Châu Thành với cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ
Huyện Châu Thành là một trong những địa phương có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), trong đó có những xã có Chi bộ Đảng và phong trào cách mạng rất mạnh như Long Hưng, Vĩnh Kim, Thạnh Phú, Tam Hiệp, Tân Lý Tây...
Đình Long Hưng, nơi lá cờ đỏ sao vàng lần đầu xuất hiện trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ. |
Chính vì thế, huyện Châu Thành vinh dự được chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ (tháng 7-1940 tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Vẹm, xã Tân Hương) và các Hội nghị Tỉnh ủy Mỹ Tho (hội nghị tháng 8-1940, hội nghị tháng 10-1940 và hội nghị đầu tháng 11-1940 đều được tổ chức tại xã Long Hưng) để bàn về công tác khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân trên toàn xứ Nam kỳ, trong đó có tỉnh Mỹ Tho.
Thực hiện chỉ đạo của Xứ ủy Nam Kỳ, Tỉnh ủy Mỹ Tho chọn huyện Châu Thành làm điểm khởi nghĩa và chọn vùng rừng Thầy Kiện thuộc khu vực giáp ranh giữa các xã Tam Hiệp, Long Định, Tân Lý Đông để xây dựng căn cứ chỉ đạo khởi nghĩa của tỉnh Mỹ Tho với ký hiệu “Ba U”. Trên cơ sở tiếp thu và thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Mỹ Tho, Huyện ủy Châu Thành nhanh chóng triển khai các công việc chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa như: Kiện toàn cơ quan lãnh đạo từ quận xuống xã, phát triển lực lượng quần chúng trong Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế, tổ chức lực lượng du kích và luyện tập quân sự, đẩy mạnh công tác vận động binh lính địch, thành lập một số Ban cần thiết phục vụ khởi nghĩa như: Ban Tham mưu, Ban Phá hoại, Ban Giao thông, Ban Tuyên truyền, Ban Quân báo, Ban Binh vận, Ban Tài chính, Ban Cứu thương…, đặc biệt là giao thông liên lạc được lập thành mạng lưới, có nhiều tuyến đảm bảo cho việc chỉ đạo được nhanh chóng, kịp thời trong mọi tình huống. Huyện ủy cũng chọn các xã ở phía Bắc nằm trong vùng Đồng Tháp Mười làm căn cứ liên hoàn với căn cứ của tỉnh như Tân Hội Đông, Tân Hòa Thành, Tân Lập, Phú Mỹ, Hưng Thạnh...
Cuối tháng 9-1940, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Mỹ Tho, Huyện ủy Châu Thành chọn 2 xã Tam Hiệp và Long Hưng là nơi có Chi bộ và phong trào mạnh tổ chức diễn tập khởi nghĩa để rút kinh nghiệm. Hình thức diễn tập được các Chi bộ tổ chức lãnh đạo các Hội phản đế của xã tuyên truyền, vận động quần chúng bằng nhiều hình thức như tổ chức nói chuyện với hội viên, bí mật rải truyền đơn, treo cờ Đảng, khẩu hiệu nhiều nơi trong xã, vẽ ngôi sao 5 cánh, viết khẩu hiệu trên các thân cây, mả đá, lộ nhựa, kêu gọi nhân dân đứng lên khởi nghĩa đánh đổ đế quốc, phong kiến, đem lại ruộng đất cho dân cày, ủng hộ phe Đồng minh, trong đó nòng cốt là Liên Xô, chống trục phát xít Đức - Ý - Nhật.
Để việc lãnh đạo, chỉ đạo được tập trung và thông suốt, Tỉnh ủy phân công đồng chí Nguyễn Văn Trọng, Phó Bí thư Tỉnh ủy - phụ trách thông tin liên lạc giữa Xứ ủy với Tỉnh ủy; đồng thời trực tiếp truyền lệnh khởi nghĩa và phụ trách quận Châu Thành; đồng chí Nguyễn Thị Thập - phụ trách lực lượng vũ trang tập trung của tỉnh (đóng ở khu căn cứ Ba U) phối hợp lực lượng khởi nghĩa tại chỗ giành chính quyền ở các xã Tam Hiệp, Long Định..., uy hiếp lộ Đông Dương (nay là Quốc lộ 1) chạy ngang qua huyện Châu Thành.
