Nhiếp ảnh Việt Nam có đạt tầm "đẳng cấp quốc tế" ?
Nhiều năm qua, nhiếp ảnh Việt Nam gặt hái không ít thành công với nhiều tác giả, tác phẩm đoạt giải tại các cuộc thi quốc tế. Tuy nhiên, không ít người tỏ ra “nghi ngờ” với việc giải thưởng quốc tế không đồng nghĩa với việc đạt tới tầm “đẳng cấp quốc tế”. Nhìn nhận đó liệu có chính xác và công bằng?
Giải quốc tế là có đẳng cấp quốc tế ?
Lớp học vùng cao- tác giả: Lê Hồng Linh |
Điều đầu tiên phải khẳng định, với bất cứ loại hình nghệ thuật nào, để đạt được thành tích, có được tác phẩm tốt, người nghệ sĩ đều phải đầu tư nhiều trí lực, phải đổ mồ hôi, thậm chí cả máu và nước mắt. Nhiếp ảnh không nằm ngoài đòi hỏi ấy. Để có tác phẩm tốt, nhà nhiếp ảnh phải đầu tư rất nhiều: từ tiền bạc đến trí tuệ. Không những thế, họ còn phải có được “may mắn trời cho”, để ống kính “bắt kịp” những “khoảnh khắc” vô giá... Nói đến giải quốc tế, không thể nói một cách chung chung mà phải đề cập cụ thể. Như giải thưởng ở lĩnh vực ảnh nghệ thuật hay ảnh báo chí, giải ở khu vực chuyên nghiệp hay nghiệp dư?
Trong từ điển, đẳng cấp quốc tế được định nghĩa như sau: “được xếp hạng trong số những gì tốt nhất, lỗi lạc nhất, được coi là hàng đầu trên toàn thế giới”. Căn cứ vào định nghĩa đó, có thể suy ra, với chuyên ngành nhiếp ảnh, các tác phẩm được giải thưởng tại các cuộc thi ảnh quốc tế là đạt ngưỡng đẳng cấp quốc tế.
Ảnh nghệ thuật: mùa vàng bội thu
Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam trong thời gian qua đã có những bước tiến rõ rệt, được khẳng định trên nhiều sân chơi uy tín của giới nhiếp ảnh quốc tế. Các tác giả và tác phẩm nhiếp ảnh Việt Nam đã khẳng định được vị trí và tên tuổi trên trường quốc tế, thông qua các huy chương đoạt được từ các cuộc thi ảnh do Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật Quốc tế (FIAP), hay Hội Nhiếp ảnh thuộc các cường quốc trong lĩnh vực nhiếp ảnh như: Nga, Pháp, Đức, Mỹ, Italia, Xingapore, Trung Quốc... tổ chức.
Ngay từ thập kỷ 20-30 của thế kỷ trước, các tác giả như Trương Cam Khuyến, Phạm Ngọc Chất, Võ An Ninh đã giành được Bằng danh dự Cuộc thi ảnh quốc tế tại Pháp (năm 1928), giải thưởng Cuộc thi ảnh quốc tế do nhà sản xuất máy ảnh Rolleiflex tổ chức (năm 1936), giải ngoại hạng về nhiếp ảnh của Hội Khuyến khích Mỹ thuật và Kỹ nghệ Việt Nam (năm 1936).
Những năm đất nước còn chiến tranh, các tác giả như Đỗ Huân, Trần Nhuệ, Trần Lợi, Đức Vân, Vũ Tín, Nguyễn Đình Ưu, Văn Phú, Bùi Á, Võ An Ninh, Văn Bảo, Nguyễn Tiến Lợi, Vũ Đình Hồng, Mai Nam, Quang Văn, Xuân Liễu, Phan Thoan... đã có nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng lớn tại nhiều quốc gia như Liên Xô, Hungari, CHDC Đức, Rumani, Tiệp Khắc, Bungari, Pháp... Tại Triển lãm quốc tế Bifota (tháng 4-1965 tại thủ đô Berlin - CHDC Đức), số ảnh Việt Nam được chọn trưng bày đứng thứ ba, chỉ sau Liên Xô và nước chủ nhà. Tại Triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ ba ở Hungari, Ban tổ chức đã tặng tập thể nhiếp ảnh Việt Nam “Cúp Bạc” về thành tích đóng góp thường xuyên những tác phẩm ảnh có giá trị.
Từ" thần sấm" xuống xe trâu- tác giả: Văn Bảo |
Đáng chú ý là, nhiều tác phẩm của các tác giả đoạt giải nói trên như: “Nữ dân quân” của Nguyễn Đình Ưu, “O du kích nhỏ” của Phan Thoan, “Từ thần sấm xuống xe trâu” của Văn Bảo, “Chạy đâu cho thoát” của Mai Nam sau này đều đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật chuyên ngành Nhiếp ảnh.
Từ năm 1996 đến nay, giới nhiếp ảnh Việt Nam đã được Nhà nước trao tặng năm Giải thưởng Hồ Chí Minh và 21 Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật chuyên ngành Nhiếp ảnh. Các tác phẩm của họ chính là những bằng chứng bất diệt về cả khoảnh khắc báo chí và chất lượng nghệ thuật. Không thể nói các tác phẩm nhiếp ảnh trên là không mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế.
