Phát hiện gạch lạ tại Lũy Pháo Đài Gò Công
Vừa qua, khi thi công làm đường vào Khu di tích Lũy Pháo Đài (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông), sinh viên Trường Đại học Tiền Giang đã phát hiện 2 viên gạch lạ do máy xúc Kobe móc lên ở độ sâu khoảng 1,4 m, hướng Đông (quay ra biển), dưới chân đồn lũy và tặng cho Bảo tàng Tiền Giang.
Một trong những viên gạch được phát hiện tại Lũy Pháo Đài. |
Bảo tàng Tiền Giang đã cử cán bộ nghiệp vụ xuống khảo sát trực tiếp tại thực địa. Trong quá trình khảo sát, đã phát hiện thêm 4 viên gạch thẻ khá to nằm lẫn trong đất, đều bị gãy, hình dạng khác nhau, nhưng đặc biệt trên đầu mỗi viên gạch đều có chữ khắc chìm: Giáp tam, giáp ngũ, giáp bát, giáp cửu.
Theo tư liệu của TS. Nguyễn Phúc Nghiệp: Để bảo vệ cửa Tiểu, năm Minh Mạng thứ 15 (năm 1834), triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng tại đây Đồn Từ Linh (Lũy Pháo Đài) có chu vi 60 trượng (378 m), cao 5 thước 5 tấc (2,57 m), mở 2 cửa. Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) và thứ 7 (1847) đồn được sửa chữa lại. Sau vài lần gia cố đồn lũy “đắp theo hình lục lăng, móng thành được đắp bằng đá ong, đá xanh cao theo chiều bạt ta-ly, cao 8,4 m, rộng 3,5 m - 4,5 m. Trên mặt thành rộng từ 1,8 m - 2,5 m, cao khoảng 4 m. 4 phía có các cổng, vọng canh, rào chắn như các thành đồng niên đại. Phần giữa đồn có kho vũ khí, giếng nước cùng vọng lâu của vị chỉ huy...” (Hồ sơ di tích Lũy Pháo Đài đề nghị Bộ Văn hóa - Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia)
Như vậy, số gạch mới phát hiện này sẽ bổ sung thêm tư liệu nghiên cứu về di lích lịch sử - văn hóa Lũy Pháo Đài tại Tiền Giang.
NGUYỄN MẠNH THẮNG