Thứ Tư, 05/07/2017, 10:06 (GMT+7)
.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn: Đam mê và trăn trở

Những năm gần đây, Trần Tuấn được đánh giá là tay máy trẻ đầy nội lực sáng tạo, có duyên với nhiều giải thưởng nhiếp ảnh trong và ngoài tỉnh. Đầu năm nay, anh vinh dự là tác giả trẻ tuổi nhất được nhận Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Thủ Khoa Huân (5 năm được xét trao 1 lần), nhằm vinh danh những văn nghệ sĩ có tác phẩm tốt và có nhiều cống hiến cho sự nghiệp văn học - nghệ thuật của tỉnh. Thành tích đó là do sự đam mê sáng tạo và không ngừng học hỏi để nâng cao tay nghề của nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Tuấn suốt nhiều năm qua.

DẤN THÂN CÙNG NGHỀ ẢNH

Trần Tuấn sinh ra trên đất cù lao Thới Sơn vào những năm đầy khó khăn sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975), luôn chăm chỉ học hành và mê nghề ảnh từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Chính vì thế, năm 1996, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Trần Tuấn quyết định khăn gói lên TP. Hồ Chí Minh “tầm sư học đạo”. Anh được nhận vào phụ việc trong một hiệu cưới trên đường Lê Văn Sỹ  hơn 1 năm (cầm đèn, che ô, xách vali…). Tranh thủ những lúc ấy, Trần Tuấn chăm chú quan sát để học hỏi các thợ ảnh từ cách khai thác góc chụp, tạo kiểu ảnh, đánh đèn flash, cho đến cách xử lý ảnh trong phòng tối… Ban ngày anh làm việc ở studio, đêm về mày mò tìm đọc sách báo, tạp chí để học hỏi thêm kinh nghiệm chụp ảnh.

Năm 2002, Trần Tuấn trở về quê làm nghề ảnh dịch vụ. Tỉ mỉ và cầu toàn, anh đã làm hài lòng khách hàng của mình và giúp anh tự tin chơi ảnh nghệ thuật. Trong một lần cùng người cậu đến thăm nhà NSNA Phạm Hữu Tiến, Trần Tuấn như bị hút hồn trước những tấm ảnh nghệ thuật được trưng bày khắp nhà. Thấy anh thích thú, NSNA Phạm Hữu Tiến đã nhiệt tình trao đổi. Sau lần gặp gỡ tình cờ đó, Trần Tuấn đã có những dự định ấp ủ cho riêng mình. Anh tham gia các CLB Nhiếp ảnh nghệ thuật để có dịp  giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, được dự các khóa tập huấn nâng cao về chụp ảnh nghệ thuật; mày mò trên máy tính nghiên cứu phần mềm chỉnh sửa hình ảnh...

Năm 2005, tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật Tiền Giang, Trần Tuấn “ẵm” 3 giải thưởng (giải Nhất, giải Ba và giải Khuyến khích). Lần đầu tham gia liên hoan, tác phẩm Vì ngày mai của anh giành giải Nhất - một niềm vui quá lớn với người mới chơi ảnh như anh. Có thể nói, từ giải thưởng này đã tạo “cú hích”, đánh dấu sự có mặt của NSNA Trần Tuấn ở sân chơi ảnh nghệ thuật và hun đúc niềm đam mê sáng tạo trong anh, giúp anh tự tin hơn ở  lĩnh vực này.

