Thứ Hai, 05/02/2018, 14:37 (GMT+7)
.

Xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới

Quán triệt và thực hiện Chương trình hành động 26 ngày 9-10-2008 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 23 khóa X của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện về vật chất và tinh thần cho hoạt động của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh.

Trong đó, đã phê duyệt Đề án Phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2014 - 2024; quyết định thành lập Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân (năm 2011), định kỳ 5 năm xét khen thưởng một lần cho các nghệ sĩ tiêu biểu của tỉnh có nhiều đóng góp cho nền văn học - nghệ thuật tỉnh (năm 2017 xét trao giải thưởng lần 2, có 19 tác giả nhận giải thưởng); lãnh đạo tổ chức thành công Đại hội Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2016 - 2021, làm cơ sở cho việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong giai đoạn mới.

Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và phương thức quản lý hoạt động văn học, nghệ thuật; kiện toàn và đẩy mạnh hoạt động của các chi hội chuyên ngành; chuẩn bị điều kiện thành lập Chi hội Văn nghệ dân gian; củng cố, nuôi dưỡng và tạo điều kiện cho các câu lạc bộ (CLB) như: CLB Văn học trẻ, CLB Thơ Thủ Khoa Huân, CLB Đờn ca tài tử và Cải lương, CLB Ảo thuật…; duy trì hoạt động Ban Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật; tích cực bồi dưỡng, phát triển hội viên mới…

Hiện nay, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh duy trì 6 chi hội chuyên ngành: Văn học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Sân khấu, Nhiếp ảnh và Múa, với trên 240 hội viên, trong đó có 71 hội viên được kết nạp vào các hội chuyên ngành của Trung ương.

Ngoài ra, Hội còn tập hợp hơn 300 cộng tác viên sinh hoạt ở các CLB Văn học trẻ, Đờn ca tài tử và Cải lương, Nhạc, Nhiếp ảnh, Múa…, thường xuyên tổ chức sinh hoạt định kỳ, định hướng và tạo điều kiện để lực lượng quần chúng tham gia sáng tác văn học, nghệ thuật ngày càng đông đảo và chất lượng cao hơn.

Hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật diễn ra sôi nổi, phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, số lượng tăng trong tất cả các loại hình nghệ thuật, thể hiện qua những đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân; chủ nghĩa nhân văn, phẩm chất nhân đạo được phát huy và đề cao; văn học, nghệ thuật đã cố gắng phát hiện, khẳng định các nhân tố mới, tham gia đấu tranh lên án cái xấu, cái ác và sự biến chất, thoái hóa về nhân cách, lối sống, đạo đức trong một bộ phận xã hội.

Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh luôn quan tâm bồi dưỡng nghề nghiệp cho đội ngũ văn nghệ sĩ bằng nhiều hình thức: Mở trại sáng tác, tọa đàm, hội thảo…, thu hút đông đảo hội viên, cộng tác viên tham gia.

Từ việc sử dụng Quỹ Sáng tạo, năm qua Hội đã mở 2 lớp mỹ thuật cơ bản cho thiếu nhi và lớp mỹ thuật nâng cao cho gần 20 học viên; 2 lớp dạy thư pháp cho 8 học viên; 1 lớp sáng tác tranh sơn mài, có 11 học viên; 1 lớp ca - diễn cải lương nâng cao cho 13 học viên; 1 lớp ảo thuật căn bản cho 5 học viên; 1 lớp kỹ thuật múa đôi cho 20 học viên; 1 lớp bồi dưỡng sáng tác trẻ, có 20 học viên...

Qua các lớp bồi dưỡng, các học viên được cung cấp kiến thức cơ bản của từng bộ môn, góp thêm nhiều gương mặt mới cho phong trào văn nghệ của tỉnh...

Tạp chí Văn nghệ duy trì xuất bản 6 số/năm. Trang thông tin điện tử Văn nghệ Tiền Giang duy trì hoạt động và có nhiều cải tiến, đã giới thiệu rộng rãi trong và ngoài nước hàng ngàn tác phẩm của các tác giả Tiền Giang về các loại hình văn học, nghệ thuật, cùng các thông tin về hoạt động văn học, nghệ thuật trong tỉnh.

Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng chuyên trang, chuyên mục văn hóa, văn nghệ đăng tải và phát sóng, phát hình giới thiệu, quảng bá tác giả, tác phẩm, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của công chúng, tạo sự kích thích sáng tạo và cống hiến của văn nghệ sĩ trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Để việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác văn nghệ đạt hiệu quả thiết thực, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, đưa hoạt động văn học, nghệ thuật tiếp tục phát triển và đi vào chiều sâu, thiết nghĩ, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể lãnh đạo và tổ chức thực hiện tốt các công việc trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X; Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Thông báo 213 của Ban Bí thư về Đề án “Đấu tranh chống các quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật”; Chỉ thị 46 của Ban Bí thư về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thấm nhuần quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật; nhận thức đúng đắn vai trò, vị trí của văn học, nghệ thuật; tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong nội bộ và nhân dân về phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Hai là, tăng cường lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy, chính quyền trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật, đảm bảo định hướng chính trị đi đôi với vận dụng đúng đắn những đặc trưng của văn học, nghệ thuật. Quan tâm bồi dưỡng kết nạp vào Đảng, vào các tổ chức chính trị - xã hội các văn nghệ sĩ có đủ phẩm chất, năng lực; nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, các chi hội chuyên ngành, xây dựng Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh thật sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức, sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao tương xứng với sự nghiệp kháng chiến, công cuộc đổi mới và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân tỉnh nhà.

Ba là, nâng cao chất lượng nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật để thẩm định đúng giá trị tác phẩm và hướng dẫn dư luận xã hội; đấu tranh chống các khuynh hướng sáng tác chạy theo thị hiếu tầm thường hoặc trái với đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng.

Bốn là, quan tâm công tác bồi dưỡng chính trị tư tưởng, chuyên môn, đạo đức cho đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ. Tổ chức tốt việc triển khai quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến văn hóa, văn nghệ; đồng thời, định hướng cho đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ có sự thống nhất cao về quan điểm, lập trường chính trị làm nền tảng tư tưởng cho hoạt động sáng tác.  

Năm là, phát huy mạnh mẽ phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng; hướng dẫn, khuyến khích quần chúng tham gia sáng tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống; mở rộng giao lưu văn hóa, nghệ thuật trong tỉnh, khu vực và trong nước. Thường xuyên phát động các cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật trên tất cả các lĩnh vực; tiếp tục phát động Cuộc thi Sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2018 - 2020.

Sáu là, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo 213 về đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật và Ban Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho hoạt động văn học, nghệ thuật phát triển.

PHẠM PHONG

.
.
.