Chủ Nhật, 09/07/2017, 14:27 (GMT+7)
.

Được gì khi thi ảnh quốc tế?

Mục đích của nhà nhiếp ảnh không phải là đi thi mà chính là tạo ra tác phẩm. Nhưng khi có tác phẩm rồi, thì phải tìm cách để tác phẩm bước ra cuộc sống bằng việc công bố, thông qua hình thức thi và triển lãm. Điều đó như bản năng nghề nghiệp thôi thúc chúng ta, hay nói khác đi, đó là nhiệm vụ thứ hai của người nghệ sĩ. Mặt khác, thi ảnh theo hướng tích cực sẽ là đòn bẩy cho sự phát triển. Xin trao đổi đôi điều về việc thi ảnh quốc tế được gì ?

Sau ngày thống nhất đất nước, đặc biệt từ năm 1996, Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam (VAPA) tổ chức cuộc thi ảnh quốc tế lần thứ nhất mang ký hiệu VN’96 dưới sự bảo trợ của Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh Quốc tế (FIAP) thì phong trào thi ảnh quốc tế bắt đầu rộ lên trong cả nước. Có thể nói, VN’96 là cuộc ra quân quốc tế đầu tiên rất hoành tráng.

Có lẽ vì thi đấu trên sân nhà nên đã thu hút một số lượng tham dự rất lớn: 3.036 ảnh dự thi của 788 tác giả Việt Nam. VN’96 đã tạo đà để các nhà nhiếp ảnh Việt Nam mạnh dạn gửi ảnh dự thi tại nhiều salon quốc tế và đã vinh dự mang về nhiều huy chương cho đất nước.

Nhiều nhà nhiếp ảnh cho rằng, thi ảnh quốc tế đầu tiên là để học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng sáng tác. Coi lệ phí dự thi là “học phí đào tạo”, bỏ tiền ra mua catalogue, để xem tác phẩm đọat giải của nhiều nhà nhiếp ảnh giỏi, bậc thầy trên thế giới. Qua đó, tham khảo, học hỏi được nhiều khuynh hướng sáng tác, phương pháp thể hiện mới lạ, cách xử lý ánh sáng, màu sắc, sự tinh tế trong chuyện “bếp núc” - sáng tác lần hai của các nhà nhiếp ảnh…

Không thể phủ nhận ảnh quốc tế luôn mang lại cho chúng ta những luồng gió mới về kỹ thuật và nghệ thuật. Một phần nhờ vậy mà trong những năm gần đây, hình ảnh của các nhà nhiếp ảnh Việt Nam có sự mượt mà, chỉn chu hơn trong hình thức thể hiện, cùng nhiều thử nghiệm mới lạ mang nội dung tư tưởng sâu sắc. Mặt khác, cũng nhờ tiếp cận với các cuộc thi ảnh quốc tế mà chúng ta đã nắm bắt được những cách thi và chấm ảnh của các nước tiên tiến trong thời đại thời đại công nghệ số.

Khoảng năm 2010 Hội NSNAVN mở ba trại tập huấn công tác tổ chức và thẩm định ảnh, đưa phương thức thi ảnh kỹ thuật số (KTS), chấm ảnh bằng phiếu điểm, online, hoặc kết hợp chấm online đến vòng triển lãm, vào vòng giải thì chấm bằng phiếu điểm trên ảnh giấy. Cách thi và chấm ảnh nói trên được áp dụng cho nhiều cuộc thi, liên hoan cấp khu vực trở lên đã nhận được sự hoan nghênh đồng thuận của đông đảo hội viên trong cả nước. Ngay cả, ông David Tay (quan chức của FIAP phụ trách phong trào nhiếp ảnh khu vực châu Á) khi được mời sang Việt Nam làm giám khảo VN’13 cũng đã khen ngợi cách chấm thi của chúng ta hay hơn một số nước trên thế giới.

AAA
Cứu- tác giả: Phạm Dực- HCV FIAP cuộc thi bộ ảnh màu của VAPA tại Ireland 2010

Dù không quy định, nhưng vì thấy cách tổ chức thi - chấm  ảnh KTS rất tiện lợi, hiệu quả và kinh tế nên ngày càng nhiều tỉnh, thành áp dụng như: Kiên Giang, Quảng Ngãi, Cà Mau, Đà Nẵng, …

