Đặng Huy Trứ - người khai lập ngành Nhiếp ảnh Việt Nam"
Như đã đưa tin, ngày 11/3 vừa qua, tại Tp. Huế, Hội thảo Khoa học “Đặng Huy Trứ - người khai lập ngành Nhiếp ảnh Việt Nam” đã thành công tốt đẹp. Đây là sự kiện do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp với Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL), Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội đồng họ Đặng Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm thiết thực chào mừng Kỷ niệm 65 năm ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953-15//3/2018), đồng thời bổ sung thêm về những tư liệu quý về Nhiếp ảnh Việt Nam trong buổi ban đầu, để cùng đề ra hướng đi phù hợp trong sáng tác, phổ biến tác phẩm, đẩy mạnh sự phát triển của Nhiếp ảnh Việt Nam, đặc biệt hướng đến tôn vinh Danh nhân Văn hóa Đặng Huy Trứ là Ông Tổ nghề ảnh Việt Nam.
Sau khi lắng nghe các ý kiến tham luận tại Hội thảo, thay mặt đoàn chủ trì, NSNA Vũ Quốc Khánh - Chủ tịch Hội NSNAVN, Trưởng ban Tổ chức đã có bài phát biểu tổng luận về Hội thảo lần này. Ban Biên tập website xin đăng tải toàn văn tổng luận như một thông tin chính thức đến giới nhiếp ảnh cả nước sau sự kiện ý nghĩa vừa qua tại Tp. Huế. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
Năm nay, giới nhiếp ảnh cả nước vui mừng kỷ niệm 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 147/SL thành lập "Quốc doanh chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam". (15/3/1953 - 15/3/2018) - đặt nền móng cho sự phát triển hai ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Việt Nam. Ngày này, hằng năm đã trở thành Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam theo Thông báo đồng ý của Bộ Nội vụ ngày 16/12/2002.
2018 cũng là năm gần tròn 150 năm ngày Danh nhân Đặng Huy Trứ đưa nhiếp ảnh vào Việt Nam, bắt đầu truyền bá một phát minh mới của thế giới đến với công chúng và xã hội. Đây là những lý do thiết thực để Hội NSNAVN xây dựng chương trình kế hoạch, phối hợp với Cục MTNATL (Bộ VHTTDL), Liên hiệp Hội VHNT Thừa Thiên Huế, Dòng họ Đặng Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Danh nhân Đặng Huy Trứ - người khai lập ngành Nhiếp ảnh Việt Nam" tại tỉnh Thừa Thiên Huế - quê hương ông, để bày tỏ lòng tri ân công đức, tài năng của người Việt Nam đầu tiên đưa nghề nhiếp ảnh về Việt Nam, mở ra một ngành nghệ thuật mới cho chúng ta tiếp nối hành nghề và phát triển vượt bậc như hôm nay. Hội thảo lần này, Ban Tổ chức đã nhận được 40 bài viết, tham luận của các nhà khoa học, các đại biểu và nghệ sĩ nhiếp ảnh. Với 14 phát biểu tại Hội thảo, chúng ta đã nêu bật nhiều vấn đề liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Đặng Huy Trứ, và quá trình phát triển cũng như những đóng góp của nhiếp ảnh từ khi xuất hiện ở Việt Nam đến nay.
Cách nay 149 năm, ngày 14/3/1869, sau lần được Triều đình nhà Nguyễn cử sang Quảng Đông lần thứ 2, Đặng Huy Trứ đã tìm hiểu, học hỏi về kỹ thuật nhiếp ảnh, nhờ người mua dụng cụ nghề ảnh và mở hiệu ảnh Cảm Hiếu đường tại phố Thanh Hà, Hà Nội. Đây là hiệu ảnh đầu tiên, mở ra một ngành nghề mới ở Việt Nam.
Nhắc đến Đặng Huy Trứ, lịch sử Việt Nam đánh giá công đức, tài năng không chỉ ở một hay vài lĩnh vực mà vị quan triều Nguyễn này đã đóng góp cho đất nước, nhân dân. Mà hơn thế, ông còn nhận được sự tôn vinh trên nhiều lĩnh vực, hoạt động, cả trước và sau khi ra làm quan. Cuộc đời của Đặng Huy Trứ chỉ vỏn vẹn 49 năm, nhưng với tài năng, nhiệt huyết, ông đã để lại nhiều di sản quý giá cho đời mà theo đánh giá của nhà sử học Lê Văn Lan: "Sự nghiệp, mà Đặng Huy Trứ để lại so với đám nhà Nho đượng thời, không chỉ vượt bậc mà là vượt trội".
