Thứ Bảy, 17/06/2017, 09:38 (GMT+7)
.

Chút tản mạn về vạn cấy ngày xưa

Trước khi chuyển sang phương pháp sạ lúa đại trà như hiện nay, cấy lúa là một trong những công đoạn chủ yếu của mùa vụ. Nông cụ sử dụng là chiếc nọc cấy. Cùng với hò cấy lúa, loại nông cụ thân thiết của nông dân ngày xưa hiện đã đi vào dĩ vãng, hiện tại ít người còn nhớ.

Cấy lúa vào năm 1960 ở Nam bộ.
Cấy lúa vào năm 1960 ở Nam bộ.

TỪ NỌC CẤY LÚA

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, cây nọc cấy lúa của nông dân Nam bộ là mô phỏng cây nọc trỉa lúa của tộc người Tây Nguyên, xuất hiện đầu tiên ở xứ Đồng Nai - Gia Định, đó là cây nọc chày. Cây nọc được mô tả to hơn cổ tay, trụ tròn hoặc bát giác dài trên 2 m, đầu trên bằng, dưới nhọn. Khi cấy lúa phải có 2 người: Một người (thường là đàn ông/người chồng) xuống ruộng bước thụt lùi cầm cây nọc chọc xuống đất ngoáy thành lỗ; người thứ hai (thường là đàn bà/người vợ) đi tới, xé mạ găm vào lỗ đã chọc. Nọc cấy vắng bóng đã lâu, ngày nay thỉnh thoảng khi đào đất, bắt gặp những cây nọc to lớn dị thường này, người ta thường bảo nhau đó là cây nọc cấy lúa của người khổng lồ thời thượng cổ.

Theo ông Trương Ngọc Tường, sưu tập nông cụ Nam bộ, cho rằng, ở vùng Tiền Giang, loại nọc cấy sử dụng phổ biến là nọc cổ bồng và nọc chìa vôi.

Nọc cổ bồng là loại nọc cổ thắt eo hình cái bồng - một loại nhạc cụ sử dụng trong nhạc lễ, đầu trên đẽo hình khối bát giác hoặc lục giác, đầu dưới nhọn. Tại eo thắt đâm ngang một cây chông làm điểm tựa. Nọc cổ bồng có 2 loại: Loại ngắn khoảng 2 - 3 tấc dùng để cấy mạ ruộng cạn. Loại dài khoảng 4 - 5 tấc dùng để cấy mạ ruộng bưng. Nọc cổ bồng loại dài cũng được sử dụng để cấy lúa cây, một số nơi gọi là cấy giâm. Cấy giâm là một dạng kỹ thuật cấy được áp dụng ở ruộng sâu, gần kinh rạch. Giống lúa thích hợp với kỹ thuật cấy giâm là rá mía. Loại này được giâm khi mạ tròn 1 tháng rưỡi, thời gian giâm là 1 tháng. Sau đó lúa được nhổ lên đem cấy lại. Kỹ thuật này giúp cho lúa đẻ nhánh nhiều, to bụi, hạn chế lúa bị rong nhớt kéo do ruộng gần nguồn nước lên xuống thường xuyên.

Nọc chìa vôi hình dạng giống cái chìa vôi, tròn, mũi nhọn, cũng có cây chông gắn ngang gần đầu nọc. Nọc chìa vôi cũng có hai loại: Loại ngắn từ 2 - 3 tấc, dùng để cấy mạ vùng ruộng cạn. Loại thứ hai dài từ 4 - 5 tấc, dùng để cấy mạ ruộng sâu. Nông dân vùng Cai Lậy, ven Đồng Tháp Mười thường sử dụng nọc cổ bồng loại dài, vì đất ở đây nhiều phù sa, nước sâu, mạ tốt. Trái lại, nông dân vùng Gò Công thường dùng loại nọc cổ bồng loại ngắn, vì ruộng vùng này đất cạn. Ruộng đất ở cù lao thì dùng nọc chìa vôi loại dài, vùng đất cát thì dùng nọc chìa vôi ngắn. Ngoài ra, những nơi đất phù sa cứng có nhiều cát, người ta thường sử dụng để cấy lúa chét - một loại lúa mọc từ gốc rạ sau thu hoạch, được tận dụng trong những mùa thiếu mạ.

Nọc cấy tuy đơn giản, nhưng được xem là một vật dụng thân thiết gắn bó với nghề, cho nên có nhiều chiếc nọc được chủ nhân khắc chữ trên đó, có khi là tên của mình, cũng có khi là một chữ nào đó có
ý nghĩa đánh dấu một kỷ niệm...

