Phóng sự ảnh – thể loại ảnh hấp dẫn và đầy thử thách
Trong “thế giới phẳng” ngày nay, vai trò của phóng sự ảnh (PSA) ngày càng có ý nghĩa to lớn với đời sống xã hội. Chụp phóng sự ảnh luôn hấp dẫn nhưng cũng là sự thử thách không nhỏ đối với người cầm máy. Phóng sự ảnh là một thể loại của ảnh báo chí, nhưng những tác phẩm PSA vừa mang tính báo chí vừa đạt tới trình độ nghệ thuật sẽ có có sức lan tỏa lớn hơn, tác động nhiều hơn tới công chúng.
Đã có rất nhiều tác phẩm PSA nổi tiếng về chiến tranh, về nạn đói, về thiên tai, môi trường, về thân phận con người... được công bố làm lay động lòng người. Tiên phong là các phóng viên nhiếp ảnh và không ít nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng đã thành công trong lĩnh vực này. Chúng ta còn nhớ PSA về vụ lính Mỹ thảm sát hơn 500 dân thường ở Sơn Mỹ (Quảng Ngãi, Việt Nam) năm 1967 khi được báo chí Mỹ công bố đã làm rúng động cả nước Mỹ, dư luận thế giới lên án dữ dội và dấy lên phong trào phản đối chiến tranh xâm lược tàn bạo phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam.
Gần đây, Hội NSNA Việt Nam phối hợp với Báo Tuổi trẻ đã tổ chức thành công cuộc thi Phóng sự ảnh chủ đề “Việt Nam - Đất nước, con người”, thời gian từ cuối 2015 đến tháng 10/2016. Đã có 875 PSA của 299 tác giả dự thi, chọn được 74 PSA triển lãm tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, 11 tác phẩm đoạt giải. Trong cuộc thi này, tác phẩm đoạt giải Nhất là PSA “Người mẹ bán xôi và đứa con nuôi ung thư” của tác giả trẻ Cao Ngọc Dương, kể câu chuyện hết sức cảm động về người mẹ rời quê Cần Thơ cùng đứa con nuôi bị bệnh ung thư lên TP Hồ Chí Minh, hàng ngày đi bán xôi lấy tiền kiếm sống và chữa bệnh cho con tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM, PSA đã có hơn 10 nghìn lượt người truy cập vào mạng để chia sẻ.
Cũng trong cuộc thi đó, PSA “Bán vé số nuôi cháu tật nguyền” của tác giả Nguyễn Đông (giải Khuyến khích) thực hiện trong gần 2 tháng về cuộc sống mưu sinh, vật lộn với bệnh tật của đứa cháu 30 tuổi vừa liệt vừa câm và bà dì ruột 70 tuổi già yếu. Hàng ngày từ sáng đến khuya hai dì cháu rong ruổi chiếc xe lăn khắp phố vắng chợ chiều của Nha Trang bán vé số kiếm sống qua ngày... Khi PSA này được Báo Tuổi trẻ đăng đã có rất nhiều người sẻ chia, làm từ thiện ủng hộ cho hai dì cháu gần 20 triệu đồng, xe lăn, quần áo...
Phóng sự ảnh (Photo Reportage) là một bộ ảnh (thường từ 5 đến 10 bức ảnh) hoặc một loạt các bức ảnh, mô tả câu chuyện về một nội dung cụ thể có tính logic liên kết chặt chẽ với nhau, có mở đầu, cao trào và kết thúc. Nhằm chuyển tải thông tin một vấn đề, một sự kiện, gửi gắm một thông điệp hoặc gợi mở cảm xúc đến người xem. PSA có 3 thành tố: bộ ảnh – bài viết cô đọng nội dung mà bộ ảnh đã đề cập nhưng không thể diễn đạt hết bằng hình ảnh – chú thích của mỗi bức ảnh.
Yêu cầu tối thượng của PSA là tính trung thực, khách quan, không có sự bố trí sắp đặt theo ý muốn chủ quan của người chụp. Các bức ảnh được chụp một cách chân thực, người chụp chủ động lựa chọn nội dung, bối cảnh, góc chụp, thời cơ bấm máy và thực hiện công việc sáng tạo của mình dựa trên cái nền hiện thực đó. Việc can thiệp xử lý bằng các phần mềm không được làm thay đổi các chi tiết của ảnh, có thể được chỉnh sửa độ tương phản, đậm nhạt, sắc độ, độ nét và cắt cúp để tạo bố cục cho ảnh.
Việc lựa chọn đề tài mang tính mở với người chụp. Thường PSA trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến cuộc sống con người. Nội dung đề tài mà PSA đặt ra càng có tính thời sự cao, những sự kiện được xã hội đang quan tâm, những vấn đề có tác động mạnh đến dư luận, những câu chuyện mang tính nhân văn sâu sắc... dễ làm cho PSA đạt hiệu ứng cao và có cơ hội thành công. Quan điểm tư tưởng, nhận thức và ý tưởng của người chụp phụ thuộc chính vào trình độ nghề nghiệp và khả năng sáng tạo của tác giả. Nội dung PSA hướng tới có thể là vấn đề tích cực hoặc vấn đề tiêu cực.