Sau một thời gian cọ xát học hỏi qua các đấu trường quốc tế, kinh nghiệm được tích lũy, chất lượng hình ảnh ngày càng nâng cao, nắm bắt được các gu thẩm mỹ của các châu lục, các tác giả bắt đầu mơ đến giải thưởng. Đây là giai đoạn người dự thi muốn khẳng định mình, khẳng định giá trị ảnh nghệ thuật Việt Nam. Thật nể phục khi các nghệ sĩ nhiếp ảnh như: Đào Tiến Đạt, Trần Phong, Vương Quốc Kim, Phạm Dực, Lê Châu Đạo, Trương Hữu Hùng, Thân Nguyên… thi ảnh không biết mệt mỏi, hàng năm chinh phục hàng chục, hàng trăm giải thưởng quốc tế.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã đoạt trên 2.000 giải thưởng quốc tế - một con số ấn tượng nói lên sự nỗ lực đáng trân trọng của các nhà nhiếp ảnh trong cả nước. FIAP, PSA (Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ), IFS (Hội Ảnh không biên giới) và các tổ chức nhiếp ảnh khác cũng đã tôn vinh gần hai trăm nghệ sĩ nhiếp ảnh của VAPA thông qua việc phong nhiều tước hiệu: Master: 04 (03 M.FIAP và 01 M.PSA), Hon E.FIAP, E.FIAP/s, E.FIAP/b,  E.FIAP,  A.FIAP…  

Với những thành tích kể trên, từ năm 2012 đến nay, qua sự thống kê, xếp hạng hàng năm của PSA, nhiếp ảnh Việt Nam luôn nằm trong TOP 10 thế giới. Chúng ta cũng từng đứng đầu bảng xếp hạng (Top One) nhiều thể loại ảnh Trắng đen khổ lớn, ảnh màu và trắng đen khổ nhỏ, ảnh kỹ thuật số (CPID, EID),… được mời tham dự triển lãm và in sách những kiệt tác của các nhà nhiếp ảnh Top 10 thế giới. Nhiều tác phẩm nhiếp ảnh của Việt Nam được trưng bày vĩnh viễn tại các Bảo tàng Nhiếp ảnh Quốc tế tại Tây Ban Nha, Mỹ, Hồng Kông, Ấn Độ,…

Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh của chúng ta như: Đặng Ngọc Thái, Lý Hoàng Long, Vương Quốc Kim, Đào Tiến Đạt, Trần Phong, Hoàng Quốc Tuấn, Hoàng Trung Thủy,… được bạn bè trên thế giới đánh giá cao và mời tham gia công tác giám khảo tại nhiều cuộc thi ảnh quốc tế trong thời gian qua.

a
Ngôi nhà của chúng em- tác giả: Lê Nguyễn- Giải thưởng lớn ACCU Nhật Bản 1996

Bên cạnh những thành tích cá nhân xuất sắc kể trên, trong 10 năm trở lại đây, nhiều bộ ảnh Việt Nam do VAPA tổ chức đã liên tục thắng lớn tại các cuộc thi truyền thống của FIAP. Đặc biệt trong nhiệm kỳ VII, VAPA gửi thi 12 bộ ảnh màu, đen trắng, thiên nhiên, Thanh thiếu niên (U16 và U21)… đều đoạt giải. Tổng cộng Việt Nam đã đoạt 35 giải thưởng (1 Cup thế giới, 6 HCV, 6 HCB, 8 HCĐ và 14 Bằng danh dự). Một thành tích rất đáng khích lệ mà không phải quốc gia thành viên nào của FIAP cũng đạt được.

Ngoài ra, thi ảnh quốc tế còn có một sứ mệnh vô cùng to lớn và có ý nghĩa trong công tác đối ngoại nhân dân. Khi dự thi quốc tế các nghệ sĩ tự xem mình như nhà ngoại giao bằng hình ảnh, thực hiện hiệu quả công tác giao lưu, quảng bá hình ảnh đẹp, thân thiện, nhân văn về Đất nước - Con người Việt Nam đến với bạn bè năm Châu, để họ hiểu hơn về bản sắc dân tộc, văn hóa Việt, thêm yêu mến và ngày càng gần gũi, ủng hộ Việt Nam.

Thực tế cho thấy qua việc trưng bày các tác phẩm của chúng ta trên các salon quốc tế đã thu hút khá nhiều đoàn khách quốc tế tìm đến Việt Nam để khám phá và chụp ảnh, góp phần không nhỏ cho sự phát triển của ngành du lịch nước nhà. Một điều thú vị và thán phục hơn khi thấy nhiều nhà nhiếp ảnh giỏi của Pháp, Anh, Đức, Úc, Mỹ, Singapore, Hồng Kông,… chụp ảnh về Việt Nam lại đoạt giải quốc tế. Chính bạn bè trên thế giới đã quảng bá giúp chúng ta.

Hiện nay, vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về việc thi ảnh quốc tế. Vì vậy, về phía VAPA cần có sự định hướng, chọn những salon chính thống, có uy tín, tổ chức bài bản,… để hội viên yên tâm dự thi. Nếu tham gia theo hướng tích cực, có lợi thì việc thi ảnh quốc tế là rất cần thiết. Tránh tụt hậu và cần tiếp thu những tinh hoa của nhân loại, quảng bá đất nước và nâng cao vị thế của nhiếp ảnh Việt Nam trên ảnh trường quốc tế.

                                                                                                                                  NSNA LÊ HỒNG LINH

 

.
.
.