Chủ Nhật, 20/08/2017, 16:53 (GMT+7)
.
Nhân tưởng niệm 153 năm Ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết.

Thế trận lòng dân trong cuộc khởi nghĩa Trương Định

Căn cứ Gò Công

Tháng Giêng năm Kỷ Mùi (1859) thành Gia Định thất thủ. Trương Định mang quân đồn điền Gia Thuận (Gò Công) lên Thuận Kiều đánh Pháp và lập được nhiều chiến công. Ngày 25-2-1861, phòng tuyến Chí Hòa bị quân Pháp chọc thủng, quân triều đình buộc phải lui về giữ Biên Hòa, còn Trương Định rút về Tân Hòa (Gò Công), lập căn cứ kháng chiến: “Lúc tan cuộc rồi, về huyện Tân Hòa, đắp lũy hàn sông, giữ một góc bày lòng địch khái” (Văn tế Trương Định – Nguyễn Đình Chiểu).

Lúc bấy giờ, do bị tấn công ở nhiều nơi, tháng 3-1862, quân Pháp buộc phải rút khỏi Gò Công. Nhân cơ hội đó, Trương Định tiếp tục củng cố và mở rộng căn cứ Gò Công, biến nơi này thành trung tâm kháng chiến Tân Hòa và cùng với những trung tâm kháng chiến khác trên đất Định Tường, tiến công mãnh liệt thực dân Pháp.

Trên địa bàn Gò Công, Trương Định đã cho thiết lập rất nhiều đồn lũy, pháo đài: về phía Tây lên đến giồng Ông Huê (Thị trấn Vĩnh Bình, Gò Công Tây ngày nay) nhằm ngăn đường thủy từ Sài Gòn xuống qua sông Vàm Cỏ; về phía Đông Nam ra đến tận biển, mà hầu hết các tiền đồn đếu được bố trí dọc theo rạch Vàm Giồng, dọc theo sông Cửa Tiểu, xóm Trại Cá Tăng Hòa và cù lao Lợi Quan nằm án ngữ ngay tại Cửa Tiểu, đề phòng quân Pháp tiến đánh Gò Công từ mặt biển. Đồng thời, Trương Định còn cho nghĩa quân đắp các cản trên sông và ở biển để ngăn tàu chiến địch.

aaaaaaaaaaaaa
Lễ hội tưởng niệm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trương Định được tỉnh Tiền Giang tổ chức hằng năm. Ảnh: Q.Vũ

Đại bản doanh của Trương Định được đặt tại giồng Sơn Quy. Giồng này cách huyện lỵ Tân Hòa (thị xã Gò Công ngày nay) khoảng 3 km về hướng Tây Bắc, thuộc làng Tân Niên Đông (xã Tân Đông ngày nay). Giồng Sơn Quy, nguyên có tên là Quy Nguyên, còn gọi là Gò Rùa, bởi vì nơi đây, thuở lưu dân người Việt đến khai phá, có rất nhiều rùa sinh sống; cũng có thuyết cho rằng, bởi chính giữa giồng có chỗ nhô cao, dáng như rùa nằm, nên gọi là Gò Rùa.

Địa danh Sơn Quy do vua Tự Đức đặt, dựa theo ý “Cao nhất xích vi sơn” với hy vọng quê ngoại của mình được vững bền như núi. Giồng Sơn Quy kéo dài từ Vàm Sơn Quy, xóm Mới ở phía Nam đến lăng Hoàng Gia – nơi có khu lăng mộ của dòng họ Phạm Đăng thờ những người thuộc họ ngoại vua Tự Đức – và kết thúc lại Láng Chim ở phía Bắc giáp sông Vàm Cỏ.

Tại giồng Sơn Quy, Trương Định cho xây dựng một chiến lũy, gọi là lũy Sơn Quy. Lũy này được đắp bằng đất, cao khoảng 1 mét, nằm dọc theo rạch Sơn Quy. Ngoài ra nghĩa quân còn đắp một chiến lũy nữa, gọi là lũy Dung Giang. Lũy này nằm về phía Tây giồng Sơn Quy, gồm có nhiều đoạn, bắt đầu từ xóm Mới ở cuối giồng Sơn Quy chạy dọc theo rạch Gò Công, tạo thành hình vòng cung bảo vệ giồng Sơn Quy.

