Giai thoại chùa Kim Phước
Chùa Kim Phước tọa lạc cạnh bờ sông Cái Lá (ấp Hiệp Quới, xã Hiệp Đức huyện Cai Lậy), là ngôi chùa được xếp vào dạng cổ tự. Theo Địa phương chí Mỹ Tho, xuất bản năm 1902, chùa do ông Nguyễn Tấn Quới lập vào năm Minh Mạng nguyên niên (1820).
Trong quá khứ, chùa Kim Phước nổi tiếng nhờ vào pho tượng Trung tôn bằng đồng to nhất vùng và là ngôi chùa có nhiều giai thoại kỳ thú.
Chánh điện chùa Kim Phước trước khi trùng tu. |
Theo các bậc cao niên kể lại, làng Hiệp Hòa xưa kia có hai anh em phú hộ là Nguyễn Tấn Quới và Nguyễn Tấn Lang. Năm 1833, Lê Văn Khôi chống lại triều đình Minh Mạng. Anh em Nguyễn Tấn Quới và Nguyễn Tấn Lang theo làm hậu cần, cung cấp lúa gạo nuôi quân chống lại triều đình.
Đến năm 1835, vua Minh Mạng dẹp xong “giặc Khôi”, ra lệnh buộc tội tất cả những người có liên quan đến cuộc nổi loạn. Toàn bộ ruộng đất của dòng tộc 2 anh em này bị tịch thu sung vào công điền, giao cho Tiền quân Tôn Thất Hội quản lý. Vì thế, hiện nay ở xã Hiệp Đức còn địa danh đồng “Ngụy Tấn Lang” để chỉ phần ruộng đất của anh em nhà Nguyễn Tấn theo “ngụy Khôi” làm loạn.
Làng Hiệp Hòa về sau sáp nhập với làng Tân Đức, lấy tên là Hiệp Đức.
TƯỢNG ĐỒNG TO NHẤT VÙNG
Sư Thích Bổn Chánh, Phó trụ trì chùa Kim Phước kể: Sau khi chùa khai sơn, ông Quới đã mua số tiền xu bị hư bể, huy động thêm số lượng đồng bá tánh cúng, nhưng không đủ để đúc tượng. Mấy năm sau, ông dùng ghe bầu trở về quê ở miền Trung chở tiền đồng vào, rồi thuê thợ đến nấu đồng đúc tại chỗ.
Sau nhiều tháng vất vả, bức tượng Trung tôn cao 1 mét hoàn thành, nhưng do thợ thủ công tay nghề không cao và pho tượng “thiếu hảo tướng”, không đẹp bằng các tượng đúc sau này. Phần đế tượng bằng gỗ, lâu ngày bị mục. Gần đây, nhà chùa thuê thợ đắp thêm tòa sen bằng xi măng.
Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, có thể ông Quới đã tu trước đó hằng chục năm, nhưng chưa có tiền đúc tượng, phải mua một số tượng nhỏ từ Huế chở vào. Tượng Trung tôn do ông thuê người đúc tại chỗ là pho tượng tiêu biểu cho chùa. Tuổi của pho tượng bao nhiêu thì tuổi của chùa bấy nhiêu.
Ông Tường nhận định, so sánh điều kiện kinh tế hồi giữa thế kỷ XIX, thì đây là pho tượng đồng to nhất vùng. Qua đầu thế kỷ XX, việc đúc tượng đồng đã thưa dần, các chùa chuyển sang tượng gỗ, đa số là gỗ mít nài, hoặc tượng xi măng hồ vữa. Sau này, kinh tế phát triển, giá đồng rẻ hơn và kỹ thuật đúc cũng tinh xảo hơn, mới đúc được những pho tượng lớn.
Từ lúc khai sơn đến nay đã gần 200 năm, nhưng lịch sử của chùa Kim Phước chỉ có 4 đời trụ trì. Nhiều khoảng thời gian do cư sĩ tại địa phương quản lý, có khi hằng chục năm chùa bị hoang phế, không ai chăm sóc.
