Thứ Hai, 10/07/2017, 15:31 (GMT+7)
.

Anh Tuấn - mối duyên với nghệ thuật múa

Mặc dù tuổi đời còn khá trẻ, nhưng biên đạo múa Anh Tuấn đã có hơn 17 năm gắn bó, cống hiến cho nghệ thuật múa và với nhiều giải thưởng cao trong và ngoài tỉnh, đã khẳng định được uy tín nghề nghiệp của mình trên sàn diễn. Đầu năm 2017, anh vinh dự là 1 trong 19 văn nghệ sĩ được trao tặng Giải thưởng Thủ Khoa Huân - giải thưởng danh giá của tỉnh Tiền Giang dành cho các văn nghệ sĩ đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp phát triển văn học - nghệ thuật tỉnh nhà.

MỐI DUYÊN VỚI NGHỆ THUẬT MÚA

Sinh năm 1976 tại TP. Mỹ Tho, từ bé Anh Tuấn đã sớm bộc lộ tố chất của nghệ sĩ, nên được các thầy cô chọn tham gia các tiết mục văn nghệ của trường. Lên 12 tuổi, Anh Tuấn đã đoạt giải Diễn viên xuất sắc trong Hội diễn Văn nghệ quần chúng TP. Mỹ Tho.

Có lẽ, được sinh ra trong gia đình nghệ sĩ (cha là nhạc sĩ Phan Thanh Tùng, hội viên Chi hội Âm nhạc), nên từ bé Tuấn đã quen với cung đàn, tiếng hát, “máu” nghệ thuật, đam mê ca hát thấm vào người lúc nào cũng không hay biết. Năm 1995, rời ghế nhà trường, Anh Tuấn khoác lên mình màu áo xanh tại đơn vị Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang. Ở đây, với cây đàn ghi-ta, anh là “cây văn nghệ” tiên phong, hạt nhân trong phong trào văn hóa - văn nghệ của đơn vị. Năm 1996, anh đại diện đơn vị tham gia giọng hát hay của tỉnh, đoạt giải Nhì. Xuất ngũ, anh chính thức về đầu quân cho Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang. Những tưởng với thành công ban đầu ấy, Anh Tuấn sẽ gắn bó với nghề hát, nhưng một bước ngoặt đã mở ra. “Năm 1999, Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang chuẩn bị tham gia Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Song lúc tập dợt thì bộ phận múa lại thiếu diễn viên, nên lãnh đạo Đoàn điều tôi sang hỗ trợ. May mắn trong lần ấy, tôi vinh dự nhận được Huy chương Bạc với vai trò là diễn viên múa cho tác phẩm Lời mẹ - lời quê hương - giải thưởng đã ghi dấu cho sự khởi đầu trong nghề múa của tôi” - nghệ sĩ Anh Tuấn chia sẻ.

Từ cơ duyên ấy, đầu năm sau, đạo diễn Tấn Lộc - Trưởng Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh, đã cử anh đi học lớp trung cấp múa tại Trường Múa TP. Hồ Chí Minh. 2 năm tôi luyện hết sức gian nan, những giọt mồ hôi, những chấn thương trên sàn tập như cơm bữa, nhiều lúc anh tưởng mình đã không vượt qua nổi, chán nản muốn từ bỏ. Thế nhưng, bản lĩnh chịu thương chịu khó và kiên trì của người lính đã thôi thúc anh cố gắng nhiều hơn để không thua kém bạn bè. Mồ hôi trên sàn tập đổ nhiều hơn, chấn thương nhiều hơn và anh càng tiến bộ hơn sau từng bài tập. Sau khi tốt nghiệp với thành tích loại giỏi, càng ngày niềm yêu thích lại dần tích lũy thành đam mê, anh nhận thấy duyên nghiệp mình với nghề múa ngày càng sâu đậm nên tiếp tục theo đuổi. Năm 2008, từ một diễn viên múa chuyên nghiệp, anh lại tiếp tục theo học 4 năm ngành Biên đạo múa tại Trường Đại học Nghệ thuật Quân đội Hà Nội, với nhiều dự định, ước mơ và trăn trở cho bộ môn nghệ thuật này ở tỉnh nhà.