Thông qua các thủ pháp nghệ thuật để bằng PSA truyền đạt thông tin trực tiếp không áp đặt ý kiến cá nhân để rộng đường dư luận; để ngợi ca, tôn vinh cái đẹp hoặc bày tỏ quan điểm lên án cái chưa đẹp, cái xấu xa trong xã hội. Đôi khi tùy thuộc vào vấn đề mà PSA đặt ra, tác giả có thể trình bày ý kiến phản biện xã hội thông qua sự chân thực, tính khách quan của các bức ảnh trong phóng sự. Khác với điện ảnh, câu chuyện được mô tả bằng các trường đoạn vận động của hình tượng nhân vật, dẫn dắt người xem đến đích cần truyền đạt, với PSA là các lát cắt cô đọng, điển hình nhất của câu chuyện để chuyển tải nội dung vấn đề, dồn nén tâm lý người xem.
Việc tìm tòi, lựa chọn đề tài phụ thuộc vào quan điểm tư tưởng, nhận thức, sự trải nghiệm, sự nhạy bén trước hiện thực xã hội của người chụp.Các tiêu chí của PSA có nhiều điểm giống ảnh đơn nghệ thuật, như ánh sáng, bố cục, màu sắc, độ tương phản, đường nét, tỷ lệ chính – phụ, khả năng truyền đạt thông tin và gợi mở cảm xúc, tính khoảnh khắc... Nhưng đặc điểm khác cơ bản là PSA được chụp chân thực, bảo đảm tính hiện thực cao nhất và các ảnh đơn trong PSA tuy riêng rẽ nhưng lại liên kết với nhau, tổng thể cả bộ ảnh mới hình thành nên chủ đề, nội dung trọn vẹn của câu chuyện.
Những nguyên tắc cơ bản của một PSA, gồm: Nguyên tắc khuôn hình, như ảnh toàn cảnh, trung cảnh, cận cảnh, chi tiết đặc tả hay ảnh hoạt động của nhân vật; Nguyên tắc không gian, như bối cảnh trong ngoài câu chuyện, góc chụp trên cao hay thấp máy; Nguyên tắc thời gian, như sáng, trưa, chiều, tối hay ngày nắng ngày mưa... (theo NSNA Hoài Linh).
Trong PSA thường có một ảnh “đinh” có tính khái quát cao, hấp dẫn, nhằm tạo chiều sâu bộ ảnh, hội tụ chủ đề, tạo “nút thắt” dẫn dắt mạch chuyện. Tránh việc sáng tác các ảnh cứ na ná như nhau cả về nội dung cũng như hình thức thể hiện. Việc đặt tên (title) cho PSA nên thể hiện trực tiếp nội dung bộ ảnh, càng xúc tích càng tốt, hướng người xem nhanh chóng nắm bắt nội dung và gợi mở cảm xúc, định hướng nhận thức một cách chính xác. Phần nội dung tóm tắt bằng lời cho PSA và chú thích các ảnh cần ngắn gọn, trả lời được các câu hỏi: Ai? cái gì? ở đâu? khi nào? như thế nào? Không nói thay những điều mà trong ảnh đã thể hiện.
Để có được một PSA vừa hấp dẫn về hình thức, hay về nội dung, có tác động xã hội là việc không dễ dàng. Đòi hỏi người chụp phải có quan điểm tư tưởng rõ ràng, bám sát hơi thở cuộc sống, cập nhật thông tin để nắm bắt thời cơ, nhạy bén, kịp thời thực hiện PSA. Đồng thời phải có vốn sống, sự trải nghiệm nhất định, kinh nghiệm nghề nghiệp và tính kiên trì trong quá trình thực hiện tác phẩm, quyết tâm “đi đến cùng” để có được bộ ảnh tốt. Phải “lăn lộn”, đắm mình thực sự vào cuộc sống của nhân vật và sự kiện, vừa tỉnh táo trước sự kiện, hiện tượng vừa cảm xúc nhân văn với số phận con người mới hy vọng vào thành công trong chụp ảnh phóng sự. Trong quá trình thực hiện phóng sự ảnh cần chú ý ghi chép thông tin đầy đủ, chính xác để làm tư liệu cho chú thích ảnh và bài viết.
Hiện thực cuộc sống vô cùng phong phú đầy hấp dẫn luôn chờ đón những người đam mê nhiếp ảnh, đặc biệt những “tay máy” chấp nhận thử thách với thể loại ảnh rất hấp dẫn nhưng cũng đầy thử thách này. Đây còn là môi trường để người cầm máy thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của người nghệ sĩ với đất nước và cộng đồng xã hội.
Theo Vapa
•