Nhớ tiếng guốc mộc
Thời của guốc mộc đã đi qua, những gian hàng bán guốc mộc giờ đây đìu hiu như phiên chợ chiều. Vì cuộc sống, đã có không ít người chuyển nghề khác. Không rõ những đôi guốc mộc sẽ còn tồn tại trên thị trường bao lâu nữa.
Bà Liên đang cố níu giữ vẻ đẹp một thời của người phụ nữ Việt Nam. |
Nhớ tiếng guốc “lộc cộc” của những cụ mắt kém, mà mỗi lần nghe tiếng là lũ trẻ biết bà đi chợ về để chạy ra đòi quà. Nhớ tiếng thả bước thẹn thùng mà duyên dáng của bao thiếu nữ, tô điểm cho vẻ đẹp sinh động, yên bình... Nhiều người so sánh rằng, tiếng gót giày nện trên nền gạch nghe nặng nề, đanh thép; trong khi tiếng guốc nghe nhẹ nhàng, như gõ nhịp tình ca. Có lẽ cũng bởi thế mà nhạc sĩ Trần Quang Lộc trong tình khúc “Về đây nghe em” đã viết: “... Về đây nghe em. Về đây mặc áo the đi guốc mộc, kể chuyện tình bằng lời ca dao, kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai, kể chuyện tình bằng hạt lúa mới…”.
Mai đây, khi tiếng guốc chỉ còn trong ký ức, thì đôi guốc mộc vẫn là một dấu ấn khó phai mờ trong tâm hồn của bao thế hệ người Việt. Với những người con xa xứ, tiếng guốc mộc còn gắn liền với những kỷ niệm đẹp về quê hương Việt Nam thân yêu.
Guốc mộc được làm từ nhiều loại gỗ: Xoan, mỡ, tràm hương hay gỗ thông…, phù hợp với người bình dân lẫn người sang trọng. Guốc không đơn giản chỉ là vật dụng để bảo vệ đôi chân, mà thực sự trở thành một thứ trang phục để tôn thêm phong cách, biểu đạt gu thẩm mỹ của chủ nhân. |
Hiện nay, việc tìm được gian hàng bán guốc mộc không phải dễ. Thực hiện bài viết này, tôi may mắn phát hiện một gian hàng bán guốc mộc ở chợ Bến Thành (TP. Hồ Chí Minh). Chủ gian hàng là cụ bà đã hơn 70 tuổi, dáng gầy còm, tên Nguyễn Thị Liên. Gian hàng của bà nhỏ nhắn - chỉ 1,5 m2, đã gắn bó với ngôi chợ này hơn 50 năm qua. Bà Liên ngậm ngùi: “Ngày trước, nhiều người từ lớn đến nhỏ rất chuộng guốc mộc, bà đóng mỏi tay để bán nên thu nhập ổn định. Bây giờ, buôn bán ế ẩm lắm, người mua chủ yếu là khách du lịch nước ngoài...”. Nhiều lúc bà Liên cũng nản, nhưng hễ ai khuyên bà bỏ nghề thì bà không hài lòng, thậm chí dỗi hờn, bởi nó đã gắn bó với bà hơn 50 năm qua. Bà Liên chia sẻ: “Tôi xem gian hàng này như nhà của mình, ngày nào không ra thì bứt rứt không chịu được. Hơn nữa, đây không đơn giản là công việc để mưu sinh, vì nếu cho thuê lại gian hàng, thu nhập hằng tháng của tôi còn cao hơn. Đây là nét đẹp truyền thống của người Việt, nên phải giữ gìn và quảng bá cho người nước ngoài biết...”.
Những đôi guốc ở gian hàng của bà Liên như một thông điệp về vẻ đẹp một thời của Việt Nam. Mặc dù phụ nữ ngày nay thích dùng giày dép với nhiều mẫu mã phong phú, hiện đại, nhưng với du khách nước ngoài và Việt kiều lại yêu vẻ đẹp bình dị của những đôi guốc mộc. Có một vị khách người Singapore đến mua hàng, rồi muốn quảng bá đến những du khách khác, đã làm một tấm bảng bằng tiếng Anh gửi tặng bà Liên treo lên. Gian hàng của bà cũng có những vị khách “ruột” mấy chục năm, hiện đang định cư ở nước ngoài, mỗi lần về nước lại ghé gian hàng của bà Liên để mua guốc mộc sử dụng. Bà nói: “Đó là niềm vui, thôi thúc tôi gắn bó với nghề...”.
Theo bà Liên, lẽ ra guốc mộc đã “chết” từ lâu, nhưng nhờ chủ yếu được du khách nước ngoài ưa chuộng và Việt kiều tìm mua nên mới sống lây lất đến ngày hôm nay. Bà Liên và số ít người hành nghề bán guốc mộc đang mang những hơi thở cuối cùng của tiếng guốc. Không ít người vì cuộc sống đã bỏ nghề bán guốc mộc để tìm công việc khác. Có thể nhìn thấy rõ điều đó ở chợ Bình Tây (quận 6, TP. Hồ Chí Minh), trước đây là đầu mối đưa guốc đi khắp các tỉnh, giờ chỉ còn vỏn vẹn 2 sạp guốc mộc. Chợ An Đông (quận 5, TP. Hồ Chí Minh) với nhiều loại guốc kiểu dáng đẹp, sang trọng nổi tiếng một thời, giờ cũng chỉ còn 1 sạp bán guốc mộc với số lượng rất khiêm tốn. Chợ Minh Phụng, chợ Phú Lâm (quận 6, TP. Hồ Chí Minh) cũng lâm hoàn cảnh tương tự, một thời nhộn nhịp tiếng đóng guốc cho khách đi chợ đêm, giờ đây đìu hiu... dáng guốc.
Những ca từ của bản tình ca “Về đây nghe em” chợt nghe day dứt, nhớ nhung: “... Về đây nghe em. Về đây mặc áo the đi guốc mộc, kể chuyện tình bằng lời ca dao, kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai, kể chuyện tình bằng hạt lúa mới…”.
QUỐC TUẤN