Chủ Nhật, 02/07/2017, 21:23 (GMT+7)
.

Gia đình-thành trì trong phòng, chống tệ nạn ma túy

Ngày nay, bên cạnh đa số thanh, thiếu niên có lối sống lành mạnh, ham học hỏi, với nhiều hoài bão, ước mơ lập thân, khởi nghiệp…, vẫn còn một bộ phận thanh, thiếu niên lười học tập, có thói đua đòi, ăn chơi rồi sa vào những tệ nạn xã hội, khiến gia đình lo lắng, xã hội bức xúc. Trong đó, tệ nạn ma túy là một trong những tệ nạn gây nhức nhối trong xã hội, gây hậu quả nghiêm trọng cho chính bản thân thanh, thiếu niên và gia đình, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của xã hội.

Gia đình hạnh phúc là điều kiện quan trọng để trẻ phát triển và trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. 		                        Ảnh: THU HOÀI
Gia đình hạnh phúc là điều kiện quan trọng để trẻ phát triển và trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Ảnh: THU HOÀI

Theo báo cáo của Công an tỉnh, những năm gần đây, số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, tính đến tháng 5-2017, có 3.332 người nghiện ma túy, tăng 2.893 người nghiện so với năm 2010. Đáng lo ngại nhất là số người nghiện ở lứa tuổi vị thành niên đang gia tăng ở mức báo động. Theo số liệu thống kê gần đây của ngành Công an, số người nghiện ma túy ở lứa tuổi thanh, thiếu niên trên địa bàn cả nước chiếm hơn 70% người nghiện, trong khi trước đây số người nghiện chủ yếu là người lớn tuổi. Nguy hiểm hơn, ma túy còn tấn công vào cả học đường, lôi kéo học sinh, sinh viên vào tệ nạn này, đe dọa hủy hoại không chỉ thế hệ hôm nay, mà còn hủy hoại giống nòi của thế hệ mai sau và là nguyên nhân chính sa vào các tệ nạn xã hội khác. Đứng trước tình hình trên, đòi hỏi mỗi gia đình phải đặc biệt quan tâm, có các biện pháp phòng, ngừa ma túy cho con em mình một cách hữu hiệu nhất.

Để phát huy được vai trò của gia đình trong việc phòng, chống tệ nạn ma túy, mỗi gia đình cần giáo dục cho con hiểu tác hại của ma túy. Việc giáo dục cần tiến hành ngay từ khi các em còn nhỏ để các em từng bước nhận thức, có thái độ lên án đối với tệ nạn ma túy, làm giảm sức khỏe, sinh ra nhiều thói hư tật xấu và các loại tội phạm… Gia đình phải quản lý chặt chẽ con em mình, cha mẹ cần dành thời gian quan tâm đến con, nhất là giai đoạn con ở  độ tuổi vị thành niên.

Gia đình phải thể hiện thái độ cương quyết đấu tranh và lên án những hành vi tàng trữ, sử dụng ma túy của những người thân trong gia đình và những người xung quanh. Gia đình phải giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhà trường để cùng nhà trường quản lý, giáo dục các em. Gia đình phải xây dựng được mối quan hệ tình cảm gắn bó, yêu thương nhau, tạo điều kiện cho con em tiếp xúc với các giá trị văn hóa gia đình truyền thống. Cha mẹ không nên có thái độ hà khắc đối với con để đến mức con không cởi mở tâm sự, chia sẻ với cha mẹ, dẫn tới cha mẹ không hiểu được con. Ngược lại, cha mẹ cũng không được quá nuông chiều con, vì đây cũng là điều kiện dễ  làm con hư hỏng. Khi con có dấu hiệu sa vào tệ nạn ma túy, gia đình phải khuyên bảo, theo dõi, quản lý và trao đổi với nhà trường để giúp đỡ các em tránh xa tệ nạn này. Gia đình nên phân tích cho các em bằng tình cảm yêu thương và tìm ra biện pháp, cách thức tốt nhất để giúp con em. Không nên đánh đập, chửi mắng, cách ly… bởi làm như vậy chỉ đẩy các em dấn sâu vào vòng tội lỗi...

Có thể nói, ngày nay, khi có quá nhiều tác động xấu từ ngoài xã hội ảnh hưởng đến các thành viên trong gia đình, thì vai trò của gia đình càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Thiết nghĩ, nếu mỗi gia đình đều làm tốt vai trò của mình, cộng với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng và toàn xã hội, thì việc phòng, chống tệ nạn ma túy sẽ có nhiều chuyển biển tích cực trong thời gian tới.

NGUYỄN MINH PHÚC

.
.
.