Ngoài việc chế tác cho thích nghi với đất đai, đồng ruộng, nhiều chiếc nọc cấy còn được khoét lỗ trên đầu nọc để nhét vôi ăn trầu vào đó. Ngày xưa ruộng có rất nhiều đỉa, người đi cấy phải cột chặt ống quần, thủ sẵn trong người một ít vôi ăn trầu đề phòng đỉa đeo bám. Đỉa kỵ vôi, khi bị đỉa bám thì chỉ cần chấm một ít vôi là đỉa rớt ngay.

ĐẾN HÒ CẤY LÚA

Vùng Tiền Giang người ta thường cấy lúa theo “vọng thá”, tức cấy mạ từ trái sang phải, mỗi hàng 4 cây mạ. Cây thứ nhất của hàng thứ nhất gọi là “cây tổ”, cây thứ nhì gọi là “cây tông”, tiếp theo là cây thứ ba, cây thứ tư (cây con, cây cháu)....; hết hàng thứ nhất sang hàng thứ nhì cũng cấy từ trái sang phải. Việc cấy lúa thường do phụ nữ đảm nhiệm, nhưng “bỏ mạ” cấy, tức phân phát mạ cho người cấy thường là thanh niên trai tráng có sức khỏe. Người cấy chỉ phụ trách 1 luống, tay phải vừa cầm nọc vừa cầm mạ, thao tác từ trái sang phải: Cắm nọc xuống đất xong thì tay trái lập tức xé mạ nhét vào, nhanh thoăn thoắt. Tuy nhiên, ở những nơi đất lầy lội thì không cần sử dụng nọc cấy, mà chỉ dùng tay ấn mạ xuống đất, gọi là “cấy tay”. Cách này cũng thường dùng trong lúc “dặm lúa”.

Trước đây, những người thợ cấy thường được tổ chức thành “vạn cấy”, nhiều địa danh Xóm Vạn, Cầu Vạn... còn lưu lại đến nay. Thỉnh thoảng các ông chủ vạn, còn gọi là ông bầu, tổ chức thi tay nghề. Để chứng tỏ thợ cấy có tay nghề cao, những cuộc thi cấy hay được bày ra vào những đêm tối trời. Trước khi vào cuộc, ông bầu, ông biện (thư ký vạn cấy) phân công mỗi “thí sinh” phụ trách 1 luống và dùng 1 cây nhang cắm ở đầu bờ làm “cây tổ” để căn cứ vào đó mà cấy. Sáng hôm sau, khi mặt trời sáng tỏ, ban tổ chức mới chấm thi theo tiêu chí đã định (khoảng cách cây mạ, độ thẳng hàng...). Thi cấy lúa, hay còn gọi là cấy đua là một trong những hoạt động không chỉ để đánh giá tay nghề, mà còn là sinh hoạt văn hóa theo mùa vụ:

Ai đi khoan khoái trên bờ
Xuống đây bỏ mạ em hò cấy đua.

(Hò cấy Gò Công)
Ngoài việc thi cấy lúa, sinh hoạt phổ biến ở các vạn cấy là hò hội, hò đối đáp:
Nhạn lạc bầy lăng xăng láo xáo
Sáo lạc bầy sáo phải bơ vơ
Trước xin ông chủ ruộng, sau là ông bầu, ông biện...cho tôi hò nhờ đôi câu.

(Hò cấy - câu rao, điệu hò vùng Cai Lậy - Cái Bè)

Hiện nay, chỉ còn một số ít người nhớ lại không khí cấy lúa trên đồng ngày xưa, trong đó có những bài vè đi cấy khá độc đáo, như bài vè sau đây do bà Nguyễn Thị Thanh, 85 tuổi, ngụ xã Phú An, huyện Cai
Lậy đọc:

Canh năm hú hí inh sình
Chờ dậy cơm nước giữ gìn bữa ăn
Hừng đông cơm gói trầu têm
Nón mang nọc cặp
        phăng phăng ra đồng.

Theo bà Thanh, hồi những năm đầu thế kỷ XX, phụ nữ đi cấy vẫn còn mặc áo dài:
Áo dài nón xếp bông mai
Mua đước đẻo nọc một cây
                 cho màu
Trăng thanh mo lột gói trầu
Mới ra đi cấy đầu tay
               đau mình.

(Vè Cấy lúa)

Từ khoảng sau năm 1968 chiến tranh ác liệt, nông dân vùng Cai Lậy - Cái Bè phát minh ra phương pháp sạ lúa rồi nhân ra đại trà. Hiện nay, việc cấy lúa chỉ còn áp dụng đối với một số diện tích sản xuất
lúa giống.

PHAN LÊ

.
.
.