Nhớ canh cua đồng của mẹ
“Hò ơi... gió đưa bụi chuối sau hè
(Chứ) anh mê... anh mê vợ bé... bỏ bè con thơ...
Hò ơi...( chứ) gió đưa cây cải về trời
(Chứ) rau răm ở lại... Hò ơi, rau răm ở lại... chịu đời đắng cay”.
Bạn đang gõ máy tính, bỗng nghe tiếng ru con của người phụ nữ kế bên phòng làm bạn phải phì cười. Chuyện sẽ chẳng là gì nếu đó là một ngày bình thường trong một tiết trời bình thường, nhưng hôm ấy nhiệt độ như muốn rang cả mười mấy triệu dân trong thành phố này, thì gió kiểu nào cũng chẳng mát nổi. Nếu may mắn gió tới được đây thì cũng chỉ táp vào mặt mình cái nóng bức, khô rát ngoài kia.
Lời ru đã dứt, có lẽ đứa bé đã ngủ, nhưng trong lòng bạn cảm thấy thiếu cái gì đó khi nhớ lại tiếng ru của mẹ ngày nào:
“Hò ơi... gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng...
Về rẫy ăn còng... (chứ) về sông ăn cá, về sông ăn cá... mà về đồng ăn cua...”.
Đúng là hai câu đó đã in đậm trong ký ức tuổi thơ của bạn. Có lẽ do tuổi thơ của bạn gắn liền với bưng biền, ruộng rẫy, kinh rạch nên con cá, con cua, con còng có lạ gì. Nghĩ đến đây, tự dưng bạn lại nhớ cánh đồng, nhớ nồi canh cua đồng của mẹ da diết quá.
Lớn lên đi học, đi làm rồi miết mình trong cái thành phố ngột ngạt này khiến bạn quên bẵng đi tất thảy rồi sao? Không! Bạn không quên, chỉ là con người ta sống thì phải cố gắng thích ứng, nên những thứ gọi là kỷ niệm ấy chỉ tạm thời “ngủ yên” thôi, nhưng ký ức vẫn còn nguyên vẹn và chỉ chờ những phút mủi lòng để trỗi dậy...
Bạn nhớ, khoảng tháng 4 lúa đang ngậm đòng, trời đang khô hạn và người ta phải vét hết nước từ mương đìa, kinh rạch để giúp lúa đủ nước trổ đòng, đơm hạt. Bạn - một thằng nhóc đầu khét lẹt, da mốc xì, bận áo thun, quần tà lỏn nghe ngóng đìa nào có tiếng máy Kule chạy xình xịch là xách thùng chạy đến ngồi chờ. Đó là mùa bắt “hôi” của bạn. Cạn đìa, chủ đi bắt đằng trước, bạn và lũ nhóc “hôi” cá nhỏ người ta chê và cua, ốc phía sau. Có khi may, bạn bắt được những con cá lóc bự trốn dưới sình sâu. Những lúc ấy, bạn la oai oái, cười khì khì; còn lũ nhóc kế bên và chủ đìa mắt buồn buồn, tiếc hùi hụi. Đa phần bọn “hôi” đìa như bạn cũng khá hài lòng khi không được cá thì cũng được một mớ cua mang về.
Nếu những ngày không nghe tiếng máy xình xịch, bạn cũng vẫn ra đồng “đánh lẻ”. Vẫn đầu không nón, quần tà lỏn, áo thun, cái thùng nhưng lần này bạn có thêm một cây ngoéo. Cây ngoéo chỉ là cọng kẽm to bằng đầu đũa, dài không quá 1 mét, mũi mài nhọn và được bẻ cong. Đối tượng lần này của bạn vẫn chính là những chú cua, nhưng là những chú cua nằm trong hang sâu ở các mương, lạch dẫn nước vào ruộng. Bạn đi dọc theo mương, quan sát hai bên bờ để tìm hang. Hang nào nằm sát mé nước, ăn sâu xuống, có đất đào to thì đích thị là hắn. Bạn ngại những hang nằm ngang vì có thể là hang rắn. Bạn chỉ cần đưa cây ngoéo vào hang và nghe tiếng mai cua chạm vào đầu ngoéo là có thể lôi ra được một con. Cua trong hang có lắm con cũng cứng đầu, bạn ngoéo có con sứt mai, gãy càng cũng không chịu ra. Trong hang cua, nếu có thêm một ngách ngang thì không chỉ có cua, đôi khi sản phẩm phụ là những chú ếch béo núc. Mùa này tiết trời nóng, ếch hay vào giành hang của cua mà trốn nắng và những chú ếch này rất hung hăng, nhiều khi chúng xơi tái luôn con cua. Nếu đi một buổi khoảng hai giờ đồng hồ thì bạn lại ì ạch lôi một thùng cua đầy ắp về. Cua mùa này không lột vỏ nên rất chắc thịt. Bạn thích nhất những con cua đực, vì có lẽ càng của chúng to, nhìn chúng rất oai, đụng chuyện là quơ càng hăm he.