Tại ngã ba rạch Sơn Quy và rạch Gò Công là điểm xung yếu, nên lũy ở đoạn này được đắp kiên cố, dài 300 mét, cao trên 1 mét, và mặt lũy rộng khoảng 6 mét. Về phía Bắc giồng Sơn Quy, tại ngã ba làng Tân Niên Trung (xã Tân Trung ngày nay) còn có một lũy Sơn Quy, gần đồn chính có một gò đất cao, gọi là gò Thổ Sơn, được dùng làm nơi các tướng lĩnh nghĩa quân quan sát, chỉ huy trận địa.

Đồng thời, Trương Định còn cho xây dựng đồn trại ở Gia Thuận, vốn là đồn điền do chính ông lập ra năm 1854. Gia Thuận, tuy đã được khai khẩn, nhưng thời bấy giờ, đất đai còn hoang hóa rất nhiều. Vì thế, ở đây còn được gọi là “Đám là tối trời”. Hiện nay, ở đây còn có địa danh Xóm Trại có liên quan đến việc thiết lập đồn điền của Trương Định.

Đồn Gia Thuận được xem là hậu cứ của chiến lũy Sơn Quy có nhiệm vụ bảo vệ Sơn Quy từ hướng Đông Bắc, tiếp ứng cho nơi này khi bị quân Pháp tấn công; và nếu gặp bất trắc, thì nghĩa quân rút về đây để bảo toàn, củng cố lực lượng hoặc vượt sông Soài Rạp, về rừng Sác Lý Nhơn, mở mảng hoạt động ở Biên Hòa, Bà Rịa và liên lạc với các tỉnh  miền Trung.

Về căn cứ Gò Công, thực dân Pháp đã có những mô tả khá chi tiết. Palanca, chỉ huy quân đội Tây Ban Nha trong liên quân Pháp - Tây Ban Nha, cho biết: “Ở Gò Công… hai chiến lũy quan trọng nhất là Rạch Gò Công và Rạch Lá, gồm các hầm hào tự nhiên… có pháo đài và lũy, khắp nơi đều có cấu nối bắc qua hai bờ sông bùn lầy, cây cối rậm rạp”. Còn viên sĩ quan người Nga trong đội viễn chinh Pháp thì ghi chép: “Gò Công, một đồi trại lớn được xây dựng trên đồi, chung quanh có hào và đài chỉ huy, có 300 mét bề mặt và 85 lỗ châu mai… Trong đồn có 40 doanh trại và hầm tránh”.

Thế trận lòng dân

Trong việc xây dựng căn cứ Tân Hòa, Trương Định đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của nhân dân Gò Công. Với hệ thống đồn lũy liên hoàn, trải rộng trên khắp địa bàn Gò Công, lại phải xây dựng trong khoảng thời gian ngắn, từ năm 1861 – 1862, rõ ràng, nếu không có sự đóng góp nhân lực, vật lực của nhân dân và lòng người không thuận, thì Trương Định và nghĩa quân chắc chắn sẽ gặp khó khăn không ít trong việc xây đồn đắp lũy, rèn đúc súng gươm, tích trữ lương thực cho công cuộc chống xâm lăng.

Mặc dù xây dựng căn cứ ở Gò Công, vốn là nơi được khai phá sớm, đông dân nhiều của, thuận tiện cho việc chiêu tập nghĩa quân và sản xuất, quyên góp tiền của phục vụ kháng chiến và là địa bàn quen thuộc, có họ hàng thân thích bên vợ, bạn bè, v.v… của Trương Định; nhưng ông vẫn nhận thấy những mặt hạn chế của Gò Công, nhất là về mặt địa thế chiến lược: địa hình tuy có sông rạch, nhưng nhìn chung bằng phẳng rất thuận lợi cho địch trong việc sử dụng các phương tiện cơ động để tung quân đi đàn áp.

