Thứ Sáu, 12/05/2017, 22:28 (GMT+7)
.

Vài suy nghĩ về xây dựng văn hóa, con người Tiền Giang

Để có được diện mạo như hôm nay, tỉnh Tiền Giang đã trải qua quá trình phát triển lâu dài, với sự lao động cần cù, sáng tạo của các thế hệ nối tiếp nhau để xây dựng và bảo vệ vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Chính từ mảnh đất này, biết bao tên đất, tên người đã trở thành bất tử như: Rạch Gầm - Xoài Mút đánh tan quân xâm lược Xiêm; Đám Lá Tối Trời của nghĩa quân Trương Định; Long Hưng trong khởi nghĩa Nam kỳ; Cổ Cò, Giồng Dứa, Kinh Bùi… trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; Ấp Bắc, Ba Rài, Vành đai diệt Mỹ Bình Đức, Ngã sáu Bằng Lăng…

Ảnh: Thu Hoài
Ảnh: Thu Hoài

 Vùng đất này còn sản sinh ra những con người tài hoa, nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực như: Tiến sĩ Phan Hiển Đạo, Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, Nhà thơ trào phúng Học Lạc, Nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền, Giáo sư Trần Văn Khê, Họa sĩ Hoàng Tuyển, Nhà điêu khắc Nguyễn Hải… Cũng từ mảnh đất này, đờn ca tài tử và nghệ thuật cải lương xuất hiện sớm và phát triển mạnh mẽ, với Rạp hát Thầy Năm Tú cùng nhiều bậc nghệ sĩ tài danh, góp phần phát triển nghệ thuật cải lương Nam bộ như: Nghệ sĩ Năm Phỉ, Phùng Há, Tư Triều, Bảy Nam, Năm Châu, Soạn giả Trần Hữu Trang…

Người Tiền Giang trong quá trình khẩn hoang, lập ấp, xây dựng quê hương đã tạo ra những sản vật, những món ăn, những làng nghề nổi tiếng như: Hủ tiếu Mỹ Tho, mắm tôm chà Gò Công, xoài cát Hòa Lộc, cam mật Cái Bè, mận hồng đào Trung Lương, nhãn giồng Nhị Quý, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, tủ thờ Gò Công… đã trở thành những đặc sản nổi tiếng trên cả nước.

Trong những năm qua, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Tiền Giang luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát. Nhiều đề án, công trình văn hóa, đề tài nghiên cứu về văn hóa vật thể, phi vật thể, bảo tồn các giá trị văn hóa - nghệ thuật trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện. Việc trùng tu, tôn tạo và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa tại các di tích được quan tâm, góp phần bảo tồn di sản, giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc, lịch sử Tiền Giang cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa được tăng cường bằng các quy hoạch, chính sách, định hướng, qua đó các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa ngày càng phát triển và đi vào nền nếp. Việc đầu tư ngân sách và huy động xã hội hóa xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa được quan tâm, góp phần nâng cao số lượng, chất lượng và hiệu quả của các hoạt động văn hóa, phục vụ đời sống tinh thần của người dân…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh cũng còn một số hạn chế như: Việc xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa chưa đồng bộ và chưa tương xứng với yêu cầu phát triển chung của một tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế. Chưa giới thiệu hết những nét đặc sắc của văn hóa Tiền Giang trong quá trình tham gia hội nhập. Việc gắn kết các di tích lịch sử, văn hóa với hoạt động du lịch chưa đạt hiệu quả cao.

Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tuy đem lại hiệu quả xã hội tích cực, nhưng ở một số địa phương, cơ sở vẫn còn hiện tượng chạy theo thành tích; số lượng gia đình văn hóa đạt tỷ lệ cao nhưng tệ nạn xã hội vẫn còn nhiều và chất lượng các danh hiệu văn hóa ở một số địa phương, cơ sở trong tỉnh không được giữ vững hoặc chậm được nâng lên về chất lượng, ảnh hưởng đến phong trào chung...

Thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số việc trọng tâm sau:

Cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa. Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa, con người trong xây dựng, phát triển tỉnh Tiền Giang toàn diện và bền vững. Đưa các chỉ tiêu cụ thể về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Tiền Giang vào kế hoạch xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội hằng năm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa. Thực hiện nghiêm các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về văn hóa trên địa bàn tỉnh. Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với văn hóa. Trong phát triển kinh tế phải đảm bảo yếu tố văn hóa, trong phát triển văn hóa phải tính đến yếu tố kinh tế. Nâng cao hoạt động quản lý Nhà nước nhằm khai thác tốt công năng và hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao từ cấp tỉnh đến cơ sở nhằm xây dựng và phát triển đa dạng đời sống văn hóa cơ sở, làm cho văn hóa ngày càng thấm sâu và lan tỏa trong cộng đồng dân cư, thu hút ngày càng đông số lượng người dân đến sinh hoạt tại các thiết chế văn hóa - thể thao…

Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát huy đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa. Có chính sách ưu đãi để thu hút các nghệ nhân, nghệ sĩ, các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật về địa phương sinh sống, làm việc. Điều chỉnh chế độ, chính sách cho những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn học - nghệ thuật phù hợp với tình hình kinh tế của địa phương.

Phấn đấu đầu tư cho văn hóa phải tương xứng với mức tăng trưởng kinh tế của địa phương. Ưu tiên đầu tư một số công trình văn hóa trọng điểm, quy mô lớn theo quy hoạch được duyệt và quan tâm tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa đang bị xuống cấp. Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa để đầu tư, hỗ trợ cho phát triển văn hóa trong thời gian tới.

NGUYỄN MINH PHÚC

.
.
.