Thứ Năm, 02/11/2017, 15:42 (GMT+7)
.

"Cày bừa giữa buổi ban trưa"

Cày, bừa là hai trong những loại nông cụ quan trọng ở khâu làm đất trước khi sạ cấy. Song mấy chục năm nay việc đồng ruộng được cơ giới hóa, hình ảnh con trâu và thợ cày đã dần vắng bóng. Hồi năm 1990, thống kê ở vùng Cai Lậy chỉ còn 1 hộ ở xã Mỹ Phước Tây nuôi trâu để cày ruộng. Đây có thể là đôi trâu cuối cùng gắn bó với nhà nông trên vùng đất lúa. Hiện nay, những chiếc cày đã dần mục nát theo thời gian, việc cày bừa theo lối xưa chỉ còn trong ca dao, tục ngữ.

 Bừa trục dọn đất trước khi cấy lúa.
Bừa trục dọn đất trước khi cấy lúa.

VẶN NÀI BẺ ỐNG

Xưa nông dân Nam bộ nói chung và vùng Tiền Giang nói riêng thường sử dụng 3 loại cày phổ biến là: Cày đõi, cày bắp và cày mên.

Thân cày đõi được đẽo từ một khối gỗ, dài khoảng 1,4 m, gồm các bộ phận thân cày, trạnh cày, bắp cày, mom cày, chuôi cày (tay nắm) và bàn cày. Đây là loại cày kết hợp giữa chiếc cày chìa vôi của người Việt với cây cày của người Chăm ở miền Trung đã qua cải tiến. Bắp cày đóng chặt cứng vào thân cày nhờ các con bang (cây nêm). Lưỡi cày bằng sắt. Giữa thân cày có cắm một cái bắp hình lưng thỏ, dài khoảng 1,5 m, được kìm cứng bởi một cây náng xuyên qua. Ở nơi ruộng đất sình lầy phải dùng hai con trâu kéo, mắc ách đôi lên cổ trâu, dính liền với cái vòi đàn nhờ cây đõi và dây đõi, dây nài, dây ống. Cây đõi tuy đơn sơ nhưng làm nhiệm vụ quan trọng là điều chỉnh thăng bằng khi cày, giúp cho trâu vượt qua những chỗ đất gồ ghề.

Cày đõi thường làm bằng gỗ mù u cứng chắc. Bàn cày đõi nhỏ, hẹp dễ bị lún sình nên chỉ thích hợp với ruộng gò.

Cày bắp còn gọi là cày chét (chét là cái nhánh), nguyên thủy là cây cày của người Khmer, vì có cái bắp dài nên gọi là cày bắp. Cày bắp cũng được đẽo từ nguyên khối gỗ, cũng có thân, trạnh, mom... Đặc biệt là, cái bắp dài và bàn cày to. Bắp cày dài và vòi đàn nhọn là thứ vũ khí để khuất phục những cặp trâu khỏe và hung hãn. Bàn cày to ít bị lún sình. Cày bắp nguyên thủy không có náng, nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã cải tiến thêm một cây náng xuyên qua bắp cày, kìm chắc chắn, nhưng không điều chỉnh đường cày theo ý muốn vì không có cây đõi. Cày bắp thích hợp với ruộng sình lầy.
Khoảng năm 1930, tại Hội chợ các xứ thuộc địa Đông Dương tổ chức tại Sài Gòn có triển lãm cây cày chét của người Khmer. Những người thợ làm cày ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long có dịp tiếp cận với loại cày này và họ đã cải tiến làm ra một cây cày phù hợp với vùng đất đồng bằng, gọi là cày mên.
Cày mên cải tiến gồm các bộ phận: Thân cây cày gồm chuôi, thân, trạnh và mom cày lắp ghép nhau. Mom cày làm từ một khúc gỗ khá to, gắn liền với thân cày và chuôi cày nhờ bulong, ốc vít... Các bộ phận này đều bằng gỗ, loại danh mộc, nhưng thường là những đoạn gỗ đã cưa xẻ theo quy cách nên không tốn nhiều tiền. Cây cày mên của người Khmer thường lấy mảnh sành gắn vào trạnh cày. Trong quá trình cải tiến, người Việt nghĩ ra cách lấy lá sắt làm trạnh cày hàn dính với lưỡi cày vừa chắc vừa nhẹ. Bắp cày cũng là một khúc gỗ thẳng cho nên ít tốn gỗ. Cây cày mên lúc mới đem sang triển lãm năm 1930 không có cây đõi, không cây náng nên không chắc chắn lắm. Thợ làm cày người Việt nghĩ đến việc đục rộng lỗ mộng trên thân cày và một con bang, chêm vào lỗ mộng. Vì vậy, khi đi cày, người cầm cày phải đem theo cái búa, nếu gặp chỗ đất không bằng phẳng hay đất cứng, muốn lưỡi cày xới sâu thì dùng búa tháo con bang (cây nêm) nêm lỗ mộng trên thì cày sẽ ăn xuống; ngược lại, khi gặp đất sình, lưỡi cày ăn xuống thì tháo con bang mộng dưới thì lưỡi cày ăn lên.

