Hát Xoan Phú Thọ-di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại
Ngày 8/12, tại đảo Jeju, Hàn Quốc, Kỳ họp của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 đã nhất trí đưa Di sản “Hát Xoan Phú Thọ” ra khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và chuyển sang danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trình diễn Hát Xoan Phú Thọ. |
Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh trong danh sách cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO năm 2011. Sau 6 năm thực hiện nghiêm túc các cam kết với UNESCO, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và sự hỗ trợ của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng hồ sơ trình UNESCO.
Tại Kỳ họp lần thứ 12 này, các quốc gia thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 đã đánh giá cao quá trình bảo tồn, phát huy di sản của tỉnh Phú Thọ và ủng hộ đặc cách để Hồ sơ Hát Xoan là trường hợp đầu tiên được chuyển từ danh sách di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp sang ghi danh tại danh sách di sản văn hóa đại diện của nhân loại.
Đây là kết quả của công tác chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của cộng đồng, chính quyền tỉnh Phú Thọ, sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự hợp tác quốc tế chặt chẽ giữa Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam với UNESCO cùng các nước trong Ủy ban Công ước 2003. Hát Xoan Phú Thọ đã được các cơ quan chuyên môn của UNESCO đánh giá đáp ứng được 5 tiêu chí để được công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
Với việc ghi danh 2 di sản Bài Chòi và Hát Xoan, đến nay Việt Nam đã có 12 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc ghi danh này có ý nghĩa quan trọng, góp phần quảng bá hiệu quả nền văn hóa phong phú, đa dạng của dân tộc Việt Nam, khẳng định cam kết của Việt Nam đối với việc nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng đối với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, di sản của Việt Nam và thể hiện sự đóng góp tích cực của Việt Nam đối với tổ chức UNESCO.
Cũng như các di sản phi vật thể đã được ghi nhận trước đây, hai di sản được công nhận lần này tạo thêm điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa ở các địa phương được ghi danh cũng như trên phạm vi cả nước. Đây cũng là vinh dự to lớn, nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề trong việc nâng cao nhận thức của người dân, tạo thêm động lực để cộng đồng và các địa phương tiếp tục gìn giữ, phát huy di sản trong đời sống xã hội, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, góp phần vào việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao vị thế và hình ảnh của đất nước trên thế giới.
Hát Xoan còn được gọi là Khúc môn đình (hát cửa đình), là lối hát thờ thần, tương truyền có từ thời các vua Hùng. Thuở xa xưa, người Văn Lang tổ chức các cuộc hát Xoan vào mùa xuân để đón chào năm mới. Có 3 hình thức hát xoan: Hát thờ cúng các vua Hùng và Thành hoàng làng; hát nghi lễ cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe; hát lễ hội là hình thức để nam nữ giao duyên.
Theo sử sách ghi lại thì hát Xoan đã tồn tại hơn 2.000 năm, là di sản văn hóa dân gian hết sức quý báu. Các làn điệu Xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước. Gốc của hát Xoan ở vùng Phú Thọ, sau đó lan tỏa tới các làng quê thuộc đôi bờ sông Lô, sông Hồng, qua cả tỉnh Vĩnh Phúc. Bốn phường Xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét nằm ở 2 xã Kim Đức và Phương Lâu (Phú Thọ).
Ca nhạc của Xoan là ca nhạc biểu diễn với đầy đủ các dạng thức nhạc hát: Hát nói, hát ngâm, ngâm thơ và ca khúc; có đồng ca nữ, đồng ca nam, tốp ca, đối ca, hát đa thanh, hát đuổi, hát đan xen, hát có lĩnh xướng và hát đối đáp. Về sắc thái âm nhạc, nhạc Xoan vừa có những giọng nghiêm trang, thong thả vừa có những điệu dồn đuổi khỏe mạnh, lại có những giọng duyên dáng, trữ tình.
Hát Xoan thường được biểu diễn vào mùa xuân. Khi đó, các phường Xoan ở tỉnh Phú Thọ lần lượt khai xuân ở đình, miếu ngay từ mùng một Tết đầu năm. Buổi sáng các ngày Tết, phường Xoan làng nào hát ở đình làng ấy, tới chiều tối, các phường Xoan lại họp lại với nhau lần lượt hát ở đình, miếu như sau: mùng một, hát ở đình Cả và miếu Cấm làng An Thái (xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì); mùng hai, hát ở đình Đơi làng Kim Đới; mùng ba, hát ở miếu Lãi Lèn làng Phù Đức; mùng bốn, hát ở đình Thét làng Thét (xã Kim Đức, thành phố Việt Trì). Vào ngày mùng 5, thường hát ở đền Hùng (xã Hy Cương, thành phố Việt Trì). Thời điểm hát được quy định tại một điểm hát nhất định, mỗi “phường” chọn một vị trí cửa đình.
Ngoài ra, Hát Xoan còn được trình diễn tại Lễ hội đền Hùng tại Phú Thọ, diễn ra từ ngày 5-10/3 Âm lịch hàng năm. Vào ngày giỗ Tổ, cũng là ngày chính hội (10/3 Âm lịch) có tiến hành nghi lễ hát thờ (tục gọi là hát Xoan). Đây là một lễ thức rất quan trọng và độc đáo. Ngoài ra, trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, thường liên tục có các chương trình hát Xoan làng cổ phục vụ du khách thập phương hành hương về đất Tổ.
(Theo chinhphu.vn)