Ông là nhà giáo dục tiến bộ, người có đầu óc quản lý kinh tế, kinh doanh làm giàu vượt xa tư duy xã hội thời bấy giờ. Về quân sự, ông là người yêu nước, tìm nhiều hoạt động cổ vũ tinh thần và kiến thức quân sự cho quan lại, bạn bè. Đối với thực dân Pháp, ông đã đứng về phe chủ chiến, quyết tâm chống giặc và đã từ trần trên thành luỹ chống ngoại xâm. Đặng Huy Trứ là nhà canh tân, ra sức học tập, nghiên cứu, vận dụng những thành tựu to lớn các nước đã đạt được vào Việt Nam. Đặng Huy Trứ là "một trong những người trồng mầm khai hoá đầu tiên ở Việt Nam" như đánh giá của Phan Bội Châu. Trên quan trường, ông là người yêu nước thương dân, có quan niệm khác thường về trách nhiệm người làm quan so với quan niệm thời bấy giờ là làm quan phải là người con của người "dân mọn" là "Thứ dân chi tử". Về văn thơ Đặng Huy Trứ, ông đã để lại khối lượng tác phẩm lớn với hàng nghìn bài thơ có giá trị…
Cuộc đời và sự nghiệp của Đặng Huy Trứ đã được lịch sử nghiên cứu, minh chứng làm rõ nhân cách con người, đạo đức trách nhiệm, yêu nước thương dân, tài năng, kỹ trị xuất chúng, hiểu biết cao trên nhiều lĩnh vực quân sự, kinh tế, văn hoá có nhiều đóng góp cho việc xây dựng nhà nước thời bấy giờ, tuy nhiên tài năng của ông đã không được trọng dụng hoặc chỉ được áp dụng một phần không thể đạt hiệu quả tư duy "vượt trội" của ông.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đã xếp hạng Nhà thờ họ Đặng tại làng Thanh Lương, Hương Xuân, Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế là Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia để khẳng định những đóng góp của dòng họ Đặng trong lịch sử dân tộc.
Những công lao đóng góp của Đặng Huy Trứ cho nhân dân, đất nước đã được lịch sử ghi nhận, đánh giá cao, còn đối với chúng ta, những người làm nghề ảnh thì ông còn được coi như Thuỷ tổ của ngành Nhiếp ảnh Việt Nam.
Việc ông đưa nhiếp ảnh vào Việt Nam, 30 năm sau khi thế giới phát minh ra kỹ thuật nhiếp ảnh là một dấu ấn lịch sử cho bộ môn nghệ thuật này. Từ đây, nhiếp ảnh được nhen nhóm và phát triển ngày càng sâu rộng, từ nhiếp ảnh cửa hiệu ở Hà Nội và các đô thị lớn lan toả sang nhiều địa phương, ra cả các nước lân cận, thể hiện mạnh mẽ nhất là nghề ảnh Lai Xá, được mệnh danh là cái nôi, là làng nghề của nhiếp ảnh Việt Nam.
Từ ảnh chân dung cửa hiệu, ảnh báo chí Việt Nam được biết đến trong những năm 1930. Nền Nghệ thuật Nhiếp ảnh Việt Nam bắt nguồn từ các Hội Ái hữu Nhiếp ảnh ở Hà Nội, Sài Gòn năm 1937 - 1938, bùng phát trong cách mạng Tháng Tám, toàn quốc kháng chiến, rồi phát triển rực rỡ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Các bức ảnh tiêu biểu của Nhiếp ảnh Việt Nam trong giai đoạn này hầu hết là đề tài chiến tranh và cách mạng. Rất nhiều tác phẩm ảnh quý trở thành tư liệu vô giá, là bằng chứng lịch sử, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Thời kỳ này, ảnh báo chí về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đã được khẳng định qua nhiều giải thưởng cao ở quốc tế cũng như trên diễn đàn báo chí để nhân dân thế giới hiểu rõ hơn và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.