Đất Nam bộ thường bùn lầy nên cày ruộng phải dùng một đôi trâu mới kéo nổi. Vì vậy nhà nông thiết kế phần đuôi gọng có gắn con sẻ làm chốt. Từ chốt sẻ này, người ta buộc sợi dây nài vòng qua cái ách đôi đặt trên cổ hai con trâu, thêm một sợi dây ống buộc cứng cổ hai con trâu vào cái ách, vì vậy có câu “vặn nài bẻ ống”.

CHÍN RĂNG TRÂU CƯỜI, MƯỜI RĂNG TRÂU KHÓC

Bừa là nông cụ dùng xới mặt đất. Sau khi cày, người ta sử dụng bừa để cào những đám cỏ khó phân hủy, trước khi trục để sục bùn nhận cỏ.

Bừa có hai phần. Thân bừa là một khối gỗ chữ nhật, dài khoảng 1,5 m - 1,7 m, giữa có 2 lỗ mộng để cắm 2 gọng tre. Chiếc gọng dài khoảng 2 m, đuôi gọng gắn con sẻ/chốt. Thân bừa có từ 9 - 10 răng, mỗi răng dài khoảng 0,2 m, thường làm bằng tre. Tùy theo vùng đất mà người ta tính độ dài của thân bừa. Nếu đất lầy, gắn 10 răng, tức loại dài đến 2 m thì trâu sẽ kéo không nổi, vì vậy có câu “Chín răng trâu cười, mười răng trâu khóc”. Việc điều khiển trâu bừa cũng như điều khiển trục, người đứng bừa trụ chân trên thân bừa, một tay nắm vàm trâu, một tay cầm roi điều khiển.

Khi nhà nông chuyển sang phương pháp sạ khô, vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện hai loại bừa cải tiến gồm:

Bừa sắt, còn gọi là bừa móc, hình dáng tương tự bừa răng tre, nhưng được làm bằng sắt, dài hơn và cong như những cái móc. Bừa sắt dùng để móc đất cứng. Hiện nay, nhà nông dùng máy cày thay trâu kéo bừa, cây bừa sắt được cải tiến, gắn thêm hai cây gọng ở hai đầu thay cho gọng giữa để nối vào máy cày.

Bừa lĩa, cũng là loại bừa cải tiến, thân bằng gỗ, dài khoảng 1,5 m - 2,3 m, cắm nhiều răng móc sắt nhỏ, mỗi răng dài khoảng 0,15 m. Với chức năng “lĩa” (tức kéo qua kéo lại), loại bừa này sử dụng sau khi rải giống sạ khô xong, người ta lĩa ngang dọc nhiều lần cho đất nát, tơi và để lấp kín hạt giống.
Trâu của người Nam bộ nuôi để làm sức kéo thường đi theo “vọng ví” - tức đi nghịch chiều kim đồng hồ. Ví là vào, thá là ra. Do đó nông dân thường sử dụng trâu bản địa đã thuần để kéo cày, bừa hay trục, không sử dụng trâu nhập từ Campuchia được. Khi bắt một đôi trâu kéo cày, kéo bừa hay trục thì con yếu - thường là trâu cái đứng phía bên phải, con mạnh - thường là trâu đực đứng phía bên trái. Khi đôi trâu di chuyển, con bên trái sẽ đi nhanh hơn.

Các loại cày bừa, trục và nhiều loại nông cụ khác đang mất dần. Thiết nghĩ, các địa phương nên có kế hoạch sưu tầm và lập bảo tàng nông cụ để lưu giữ cho thế hệ mai sau hiểu được kỹ thuật canh tác của cha ông ta trong quá khứ.

PHAN LÊ

.
.
.