Chủ Nhật, 03/12/2017, 15:02 (GMT+7)
.

Phát triển du lịch dựa trên bảo tồn kiến trúc di sản văn hóa

Ngày 2-12, tại Làng cổ Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang phối hợp với Trường Đại học nữ Chiêu Hòa Nhật Bản tổ chức Tọa đàm “Phát triển du lịch dựa trên bảo tồn kiến trúc di sản văn hóa Âu - Việt”. Tham dự tọa đàm, có ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cùng các đại biểu đến từ Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), các chuyên gia về bảo tồn kiến trúc và di sản văn hóa cổ Nhật Bản…

Các đại biểu chủ trì tọa đàm
Các đại biểu chủ trì tọa đàm.

Tọa đàm nhằm đánh giá thực trạng và định hướng du lịch cộng đồng thông qua bảo tồn, phát huy các giá trị di sản tại Làng cổ Đông Hòa Hiệp; giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái gắn với Làng cổ Đông Hòa Hiệp; chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, khai thác di sản làng cổ phục vụ du lịch; cùng chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm về phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa ở các làng cổ trong nước cũng như với Nhật Bản…

Ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang phát biểu tại buổi tọa đàm
Ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang tham dự và phát biểu tại buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, ông Võ Minh Nhựt, Chủ tịch UBND xã Đông Hòa Hiệp cho biết, Làng cổ Đông Hòa Hiệp hiện có 10 ngôi nhà cổ có kiến trúc độc đáo, đặc sắc đang kết hợp phát triển du lịch. Vào năm 2003, Đông Hòa Hiệp được nhóm điều phối của Tổ chức JICA (Nhật Bản) hỗ trợ trùng tu một số ngôi nhà đã xuống cấp; đồng thời làm hàng rào, trồng cây xanh, tạo bóng mát và cảnh quan.

Để tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa làng cổ, thời gian qua, địa phương đã tập trung vận động hộ dân quản lý nhà cổ giữ nguyên trạng, không làm phá vỡ kết cấu và định kỳ trùng tu, bảo quản nhà cổ, chống hư dột, xuống cấp... Hiện nay, trung bình mỗi năm, có trên 119.000 lượt du khách đến Cái Bè, chủ yếu tham quan Làng cổ Đông Hòa Hiệp - một điểm nhấn trong các tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Ông Kanai Ken, đại diện Tổng cục Văn hóa Nhật Bản đánh giá cao công tác bảo tồn di sản Làng cổ Đông Hòa Hiệp, nơi còn lưu giữ vốn quý là nhiều ngôi nhà cổ có kiến trúc độc đáo và đặc sắc. Ông Kanai Ken cho rằng, Nhật Bản có thể chia sẻ những kinh nghiệm tốt về bảo tồn di sản văn hóa; đồng thời với khai thác tiềm năng ngành công nghiệp không khói với Việt Nam nói chung, trong đó có Làng cổ Đông Hòa Hiệp nói riêng.

Ông Kanai Ken, đại diện Tổng Cục Văn hóa Nhật Bản phát biểu tại buổi tọa đàm
Ông Kanai Ken, đại diện Tổng cục Văn hóa Nhật Bản phát biểu tại buổi tọa đàm.

Đến với buổi tọa đàm, ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm cũng đã có những thông tin về quần thể Làng cổ Đường Lâm. Theo đó, làng cổ này hiện có 50 di tích, 100 ngôi nhà cổ niên đại hơn 100 năm và 1.000 ngôi nhà truyền thống… Hiện nay, nơi đây đang là điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, được TP. Hà Nội lựa chọn là một trong 6 điểm du lịch quan trọng, góp phần phát triển ngành du lịch Thủ đô.

Ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang đánh giá, tọa đàm lần này có ý nghĩa hết sức thiết thực. Với nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia, của nhà quản lý và người làm du lịch… sẽ là cơ sở để tỉnh Tiền Giang phát huy những ưu điểm, khắc phục khó khăn, hạn chế trong việc bảo tồn di sản văn hóa làng cổ, để phục vụ du khách tham quan ngày càng tốt hơn, mang lại những lợi ích lớn về kinh tế - xã hội và vốn quý di sản văn hóa cũng ngày càng được phát huy và phát triển.

HỮU NGHỊ

.
.
.