Phía Bắc và phía Nam đều giáp sông, phía Đông và phía Đông Bắc giáp biển, dễ bị địch quân bao vây cô lập, triệt đường tiếp tế quân lương từ bên ngoài vào Gò Công và tấn công từ nhiều phía. Diện tích Gò Công nhỏ hẹp, thiếu bề rộng và chiều sâu cần thiết để phòng ngự và rút lui, còn địch dễ dàng tập trung binh lực để công phá. Hơn nữa, Gò Công lại gần Mỹ Tho và Sài Gòn, vốn là những nơi địch có lực lượng mạnh, lại có đường thủy bộ nối liền, khiến địch dễ hành quân càn quét.

Dẫu vậy, Trương Định vẫn quyết định xây dựng căn cứ của cuộc khởi nghĩa ở Gò Công: Quả thế, tuy căn cứ Gò Công không có địa thế hiểm trở như căn cứ Đồng Tháp Mười của Võ Duy Dương; hoặc như các căn cứ ở Trung – Bắc của các phong trào kháng Pháp sau này. Nhưng ở Gò Công có thế trận lòng dân vô cùng vững chắc, mà Trương Định xem đó như là yếu tố quyết định của cuộc khởi nghĩa, để khiến ông “chẳng đành xa bỏ cõi Gò Công”.

Tuy sinh ra ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nhưng khi lớn lên và đến lúc hy sinh, cuộc đời và sự nghiệp của Trương Định gắn chắt với Gò Công và nhân dân ở đây. Tại Gò Công ông đã lập gia đình với hai người phụ nữ, trước là Lê Thị Thưởng và sau là bà Trần Thị Sanh. Với sự giúp đỡ ít nhiều của hai gia đình bên vợ, năm 1854, hưởng ứng chính sách đồn điền của Nguyễn Tri Phương, Trương Định chiêu mộ dân nghèo, khai khẩn đất hoang, lập ra đồn điền Gia Thuận, vừa góp phần phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống của nhân dân địa phương, vừa chăm lo luyện tập quân sự cho dân binh đồn điền, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đất nước.

Bởi vậy, với tư cách là một người luôn quan tâm đến quốc kế dân sinh, Trương Định được nhân dân Gò Công hết lòng mến mộ, tin yêu. Và cũng chính vì vậy, đến năm 1861, với tinh thần yêu nước nồng nàn và ý chí đấu tranh bất khuất, nhân dân Gò Công đã tích cực hưởng ứng và tham gia phong trào. Lực lượng nghĩa quân lên đến 6.000 người, bao gồm các tầng lớp nhân dân Gò Công mà trong đó da số là nhân dân lao động và dân binh đồn điền – những người, theo nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, chỉ biết:

“. . . Cui cút làm ăn, riêng lo nghèo khó,
Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung,
Chỉ biết ruộng trâu, ở theo làng bộ
Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy. . . tay vốn quen làm
Tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ. . . mắt chưa từng ngó
. . . Vốn chẳng phải quân cơ, quân vệ, theo dòng  ở lính diễn binh.
Chẳng qua là dân ấp, dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ”

(Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc – Nguyễn Đình Chiểu)

Tháng bảy năm Nhâm Tuất (1862), sau khi ký hòa ước nhường đứt cho thực dân Pháp đảo Côn Lôn và ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ là Biên Hòa, Gia Định, và Định Tường, triều đình Tự Đức phong Trương Định làm Lãnh binh tỉnh An Giang và buộc ông phải giải tán nghĩa quân, chấm dứt cuộc kháng chiến ở Gò Công.

Thế nhưng, nhân dân Gò Công đã tỏ lòng thiết tha mong muốn Trương Định ở lại cùng với nhân dân chiến đấu. Trước tấm lòng vì đại nghĩa của nhân dân, Trương Định đã không tuân theo lệnh bãi binh của triều đình và với chức vụ Chủ soái do nhân dân đồng thanh đều cử ông vẫn tiếp tục chỉ huy cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược:

“. . . Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên tử chiếu, đón ngăn mấy dặm mã tiền.
Theo bụng dân phải chịu tướng quân phù, gánh vác một vai khổn ngoại
Gồm ba tỉnh dựng cờ phấn nghĩa, sĩ phu lắm kẻ vui theo.
Tom muôn dân gầy sổ mộ quân, luật lệnh nào ai dám nhạy.
Văn thời Tham Biện, Thượng Biên, giúp các cơ bàn bạc nhung công.
Võ thời Tổng binh, Đốc binh, coi mấy đạo sửa sang khí giới”