Lúc bấy giờ, trên địa bàn huyện Châu Thành, 2 xã Long Hưng và Thạnh Phú có vị trí hết sức quan trọng, từ đây lực lượng khởi nghĩa có thể đánh vào thị xã Mỹ Tho, cắt đứt con đường huyết mạch nối Sài Gòn và miền Tây Nam bộ (lộ Đông Dương). Lãnh đạo khu vực này, ngoài đồng chí Nguyễn Văn Trọng phụ trách chung cả huyện Châu Thành, còn có đồng chí Nguyễn Văn Tân thay mặt Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo; đồng chí Nguyễn Văn Danh phụ trách quân sự; đồng chí Nguyễn Văn Ghè, Bí thư Huyện ủy Châu Thành, phụ trách phong trào. Long Hưng là điểm thường trực của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho.
Hơn 0 giờ ngày 23-11-1940, hàng ngàn quần chúng của khu vực Long Hưng - Thạnh Phú đã nổi dậy khởi nghĩa. Tiếng trống, tiếng mõ, tiếng pháo tre vang khắp xóm làng. Quần chúng tự vũ trang bằng những vũ khí thô sơ, rầm rập kéo đến những địa điểm đã quy ước trước, nghe Ủy ban Khởi nghĩa phát lệnh và kéo đến trụ sở tề xã giành chính quyền. Trước khí thế của quần chúng, ngay những phút đầu tiên của cuộc khởi nghĩa, một số tề làng các xã Long Hưng, Bình Đức, Phước Thạnh bỏ trốn; số còn lại ngả theo cách mạng và cùng với quần chúng đốt hết sổ sách.
Rạng sáng ngày 23-11-1940, quân khởi nghĩa bao vây, đánh chiếm đồn Thạnh Phú, đồn Chợ Bưng (xã Tam Hiệp); đồng thời tấn công đồn Cầu Đúc - Long Định. Đến 10 giờ, quần chúng cách mạng và quân khởi nghĩa đánh chiếm trụ sở 2 xã Tân Lý Tây và Tân Lý Đông. Hệ thống tề làng, đồn bót của địch ở huyện Châu Thành hoàn toàn tan rã, một số bị bắt, bị giải tán, số khác sợ phải chạy đi nơi khác để sinh sống. Ở những nơi đó, chính quyền đã thuộc về nhân dân. Sau đó, quân khởi nghĩa chia thành hai cánh, một rút về căn cứ Ba U với nhiệm vụ uy hiếp lộ Đông Dương và bảo vệ căn cứ; một rút về đình Long Hưng để bảo vệ chính quyền nhân dân tỉnh mới vừa được thành lập.
Cũng ngay trong ngày 23-11-1940, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho được thành lập và đã tổ chức cuộc mít tinh có hơn 3.000 người dự tại đình Long Hưng. Lần đầu tiên lá Cờ đỏ sao vàng 5 cánh xuất hiện trên ngọn cây bàng, trước đình Long Hưng và trước cổng trụ sở (trước cổng đình) một băng rôn được treo với dòng chữ “Việt Nam Dân chủ cộng hòa quốc”. Đồng thời, Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho cũng được thành lập. Trụ sở Tòa án được đặt tại đình Long Hưng.
Trước sự nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng, chính quyền thực dân Pháp huy động lực lượng để đàn áp. Chúng cho máy bay ném bom các xã Tam Hiệp, Thân Cửu Nghĩa, Long Hưng, trong đó dã man nhất là ném bom xuống Chợ Giữa (Vĩnh Kim) lúc chợ đang đông, làm chết, bị thương hàng trăm người. Lính địch đi càn quét thả sức đốt phá, bắn giết, cướp bóc, hãm hiếp, gây nên những tội ác “trời không dung, đất không tha”.
Tóm lại, huyện Châu Thành là một trong những trung tâm khởi nghĩa trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ tháng 11-1940 của tỉnh Mỹ Tho và cả Nam kỳ. Ở đây, nhân dân nổi dậy mạnh mẽ và kéo dài nhất. Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ và các Hội nghị Tỉnh ủy Mỹ Tho để ra các quyết định về cuộc khởi nghĩa đều được tổ chức tại đây. Căn cứ khởi nghĩa, trụ sở của Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho, Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh, lực lượng vũ trang cách mạng tỉnh, quốc kỳ lá Cờ đỏ sao vàng, quốc hiệu “Việt Nam Dân chủ cộng hòa quốc” đều được xây dựng, thành lập và xuất hiện trên địa bàn huyện Châu Thành. Cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ ở huyện Châu Thành thể hiện tinh thần đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường, bất khuất của quân dân huyện nhà, tạo nên tiếng vang rất mạnh mẽ, là tiếng súng báo hiệu cho một thời kỳ đấu tranh mới của nhân dân trong huyện cùng với nhân dân toàn tỉnh Mỹ Tho và cả nước: Đấu tranh bằng bạo lực cách mạng để giải phóng dân tộc.
TS. NGUYỄN PHÚC NGHIỆP (tổng hợp)