngày nay nhạc lễ không còn là nghề có thể nuôi sống họ, nên việc lơ là, không chuyên tâm với nghề là lẽ đương nhiên. Đó là chưa kể, nếu có sống được bằng nghề thì sự tâm huyết với bài bản truyền thống cũng không còn bởi thị hiếu xã hội thay đổi.
PHAN LÊ