Vùng này ít bị ảnh hưởng bom đạn chiến tranh, nên chùa không bị hư hao nhiều. Đa số những pho tượng cổ còn nguyên vẹn. Cách đây mấy năm, trộm đột nhập vô chánh điện lấy cắp trên 10 tượng đồng cổ thời Nguyễn. May mắn pho tượng Trung tôn vẫn còn.
SƯ TRỤ TRÌ ĐỐI ĐẦU VỚI QUẬN TRƯỞNG
Theo lời kể của ông Huỳnh Kim Ngọc, hồi những năm 1930, chùa này có vị sư trụ trì tên là Huấn, tính tình nghịch ngợm, hay dùng bùa lỗ ban ếm ghẹo dân làng. Có lần gánh hát đi ngang, thầy hỏi tối nay hát tuồng gì? Người trong đoàn hát trêu ghẹo: Hát tuồng thầy chùa đánh lộn.
Thầy bảo: Khoái đánh lộn lắm hả? Thế rồi đào, kép của đoàn hôm ấy cứ đánh nhau suốt, không hát hò gì được. Hay có chuyện người trong xóm đi ngang nói chuyện lớn tiếng. Thầy ra quở: Tại sao cảnh chùa thanh tịnh lại lớn tiếng như vậy, bộ thích la hét lắm hả? Người ấy về nhà cứ la hét suốt ngày đêm. Biết mình bị ếm, người ấy đã đến năn nỉ thầy giải giùm, mới hết la hét.
Một chuyện khác, một hôm, có chiếc ghe chở cá đi ngang, thầy buột miệng hỏi: Có cá ngộp bán vài con? Người bán cá sân si, nói thầy tu hành mà không giữ giới luật. Ghe cá đi được một đoạn thì cá trong ghe cứ nháo nhào hết bên này tới bên kia, ghe chòng chành không đi được. Dân làng thấy tội nghiệp, liền mách bảo chủ ghe đem cặp cá ngon lên biếu và xin lỗi thầy.
Tuy nghịch ngợm nhưng tính tình thầy rất khẳng khái, thường tỏ thái độ coi thường đám Hội tề làng xã và hằng năm không chịu nộp thuế cho chính quyền. Hội tề làng báo cáo, quận Tâm cho mời thầy về dinh quận hăm dọa, nạt nộ.
Hai bên cãi nhau quyết liệt. Đuối lý, quận Tâm tức giận hỏi: “Ông là thầy chùa hả? Thầy chùa gì mà có vợ?”. Ông trả lời: “Tôi ở chùa tuy có vợ, có con, nhưng vợ tôi là do cha mẹ cưới cho, chứ tôi không giựt vợ ai hết”. Bấy giờ quận Tâm nổi tiếng là người ỷ quyền đã cướp vợ người khác, bị đánh trúng tim đen, ông ta cho lính đuổi thầy ra khỏi dinh quận.
Tết năm đó, quận Tâm nghĩ ra câu đối, bắt dân làng Hiệp Đức phải chép lại, dán trước ngõ, kể cả trước cổng chùa, hăm dọa thầy Huấn:
“ Phụng cư hòa hạ điểu phi khứ
Mã tại lư biên, thảo bất sanh”.
(Phượng hoàng đến xứ Hòa ở thì chim chóc phải tránh xa.
Ngựa đến xứ lư biên thì cỏ không mọc được).
Mấy năm sau, thầy Huấn qua đời, giao ngôi chùa cho con trai quản lý. Vị này rất hiền từ, nhưng cũng phạm giới lấy vợ, sinh con, rồi lấy đất hương hỏa của chùa chia cho con, nên bị dân làng đuổi đi.
Năm 2013, chùa xây dựng mới với kinh phí dự toán hơn 7 tỷ đồng. Hiện nay, chùa Kim Phước do sư Thích Nhuận Tâm trụ trì.
PHAN LÊ