Người ở đâu thì gắn liền với sản vật ở đó. Con nít ở đồng bưng thì những thứ như bánh kẹo, cà rem, đá bào nhiều khi cũng đã rất xa xỉ. Chỉ có những thứ như cá, tép, cua, ốc là gần gũi. Nếu bây giờ người ta tìm một đĩa càng cua đồng rang muối để “nhấm” bia với giá khá đắt, thì lúc trước chỉ là thứ quà vặt ăn chơi của lũ nhóc đồng bưng như bạn. Thịt cua đồng ngọt, mát, nhiều chất đạm và canxi, có giá trị dinh dưỡng cao và nó cũng là nguồn thực phẩm gần gũi với chúng ta từ lâu. Thế nên, có hàng chục cách chế biến như kho, nướng, luộc, nấu canh... Và các thực vật phối hợp với thịt cua đồng cũng dễ dàng kiếm được sau vườn nhà.
Bạn nhớ cách dễ ăn nhất của lũ trẻ trong xóm là đốt ít lửa và bỏ con cua đồng vào, chỉ cần vài phút sẽ có ngay món cua nướng mọi vừa thổi vừa ăn. Riêng bạn, thích nhất món cua đồng rang muối, chỉ cần một ít muối, vài con cua, một cái chảo, chỉ trong vài phút sẽ có món thịt cua đồng vừa ngọt vừa đậm đà. Có lẽ, trong ký ức của bạn, món canh cua đồng của mẹ là cầu kì nhất. Mẹ phải tách bỏ mai cua, bỏ yếm rồi rửa sạch, sau đó giã nhuyễn và chắt lấy nước thịt. Từ phần nước thịt này, mẹ nêm thêm tí muối và gia vị, sẽ có món cua kho, chấm đọt lang luộc hay bông súng, kèo nèo và các loại rau sống thì ngon tuyệt.
Cũng từ phần thịt ấy, mẹ đi kiếm ít mớ rau tập tàng từ sau vườn, một ít mùng tơi, rau dền, cải trời, rau ngót, đọt hoặc trái mướp..., nếu có thêm ít nấm rơm là tuyệt. Sản phẩm mẹ tạo ra là món canh cua đồng tập tàng, vừa đậm đà, vừa ngọt, vừa mát, thích hợp cho những khi tiết trời nóng bức. Những đứa trẻ vùng bưng biền sinh ra, lớn lên và ra đi thì hầu như đứa nào cũng không thể quên hương vị của món canh này từ bàn tay người mẹ. Nó không chỉ là món ăn, mà còn là hương vị quê nhà, là tình cảm chắt chiu từng ngày khôn lớn. Nhiều khi món canh ấy đã gây cho bạn cái cảm giác nhớ da diết, nhớ đến mủi lòng. Bạn nhớ hình như nhà hàng, quán nhậu nào đấy có cái món gọi là “lẩu cua đồng hải sản”, phải chăng cũng bắt nguồn từ món canh tập tàng của mẹ, của ngoại; chỉ có điều cải biên cho sang là thêm vài loại thịt hải sản, nhưng theo bạn cảm nhận thì vẫn không bằng canh của mẹ, của ngoại, chắc có lẽ bạn “lúa”, chân còn dính phèn rửa mãi không sạch nên chưa thích ứng được chăng?
Bạn vẫn đang thèm thuồng, đang mơ màng tận hưởng cái mùi vị ấy. Lẽ nào không thể gác hết tất cả để về vài hôm với gió đồng? Lẽ nào không nhong nhong ngoài đồng, ngoài bãi tìm kiếm lại lũ cua đồng ngày xưa? Mặc cái nóng gần 400C, mặc cơn gió õng ẹo, bạn đang nghe lúa thơm hương mùi sữa, đang quây quần bữa cơm chiều cùng ba mẹ với món canh cua đồng xa xưa và bạn đang nghêu ngao:
“Hò ơi... gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng...
Về rẫy ăn còng,... (chứ) về sông ăn cá, về sông ăn cá... mà về đồng ăn cua...”.
VI TRẦN