Gần đây, Anh Tuấn được biết đến với vai trò là biên đạo múa với nhiều thành tích khá nổi bật như: Huy chương Vàng toàn quốc năm 2008 (tác phẩm Lời ru nguồn cội), Huy chương Vàng (tác phẩm Lời ru của biển - Liên hoan Tuyên truyền Văn hóa Bộ đội Biên phòng năm 2011), Huy chương Bạc (tác phẩm Chung lòng bám biển -  Liên hoan Tuyên truyền Văn hóa Bộ đội Biên phòng năm 2014), Huy chương Bạc khu vực phía Nam năm 2011 (tác phẩm Tự tình người lính), Huy chương Bạc khu vực phía Nam năm 2016 (tác phẩm Huyền thoại Ấp Bắc)... Để có được những thành tích đó, anh đã phải phấn đấu rất nhiều, từ khi là diễn viên cho đến làm biên đạo.

KÝ ỨC ĐÁNG NHỚ NHẤT

Gần 20 năm gắn bó với nghề có rất nhiều khó khăn và nhiều kỷ niệm khó quên. Tuy nhiên, đối với anh, năm 2010, anh đang học lớp biên đạo múa tại Trường Đại học Nghệ thuật Quân đội Hà Nội, có một ký ức đáng nhớ nhất. Cậu sinh viên Anh Tuấn được Nghệ sĩ Ưu tú Vĩnh Hiển giới thiệu dàn dựng chương trình Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc cho Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh. Ban Giám đốc Công ty chưa mấy tin tưởng vì biết anh còn là sinh viên, lo chưa có nhiều kinh nghiệm. Thế nhưng, chương trình do anh dàn dựng đã vượt qua 38 đoàn biểu diễn, vinh dự được xếp hạng Nhất; tiết mục múa do anh dàn dựng đoạt Huy chương Vàng và anh đoạt luôn danh hiệu Biên đạo múa xuất sắc. Tối hôm trao thưởng đó, anh nhận được tin mẹ hấp hối, chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy do căn bệnh hiểm nghèo. Anh lập tức trở vào TP. Hồ Chí Minh, ở bên cạnh mẹ được 3 ngày thì mẹ mất. Những ngày cuối đời, mẹ không quên động viên anh tiếp tục cố gắng hơn nữa với nghề đã chọn. Có lẽ, những lời dặn dò của mẹ đã theo anh suốt hành trình trong sự nghiệp của mình, thúc giục anh cố gắng nhiều hơn để có được những thành công như ngày hôm nay.

MONG MUỐN TẠO SÂN CHƠI CHO LỚP TRẺ

Hiện nay, Anh Tuấn là cán bộ nghiệp vụ tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Tiền Giang. Anh còn tham gia cộng tác cho Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và các trường đại học: Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Cần Thơ, Sóc Trăng... với học phần chuyên đề Múa giáo dục mầm non. Luôn trăn trở và muốn phát triển nghệ thuật múa tại tỉnh nhà, Anh Tuấn đang dự định sẽ tập hợp các em có năng khiếu để thành lập CLB Múa của Trung tâm Văn hóa tỉnh Tiền Giang, tạo sân chơi cho các em, qua đó phát hiện, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho những bạn trẻ có năng khiếu và yêu thích nghệ thuật múa. “Hãy nuôi dưỡng đam mê, trau dồi nghề nghiệp, đổ càng nhiều mồ hôi trên sàn tập thì càng thành công” - đó là lời nhắn nhủ của anh đến những bạn trẻ có cùng đam mê.

TRẦN THƯƠNG NHIỀU

.
.
.