(Văn tế Trương Định – Nguyễn Đình Chiểu)

Đây là bước ngoặt to lớn trong tư tưởng của Trương Định và của cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo. Trương Định đã ý thức được tấm lòng của nhân dân, nên ông càng tin tưởng sức dân và quyết định đi cùng với nhân dân chiến đấu: “Bằng son ứng nghĩa thắm lòng dân” (Nguyễn Đình Chiểu)

Dưới trướng của Trương Định, trong hàng ngũ tướng lĩnh chỉ huy nghĩa quân, ngoài các vị vốn là trí thức khoa bảng ở Gò Công và cùng các lân cận như các cử nhân Bùi Tấn, Cù Khắc Kiệm, Lý Duy Phiên, Hà Mậu Đức, các tú tài Nguyễn Văn Trung, Huỳnh Văn Đạt, Bùi Văn Lý, Mai Phương Mỹ, Nguyễn Duy Thận. . . thân sĩ như Hồ Huân Nghiệp, quan lại triều đình như Đỗ Quang, Lưu Tấn Thiện, Lê Quang Quyền, Đặng Văn Duy, Phạm Tiến . . .

Còn có các vị xuất thân từ tầng lớp nhân dân lao động như Đốc binh Tình, Phó Đốc binh Chung, người làng Vĩnh Hựu (Gò Công Tây ngày nay), các ông Hòa, Quới ở làng Tân Niên Trung (xã Tân Trung huyện Gò Công Đông ngày nay), Đốc binh Chấn ở Giồng Tháp, làng tân Niên Tây (xã Tân Tây, Gò Công Đông ngày nay) và “Bốn đầu lãnh” Phan Văn Dũng, la Văn Bản, Phan Văn Tiết, tạ Văn Thái.

Ngoài ra phụ nữ Gò Công cũng tích cực tham gia cuộc khởi nghĩa như bà viết và bà Lưu. Hai bà phụ trách việc dò la tin tức của địch và vận động nhân dân đóng góp tiền bạc, lương thực để cung cấp cho nghĩa quân.

Cuộc chiến đấu của nghĩa quân Trương Định hợp với lòng dân, nên được nhân dân hết lòng đùm bọc che chở và ủng hộ. Sức mạnh của nghĩa quân cũng là sức mạnh của nhân dân. Chính nhờ vậy, nghĩa quân đã tạo nên những chiến công vang dội, mặc dù cán cân lực lượng càng về sau càng nghiêng về phía thực dân Pháp.

a
Tuợng đài Anh hùng dân tộc Trương Định ở TX Gò Công- ảnh: Q.Vũ


Hiện nay, ở thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông, thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi), TP. Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội, v.v… đều có đường phố mang tên ông. Đồng thời, tên ông còn được đặt cho một trường trung học phổ thông ở thị xã Gò Công.

Lăng mộ và đền thờ của ông ở thị xã Gò Công được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1989. Đền thờ của ông ở xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông cũng được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 2004. Ngoài ra, đền thờ ông còn có ở một số nơi khác, như Tân Phước, Tân Tây, Tân Hòa (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), Bửu Hòa, Phước Hòa (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), Tịnh Khê (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi).

Năm 1995, tượng đài ông được tạo tác bằng đá hoa cương, cao 8 m, bệ bằng bê tông ốp đá cao 4 m. Đến năm 2006, tượng được thay bằng chất liệu đồng, tọa lạc tại phường 2, thị xã Gò Công, là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

Cuộc đời và sự nghiệp của ông đã được khắc họa trên sân khấu và điện ảnh, như hai vở cải lương Bình Tây Đại nguyên soái của Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thành Châu (1978), Cờ nghĩa giồng Sơn Quy của soạn giả Huỳnh Anh (vở này đạt Huy chương Bạc tại Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 2010), bộ phim Bình Tây Đại nguyên soái của Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân do Hãng phim Cửu Long sản xuất năm 2013.

Lễ hội tưởng niệm ông diễn ra trong các ngày 17 và 18-8 hằng năm tại xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi và trong các ngày 19 và 20-8 tại lăng mộ và đền thờ của ông ở thị xã Gò Công cũng như tại đền thờ ở xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

TS. NGUYỄN PHÚC NGHIỆP

 

.
.
.