Liên tiếp những năm sau đó, Trần Tuấn gặt hái được nhiều thành quả từ các cuộc thi trong tỉnh, khu vực cũng như toàn quốc. Cho đến nay, anh đã có trên 50 giải thưởng, cùng nhiều tác phẩm được triển lãm trong và ngoài nước. Có thể kể đến một số giải thưởng tiêu biểu của anh như: Công nghệ mới - Huy chương Đồng tại Cuộc thi Ảnh Đồng bằng sông Cửu Long và giải B ảnh xuất sắc quốc gia vào năm 2010; Nối nhịp sông Tiền - Giải Nhất tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật tỉnh năm 2006; Khoảnh khắc hạnh phúc - giải Nhất Canon Marathon năm 2008; Tắm nắng - giải Ba Epson năm 2005; Dáng xuân, Tuần tra, Tiễn đưa, Công việc thường ngày… - giải Ba tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật tỉnh Tiền Giang… Với những thành công đó, năm 2006 Trần Tuấn được kết nạp vào Hội Văn học - Nghệ thuật Tiền Giang và năm 2009 anh là hội viên Hội NSNA Việt Nam.

Tác phẩm Công nghệ mới -  Huy chương Đồng tại Cuộc thi Ảnh Đồng bằng sông Cửu Long và giải B ảnh xuất sắc quốc gia năm 2010.
Tác phẩm Công nghệ mới - Huy chương Đồng tại Cuộc thi Ảnh Đồng bằng sông Cửu Long và giải B ảnh xuất sắc quốc gia năm 2010.

TRĂN TRỞ VỚI NGHỀ

Nói về những dự định sáng tác, Trần Tuấn chia sẻ: “Mình thích ghi lại những khoảnh khắc chân dung đời thường, cảm xúc trên những gương mặt gần gũi của người già, trẻ em... Tuy nhiên, ở thể loại ảnh này, mình vẫn chưa mấy thành công, vì vậy trong thời gian tới mình cần cố gắng hơn...”. Ngoài ra, anh sẽ tham gia những cuộc thi lớn nhằm thử sức mình; đồng thời giúp anh học hỏi, bổ sung kiến thức, tích lũy kinh nghiệm chơi ảnh.

Để có được một tấm ảnh nghệ thuật đòi hỏi người sáng tác ngoài việc nắm vững kỹ thuật, còn phải có duyên bắt nhanh những khoảnh khắc, cảm xúc, có được những ý tưởng tạo hình... Vì vậy, việc đi sớm về khuya và phải dụng công như những chú ong thợ chăm chỉ là một trong những yêu cầu tối thiểu đối với một tay chơi ảnh nghệ thuật. Đối với NSNA Trần Tuấn cũng không ngoại lệ, anh chia sẻ: “Rất may cho tôi là được vợ luôn quan tâm và ủng hộ, giúp tôi vững tâm hoàn thành việc mưu sinh và sáng tác...”. Trong sáng tác, anh quan niệm, đâu phải cứ xách máy đi là có ảnh đẹp, mà đòi hỏi phải miệt mài tìm kiếm và thử nghiệm. Nhiều lúc xách máy đi cả tuần liền, khi về vẫn “trắng tay” là chuyện bình thường. Với NSNA Trần Tuấn, nhiếp ảnh nghệ thuật là phải làm thế nào chạm được vào trái tim người xem, phải phản ánh được ý nghĩa sâu xa bên trong và phải có cái tôi rất riêng của mình. Có thể coi nhiếp ảnh nghệ thuật là một cuộc chơi, song cuộc chơi ấy vô cùng khắc nghiệt, nếu không khẳng định được mình, không tiến bộ thì sẽ bị tụt hậu, bị đào thải.

Với tốc độ phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ trong thời gian gần đây, hầu như ai cũng có thể sở hữu một chiếc máy ảnh, nên số lượng người tham gia môn nghệ thuật của ánh sáng ngày càng nhiều. Thế nhưng, để tìm cho mình một “chỗ đứng” trong làng nhiếp ảnh không phải chuyện dễ. “Nếu bạn có đam mê thì hãy kiên trì, đừng dễ dàng bỏ cuộc và nên nhớ hãy tìm cho mình nét riêng, hãy xem mình chỉ mới bắt đầu để không ngừng cố gắng…” - NSNA Trần Tuấn nhắn nhủ với những ai có cùng đam mê đang chuẩn bị bước vào sân chơi ảnh nghệ thuật.

TRẦN THƯƠNG NHIỀU

.
.
.