Phố thị vào xuân, "sống lại" những "ông đồ"
Với những hình thức cho chữ khác nhau trong năm mới, những ngày này, các “ông đồ” đã và đang
làm “sống dậy” những giá trị văn hóa của dân tộc, tô điểm thêm nét đẹp có từ xa xưa cho ngày xuân.
Đã từng có quãng thời gian người ta gần như quên đi nét đẹp xin, cho chữ vào ngày tết. Đó là khi hình ảnh ông đồ trở nên cô đơn, lạc lõng giữa dòng người trên phố mà nhà thơ Vũ Đình Liên đã từng nhắc đến: “Ông đồ vẫn ngồi đấy / Qua đường không ai hay…”.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nét đẹp này đang dần được những “ông đồ” thời hiện đại tái hiện lại ở các chợ hoa xuân hay đường hoa; nhiều nơi còn tổ chức phố ông đồ. Thú xin chữ treo ngày tết trở nên đơn giản hơn nhiều khi mọi người vừa có thể du xuân, dạo phố, vừa tìm đến “ông đồ” để gửi gắm những tâm tư, ước vọng trong năm mới.
Nghệ nhân vẽ chữ thư pháp trên lụa. |
Hằng năm, cứ vào dịp tết cổ truyền dân tộc, tại chợ hoa, đường hoa Hùng Vương thường xuyên xuất hiện những ông đồ, thu hút sự chú ý của đông đảo khách du xuân dừng lại xem và đặt viết những câu đối, hay những chữ mang ý nghĩa chúc phúc cho gia đình, người thân trong dịp năm mới.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Thư pháp Tiền Giang Võ Thanh Sơn chia sẻ: “Ngày nay, không gian thư pháp có nhiều cải tiến, mở rộng hơn xưa từ đối tượng thưởng ngoạn đến nghệ nhân. Ngày xưa, ông đồ đa phần là giới văn nghệ sĩ, họ theo học chuyên sâu về thư pháp và có kiến thức về hội họa, bởi tác phẩm thư pháp cũng đòi hỏi có giá trị thẩm mỹ cao về nội dung và hình thức.
Ngày nay, thư pháp có phần đại chúng hơn, người chơi thư pháp không chỉ là văn nghệ sĩ, mà đủ thành phần trong xã hội, nhiều người đến với thư pháp như để lắng lòng lại, tìm kiếm sự bình yên, thanh thoát trong tâm hồn, lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống. Chất liệu viết thư pháp cũng đa dạng hơn ngày xưa, có thể viết trên mọi chất liệu: Gỗ, đá, lụa, trên các trái dưa hấu, bưởi, dừa…
Dù ở giai đoạn nào, để tạo ra một tác phẩm thư pháp, các nghệ nhân thư pháp không chỉ khổ luyện tay nghề, mà còn phải “tu tâm”, nhọc công trui rèn phong thái, nhân cách thì mới có thể thành danh được...”.
Nhiều người đặt hàng khắc, vẽ chữ thư pháp trên dưa hấu trong dịp Tết Nguyên đán. |
Ông Lương Vũ Động, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) Tiền Giang (bộ môn Thư pháp) là một “ông đồ” được nhiều người trong giới thư pháp đánh giá cao. Ngoài việc tham gia vào các hội, nhóm thư pháp trong tỉnh, vào mỗi dịp tết đến xuân về, ông Động thường hay cho chữ tại chợ hoa xuân, đường hoa.
Ông chia sẻ: “Không khí viết thư pháp rộn ràng nhất trong những ngày giáp tết. Ngày nay, giới trẻ tiếp tục kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa của tổ tiên để lại, trong đó thư pháp là một trong những bộ môn được người già và giới trẻ yêu thích.
Tuy nhiên, không phải ai thích cũng học viết thành công. Để viết được chữ thư pháp đẹp, người viết phải viết bằng cả tâm - ý - trí - lực. Với những ai yêu thích bộ môn này, đều hiểu rằng thư pháp không chỉ rèn tay, mà còn rèn cả tâm.
Mỗi giai đoạn có những cái mới để đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngày nay, thư pháp đã có nhiều cách tân, song sự cách tân ấy vẫn thể hiện được tư tưởng, kiến thức, tâm hồn của người viết, được xem là một thú chơi tao nhã, một nghệ thuật tôn quý..”.
Thật vậy, nhiều người quan niệm rằng, trong ngôi nhà, công ty hoặc cơ quan có treo bức thư pháp đã phần nào thể hiện nhân cách sống, tinh thần kẻ sĩ, tiêu chí kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp.
Trong mỗi gia đình ngày nay, bên cạnh những thiết bị giải trí điện tử hiện đại, thì những “câu đối đỏ” hay bức tranh thư pháp vẫn được nhiều người lựa chọn, ngoài mục đích trang trí trong nhà, còn có ý nghĩa răn dạy con cái về cái đạo làm người và cách ứng xử trong cuộc sống.
Vì lẽ đó, tranh thư pháp ngày càng phổ biến. Tết là dịp người ta sử dụng loại hình nghệ thuật này nhiều hơn cả. Tùy theo đối tượng, ngành nghề mà chọn những chữ khác nhau. Chẳng hạn, đa phần những người đi học thường thích chữ trí, tài, nhẫn; Người kinh doanh chọn chữ lộc, chữ tín; Người đi làm xin chữ danh; gia đình thường dùng chữ hiếu, phúc, lộc, thọ, tâm...
Đặc biệt, những năm gần đây, phong trào khắc, vẽ chữ thư pháp trên trái dưa hấu hay trái bưởi được nhiều người dân đón nhận. Đây là một trong những biến tấu đặc sắc của thư pháp trong nhịp sống hiện đại.
Chủ nhiệm CLB Thư pháp Tiền Giang Võ Thanh Sơn cho biết: “Từ 27 - 28 tháng Chạp, tôi bắt đầu tổ chức viết thư pháp trên trái dưa hấu tại trụ sở Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh và Rạp hát Thầy Năm Tú.
Mỗi ngày, trung bình tôi khắc, vẽ trên 100 trái dưa hấu bằng chất liệu sơn, kim tuyến, với các chữ phúc, lộc, thọ; hay tùy theo yêu cầu của khách. Đối với các loại thư pháp được viết, vẽ bằng chữ Việt trên các loại giấy với nhiều màu sắc, kích cỡ, giá dao động từ 30.000 đồng đến vài triệu đồng/bức thư pháp...”.
Bước vào mùa xuân mới, những “ông đồ” đang tất bật cho chữ, góp thêm nét xưa cho phố thị lúc vào xuân. Họ lặng lẽ tìm kiếm nguồn sáng tạo giữa những nét vẽ, để môn nghệ thuật truyền thống không bị mai một trước cuộc sống hiện đại, góp phần gìn giữ và tôn tạo một nét văn hóa đậm tính nhân văn trong thời hội nhập.
HOÀI THU