Hoà bình lập lại, đất nước thống nhất, Việt Nam xây dựng, phát triển và hội nhập quốc tế. Đây là cơ hội để nhiếp ảnh Việt Nam có điều kiện phát huy tài năng sáng tạo ra nhiều tác phẩm giá trị về nội dung và hình thức thể hiện nghệ thuật. Để tập hợp lực lượng nhiếp ảnh trong cả nước cùng niềm đam mê sáng tác ảnh nghệ thuật, năm 1965 Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam được thành lập. Từ Đại hội 1 với 70 nhà nhiếp ảnh sáng lập, đến nay, đã kết nạp được hơn một nghìn hội viên trên toàn quốc, đó là chưa kể hàng vạn nhà nhiếp ảnh, người cầm máy ảnh yêu thích nhiếp ảnh thường xuyên sáng tác hoặc làm việc trên lĩnh vực văn hoá này. Năm 1991, Hội NSNAVN ra nhập Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế FIAP - một tổ chức lớn của gần 100 quốc gia thành viên và hàng trăm câu lạc bộ. Từ đây, chúng ta đã thực sự hội nhập sâu rộng với bạn bè nhiếp ảnh thế giới. Thiết bị kỹ thuật số, công nghệ cao, đường truyền internet đã giúp các nhà nhiếp ảnh Việt Nam giao lưu, cọ sát, học hỏi, nâng cao nghiệp vụ và sáng tác nhiếp ảnh.
Ngày nay, nhiếp ảnh không chỉ được thể hiện ở thể loại đơn giản như buổi ban đầu mới du nhập vào Việt Nam mà đã được phát triển đa dạng, phong phú theo nhiều dòng ảnh, nhiều thể loại nhiếp ảnh nghệ thuật khác nhau. Trong ảnh báo chí, nhiếp ảnh đã có ảnh tin, phóng sự ảnh, ký sự ảnh...
Nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội đã được ảnh báo chí phản ánh chứng minh ảnh báo chí là một kênh thông tin quan trọng, có sức hấp dẫn và thuyết phục cao đối với công chúng. Đối với lĩnh vực ảnh nghệ thuật là một sự phát triển vượt bậc với nhiều thể loại sáng tác như ảnh chân dung nghệ thuật, ảnh phong cảnh, ảnh thiên nhiên, du lịch, ảnh cuộc sống đời thường, ảnh thể thao, ảnh nghệ thuật hình thể, ảnh đồ hoạ... trên chất liệu đen - trắng và màu. Mọi khía cạnh của đời sống xã hội, đất nước, con người đều được nhiếp ảnh tiếp cận và phản chiếu lại bằng những lợi thế kỹ, mỹ thuật của mình.
Trong thư gửi giới nhiếp ảnh kỷ niệm 50 năm ngày Truyền thống, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã khẳng định: “Nửa thế kỷ trôi qua, bằng sự hy sinh gian khổ, lao động sáng tạo, Nhiếp ảnh Việt Nam đã để lại một pho sử bằng ảnh vô cùng quý giá về cách mạng Việt Nam. Nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật đã đọng lại trong lòng đông đảo công chúng trong nước và bạn bè quốc tế, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc”. Và từ đó đến nay, nhiếp ảnh tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới với sự tiến bộ vượt bậc của kỹ thuật số và công nghệ. Nhiếp ảnh đã trở thành bộ môn nghệ thuật đại chúng, nhà nhà chụp ảnh, người người chụp ảnh. Nhiếp ảnh phong trào và nhiếp ảnh chuyên nghiệp đều phát triển mạnh mẽ, xứng đáng với vị trí, vai trò của nó.
Tính đến nay, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã tổ chức 2 hội thảo về Danh nhân Đặng Huy Trứ, lần thứ nhất tại Hà Nội và lần này tại Huế, thể hiện sự tri ân đặc biệt của các thế hệ nhiếp ảnh chúng ta đối với công lao to lớn, năng lực kỹ trị xuất chúng của ông - người Việt Nam đầu tiên đưa nghề ảnh về Quê hương, chính thức khai lập ngành nhiếp ảnh Việt Nam.
Trên tinh thần đó, Hội NSNAVN kêu gọi nghệ sĩ, các nhà nhiếp ảnh, những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh và các tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng nhiếp ảnh là phương tiện hành nghề cùng chung nhận thức, tôn vinh Danh nhân Đặng Huy Trứ là ông Tổ ngành ảnh Việt Nam, và lấy ngày 14/3 là ngày Giỗ hằng năm để cùng thắp nén nhang ghi nhớ công đức của ông./.
Theo vapa