Nước nhà thống nhất, đặc biệt sau khi Việt Nam “mở cửa” và bước vào hội nhập quốc tế, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiếp ảnh Việt Nam ngày càng phát triển. Hằng năm, giới cầm máy đã liên tục mang vinh quang về cho đất nước bằng hàng trăm giải thưởng lớn nhỏ tại các cuộc thi ảnh quốc tế. Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật Quốc tế FIAP (một tổ chức thuộc UNESCO, có uy tín lớn trong lĩnh vực nhiếp ảnh thế giới) coi trọng và đánh giá cao vị trí của nhiếp ảnh Việt Nam, coi đây là một trong những nước có nền nhiếp ảnh phát triển nhanh ở châu Á, vì mục tiêu phát triển văn hóa, vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc.
Những cái tên đạt tầm "đẳng cấp"
Không có “đẳng cấp quốc tế” thì làm sao có nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh như Lê Hồng Linh, Hoàng Quốc Tuấn, Duy Anh, Đào Tiến Đạt, Vương Quốc Kim, Hương Vượng, Trần Thiết Dũng, Trần Cao Bảo Long, Hoàng Trung Thủy, Đặng Ngọc Thái, Nguyễn Dần, Lại Diễn Đàm, Phạm Hùng Cường... với các bộ “sưu tập” giải thưởng lên đến vài trăm, vài chục, trong đó có nhiều giải thưởng tại các cuộc thi, tổ chức nhiếp ảnh danh giá.
Trở về cát bụi- tác giả: Đào Tiến Đạt |
Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam được các Bảo tàng quốc tế về nhiếp ảnh nghệ thuật danh giá của Tây Ban Nha, Ấn Độ chọn vào bộ sưu tập trưng bày như: “Lớp học vùng cao”, “Con đầu lòng”, “Mẹ và con” (Lê Hồng Linh), “Nón Gò Găng”, “Đơn chiếc”, “Đồ nho” (Đào Tiến Đạt), “Lối về”, “Xuân thì” (Thái Phiên). FIAP từng lựa chọn các tác phẩm của nghệ sĩ Đào Hoa Nữ và Hoàng Quốc Tuấn và mang đi triển lãm luân phiên các nước.
Nghệ sĩ Lê Hồng Linh và Đào Tiến Đạt từng được tạp chí chuyên ngành Nhiếp ảnh của Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ “Who is who” bầu chọn vào top 10 các nhà nhiếp ảnh thế giới. Trong đó Lê Hồng Linh là nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đầu tiên được vinh danh trong bảng xếp hạng này với 9 lần được lọt vào top 10 và ba lần vinh dự đứng ở vị trí thứ nhất thể lạo ảnh đen trắng khổ lớn và nhỏ. Đào Tiến Đạt 13 lần lọt vào top 10, trong đó 3 lần được xếp thứ nhất thể loại ảnh màu và đen trắng khổ nhỏ. Hoàng Quốc Tuấn, Lê Hồng Linh và nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh khác được FIAP phong tặng tước hiệu “Nghệ sĩ nhiếp ảnh bậc thầy” và “Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc” của thế giới.
Rừng chiều- tác giả: Trần Phong |
Riêng với mảng ảnh báo chí, phải thẳng thắn nhìn nhận, chúng ta còn hạn chế. Tuy nhiên, cũng đã có một số thành tựu đáng kể. Thời đất nước còn chiến tranh, nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi ảnh quốc tế danh tiếng của các nước xã hội chủ nghĩa đã được trao cho các nhà nhiếp ảnh Việt Nam như: Phan Thoan, Văn Bảo, Mai Nam, Quang Văn, Xuân Liễu... Phóng viên ảnh Nguyễn Việt Thanh của báo Vietnam News đã đoạt giải Vàng ở thể loại Cuộc sống thường nhật Cuộc thi ảnh báo chí châu Á lần thứ nhất. Nhiếp ảnh gia Maika Elan, tên thật làng Nguyễn Thanh Hải (Hà Nội), đoạt giải nhất hạng mục “Vấn đề đương đại” tại cuộc thi ảnh bảo chí thế giới (World Press Photo) 2013.
Các giải thưởng được trao cho ảnh nghệ thuật thường có giá trị tinh thần, còn các giải thưởng được trao cho ảnh báo chí có giá trị vật chất rất cao. Tuy nhiên, ở mỗi loại hình, các giải thưởng đó đều có những giá trị nhất định nên không thể so sánh và kết luận rằng giải thưởng loại hình này hơn giải thưởng loại hình kia.
Và từ những dẫn chứng sinh động trên, dư luận cũng cần có cái nhìn thiện chí hơn, khi nhìn nhận về các thành tích đạt được nhờ sự nỗ lực, sáng tạo không ngừng của các nhà nhiếp ảnh để từng bước ghi tên Việt Nam trên bản đồ nhiếp ảnh quốc tế.
Theo Vapa.vn