Nhớ lắm, thầy cô ơi!
Những năm gần đây, những ai từng một thời cắp sách đến trường không còn xa lạ với những cụm từ “họp lớp”, “hội trường”. Có lẽ nhịp sống bây giờ quá vội nên người ta có nhu cầu tìm về “những ngày xưa” êm đềm, thân ái; hay do đời sống vật chất khá đầy đủ nên người ta có tâm trí và thời gian để nhớ về kỷ niệm thuở hoa niên? Những cuộc gặp lại sau hàng chục năm xa cách chắc sẽ tạo nên biết bao cung bậc của cảm xúc: Nôn nao háo hức, bâng khuâng xao xuyến, xúc động vỡ òa….
Cái niềm vui sau cùng của đời học sinh là được họp mặt bạn bè, thầy cô khi mình đã lớn khôn, trưởng thành. Tôi vẫn chưa có được niềm vui ấy. Ngày ngày đi làm, tôi đi trên những nẻo đường mà mấy chục năm trước chúng tôi tung tăng đến trường, học cấp 1 rồi cấp 2. Lần nào ngang qua nền trường cũ, trong tôi cứ như vang lên lời hát, nghe rất da diết nhưng xa vắng: “Trường làng tôi cây xanh lá vây quanh, muôn chim hót vang lên êm đềm... Trường làng tôi hai gian lá đơn sơ, che trên miếng sân vuông mơ màng. Trường làng tôi không giây phút tôi quên, dù cách xa muôn trùng trường ơi!”… Trường cũ ngày xưa đã không còn dấu vết. Bạn bè mỗi đứa mỗi “số phận”. Thầy cô đã về quê, đã chuyển công tác. Bạn cũ thì thỉnh thoảng được gặp lại vài người, nhưng thầy cô thì có khi đã ba bốn chục năm trời thầy trò chẳng được tin nhau…
Ở vùng quê Mỹ Lợi (huyện Cái Bè) chúng tôi, mấy mươi năm trước nghèo lắm. Chiến tranh vừa kết thúc, người dân đi “tản cư” (tránh bom đạn) trở về xóm làng gần như phải gây dựng cuộc sống lại từ đầu. Khai hoang ruộng đồng, dựng nhà cửa, rồi lấy tre, lá dừa, đưng lác… dựng tạm trường lớp để trẻ con có chỗ học. Chúng tôi chân đất đến trường, quần áo thì có gì mặc nấy, chẳng có sách để học, có được quyển vở và cây bút đã là quý lắm rồi. Thầy cô thì ở những vùng khác được phân công về dạy. Thuở ấy, lũ học trò ngây thơ chúng tôi cũng chẳng thắc mắc quê thầy cô ở đâu, chỉ biết thầy cô được gửi vào “ở trọ” trong nhà dân...
Tôi nhớ như in cảm giác được thầy cầm tay tập viết nét chữ đầu đời. Rồi qua năm tháng, chúng tôi dần lớn lên. Lên cấp 2, chúng tôi phải đi học xa hơn, vẫn quần dài vắt vai, chân đất đi bộ gần chục cây số mỗi ngày. Trường cấp 2 nhìn ra ngã ba sông, cũng dựng bằng tre lá, mùa gió chướng sóng nước vỗ oàm oạp vào thềm lớp học. Thầy cô bám trường bám lớp, tận tâm tận lực dạy dỗ, thương chúng tôi như con em của mình mặc dù cuộc sống rất khổ hạnh…
Thế hệ chúng tôi đứa đi học tiếp, ở xa; đứa không đủ điều kiện học lên nữa thì mưu sinh trên ruộng đồng của mình. Các thế hệ đàn em tiếp tục được thầy cô dìu dắt. Thầy cô cũ của chúng tôi cũng lần lượt chuyển công tác. Người trở lại quê nhà, người đi đến những vùng khó khăn khác, tiếp tục làm người “gieo mầm” tri thức.
Hơn 40 năm trôi qua, tôi không bao giờ quên từng dáng đi, nét mặt, giọng nói, nét chữ… của thầy cô mình. Lớn lên đi làm; già đi, tôi càng thương yêu, trân trọng, biết ơn những thầy cô ngày ấy. Quê hương Mỹ Lợi chúng tôi cũng không bao giờ quên những người đã chấp nhận gian khổ về đây dạy chữ. Hôm nay, trong những câu chuyện bên chén trà mỗi sớm mai, mỗi chiều tối đâu đó bên bờ kinh Phèn, kinh Kho, kinh Nguyễn Văn Tiếp, kinh Cổ Cò, các cụ vẫn thường nhắc tên các thầy cô: Thầy Ngô Ngọc Hoài quê ở xã Long Hưng, huyện Châu Thành; thầy Võ Quang Đảm, thầy Phạm Long Khánh, thầy Nguyễn Văn Hiệp quê TP. Mỹ Tho; thầy Phan Văn Lập quê huyện Gò Công Tây; cô Võ Thị Thanh Loan quê TX. Gò Công...
Tôi may mắn được trở về quê nhà xã Mỹ Lợi công tác sau gần 20 năm xa quê. Mỗi ngày đi ngang nơi ngày xưa dựng ngôi trường cũ, tôi hay ước ao một lần họp mặt được các thầy cô đã từng cống hiến những năm tháng trẻ trung, tươi đẹp nhất của đời người cho quê tôi, để chúng tôi có dịp bày tỏ tấm lòng tri ân và cũng để thầy cô thấy được vùng đất mà ngày xưa thầy cô đã đặt nền móng cho sự phát triển sự nghiệp giáo dục, bây giờ đã có kết quả rất phấn khởi: Xã Mỹ Lợi đã có trường trung học phổ thông; trường tiểu học và trung học cơ sở đều đạt chuẩn quốc gia; học trò của thầy cô hiện nay có đứa đã là phó giáo sư - tiến sĩ, giảng viên đại học; có đứa là tiến sĩ, trở về dạy học ngay chính quê hương mình… Chúng em nhớ thầy cô lắm!
PHAN NGỌC THANH