Thứ Sáu, 06/10/2017, 20:03 (GMT+7)
.

Cá linh - món ăn "thương nhớ" mùa nước nổi

“Nước không chưn sao kêu nước đứng
Cá không thờ sao gọi cá linh”.

Sự tích về con cá linh được lưu truyền như sau: Vua Gia Long khi bôn tẩu ở vùng đầu nguồn sông Hậu, có một loài cá bay phóng vào thuyền. Vua cho đây là điềm gở nên không đi theo hướng ấy và đã thoát nạn. Từ đó, ông đặt tên cho loài cá này là “cá linh”.

Hằng năm, từ tháng 5 âm lịch, từ Biển Hồ bao la, những con cá linh li ti như bọt nước theo dòng phù sa đục ngầu trôi dạt xuống sông, rạch. Khi mùa nước lũ về phủ trắng ruộng đồng, cá linh rút vào đồng nước trốn sóng gió. Lúc bấy giờ cá cỡ đầu ngón tay út. Đến tháng 10 âm lịch nước rút, cá đã lớn hơn ngón cái, theo kinh, rạch tuôn ra sông lớn, lội “xanh” mặt nước.

Mùa nước nổi ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long thường bắt đầu từ cuối tháng 8 dương lịch, là lúc cá linh xuất hiện. Các nhà khoa học gọi cá linh là cá di cư, dân quê gọi là cá của người nghèo hay đặc sản mùa nước nổi. Điểm danh những món ăn chế biến từ tôm, cá, thấy thịt cá linh chế biến món ăn nào cũng ngon.

Vào mùa này, từ các quán ăn bình dân đến các nhà hàng sang trọng trên địa bàn TP. Mỹ Tho, món cá linh đã trở thành đặc sản. Người dân Mỹ Tho cũng rất sành ăn, mùa nào thức ấy, hễ có cá linh đầu mùa là tìm mua, giá cả cao cũng mua ăn. Ngày xưa, cá linh là dành cho người nghèo vì giá rất rẻ. Ngày nay, cá này nằm vào hàng đặc sản, được “sánh vai” cùng các loại cá hiếm khác như: Cá chép, cá chẽm, cá lăng đuôi đỏ… Giá cá linh đầu mùa khá cao, dao động từ 120.000 - 150.000 đồng/kg. Cá linh đầu mùa còn non, ngọt thịt, ít xương và béo. Khi nấu, cá không cần đánh vảy, chỉ cần lấy mật và ngâm nước muối cho cá sạch nhớt, có thể làm rất nhiều món, ăn rồi sẽ nhớ hoài, nhớ mãi như: Cá linh chiên giòn, cá linh kho tộ, cá linh kho lạt, cá linh nấu canh chua bông so đũa... “Hút hồn” hơn là món cá linh nẹp tre, nướng trên bếp lửa hồng, ăn kèm với rau sống, chuối chát, lá xoài non, lá cách… Đặc biệt, món canh chua cá linh nấu với bông điên điển là không thể bỏ qua. Canh phải ăn lúc nóng. Vị chua chua, ngọt ngọt đậm đà của canh nóng quyện mùi lá quế, ngò gai, rau om, mùi me chua bốc lên ngào ngạt. Thịt cá ngọt đậm, chấm với nước mắm trong, thêm chút ớt hiểm vườn thì thật là tuyệt vời.

Cá linh non kho mía cũng là món ăn rất ngon. Cá linh còn non nấu cho đến xương mềm, ăn kèm bánh tráng, rau sống, chuối chát, hẹ, dưa leo…; tất cả hòa quyện vào nhau, chấm với nước mắm chua ngọt, đã ăn vào thì thực khách sẽ bị “say mồi” đến khi no căng mới thôi. Đơn giản hơn một chút có món cá linh kho tộ. Vị béo béo của cá, vị mằn mặn của nước mắm, một chút đường, bột ngọt, bỏ thêm chút ớt, chút hạt tiêu vào tạo hương vị cay cay, ăn với cơm trắng đã no vẫn còn thòm thèm nơi đầu lưỡi.
Có một loại bông khi “kết duyên” cùng cá linh sẽ cho ra món ăn ngon “đúng điệu” miền Tây, đó là bông điên điển. Ai đến miền Tây mà không nghe qua câu ca dao:

“Canh chua điên điển cá linh
Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon”.

Bông điển điển cũng là một đặc sản mùa nước nổi, mỗi khi lũ về thì hoa nở vàng khoe sắc khắp cả mé sông, ruộng nước. Bông điên điển cho hương vị rất đặc biệt, giòn, thơm, bùi, béo lại nồng đượm hương, mang “hương đồng cỏ nội”, được người dân miền Tây chế biến thành nhiều món ăn đặc sản. Cây điên điển thường trổ bông liên tục để có thể hái đều đặn mỗi ngày cho đến hết mùa nước. Ngoài ra, bông điên điển còn có thể chế biến thêm nhiều món ăn như: Bông điên điển làm gỏi, chiên bánh xèo..., tạo nên hương vị “đồng quê thơm ngát”, không thể nào quên được. 

Ngày nay, số lượng cá linh tuy không còn dồi dào như trước, nhưng cứ đến mùa nước nổi, người dân miền Tây lại háo hức và nhớ về một đặc sản của riêng đất trời miền sông nước “chín rồng”. Nếu may mắn về miền Tây mùa lũ, du khách phương xa đừng nên bỏ qua “khúc biến tấu” từ đặc sản cá linh - một đặc ân tự nhiên chỉ tìm thấy duy nhất do dòng Mê Kông ban tặng.

HỒNG LÊ

.
.
.