Bữa cơm gia đình cuối năm
Ngày cuối cùng của năm là một ngày đầy cảm xúc. Với mỗi nhà, mỗi người dân Việt Nam, dù công việc bận rộn đến đâu, nhưng bữa cơm chiều cuối năm luôn được họ coi trọng, đề cao, đó là ngày mọi người tụ tập đông đủ để dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa, làm mâm cỗ cúng tổ tiên và ăn với nhau bữa cơm sum họp gia đình.
Bữa cơm cuối năm không chỉ là bữa cơm đoàn tụ cuối cùng của năm, để những người thân ngồi lại tổng kết những gì đã và chưa làm được trong năm cũ, nêu ước vọng về một năm mới, mà còn là phong tục, truyền thống của người dân Việt Nam được truyền qua nhiều thế hệ. Những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp ấy đã đi vào tiềm thức của người Việt Nam.
Cả nhà chú Nguyễn Văn Thanh và cô Ngô Thị Đẹp (huyện Cái Bè) sum vầy bên mâm cơm chiều 30 tết năm ngoái. Ảnh: PHƯƠNG MAI |
Theo quan niệm truyền thống, bữa cơm cuối năm là nghi thức tiễn biệt năm cũ, sửa soạn đón năm mới, mời ông Công, ông Táo về trần thế tiếp tục cai quản việc bếp núc cho gia chủ; đồng thời, bữa cơm cuối năm còn có ý nghĩa gia đình đoàn tụ sum vầy. Đây cũng là bữa cơm để con cháu thể hiện tấm lòng tôn kính, hiếu thảo của mình với những người đã khuất trong gia đình.
Trong quan niệm dân gian, mặc dù ông bà đã chết nhưng linh hồn vẫn còn sống, về phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, nên những dịp lễ, tết, người ta hay mời ông bà về chung vui với con cháu. Vì vậy, bữa cơm cuối năm ngoài ý nghĩa đoàn tụ, còn có nhiều ý nghĩa tâm linh.
Ngày nay, với nhịp sống hối hả với bao nỗi lo toan cơm, áo, gạo, tiền, nên đã vô tình làm cho người ta quên đi những giây phút thanh bình, đầm ấm bên bữa cơm gia đình. Thế nhưng, cứ mỗi khi vào dịp cuối năm, những bộn bề của cuộc sống như lùi lại, mọi gia đình tập trung chuẩn bị tết, chuẩn bị mâm cơm tất niên như một nghi thức tốt đẹp.
Bữa cơm chiều 30 tết, mỗi gia đình đều chuẩn bị một mâm cỗ với nhiều món ăn ngon để cúng tổ tiên, ông bà, kết thúc một năm và mong cho một năm mới được nhiều may mắn. Cúng tất niên cũng thể hiện một nếp sống tâm linh. Sau một năm làm ăn vất vả, vào những ngày cuối năm, mọi người đều dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, tươm tất để cúng tất niên và chuẩn bị đón tết.
Lễ cúng tất niên là một lễ truyền thống tốt đẹp, lễ vật cúng không cần quá cầu kỳ, mà chủ yếu thể hiện được tấm lòng thành của con cháu đối với ông bà, cha mẹ tùy theo điều kiện của mỗi gia đình, cũng như phong tục tập quán mỗi vùng mà thịnh soạn hay thanh đạm, nhưng bắt buộc khi cúng theo truyền thống của người Việt phải có trái cây, hương hoa, đèn, nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng, bánh tét… được bày cúng trang nghiêm, thể hiện được tấm lòng thành của người cúng để tri ân đất, trời, thần linh… đã gia hộ bình an trong một năm qua.
Để ghi nhận thời khắc này, người ta thường làm hai mâm cỗ, một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ, đặt ở trong nhà và một mâm cúng trời, đất, đặt ở khoảng sân trước nhà.
Có thể nói, bữa cơm tất niên là nét văn hóa, in đậm trong tâm trí người Việt, đã trở thành một nét đẹp truyền thống, đạo lý sâu xa của dân tộc về việc giáo dục chữ hiếu, nguồn cội cho cháu con, nhắc nhở nhau nhớ về những kỷ niệm, công đức của ông bà.
Sau bữa cơm tất niên, mọi người bắt đầu chuẩn bị cho lễ cúng giao thừa, hay còn gọi là lễ trừ tịch. Đúng giao thừa, người ta đặt những thức cúng lên bàn thờ gia tiên, thắp hương tưởng niệm, khấn vái, rước ông bà về nhà cùng con cháu vui xuân. Các ngày tiếp theo, người ta đều cúng cơm cho đến hết tết, làm lễ tiễn ông bà thì việc thờ cúng gia tiên trong ngày tết mới coi là xong.
Sự thay đổi trong lối sống và nền nếp của các gia đình hiện nay có lẽ là một xu hướng tất yếu theo sau sự phát triển của toàn xã hội. Nhưng dù đổi thay đến đâu, gia đình vẫn luôn giữ những giá trị cốt lõi, là nơi để mỗi người hướng về, tìm sự thanh thản, ấm cúng cho tâm hồn. Điều đó đã lý giải vì sao quê hương, gia đình luôn là nỗi niềm thương nhớ da diết của mỗi người dân đất Việt, đặc biệt là những con người xa quê, xa xứ mỗi khi xuân về.
THANH LAN