Đại sứ Nhật Bản trao giải sáng tác thơ Haiku cho học sinh Việt Nam
Ngày 12-4, Đại sứ quán Nhật Bản đã tổ chức Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi sáng tác thơ Haiku dành cho trẻ em năm 2017-2018 tại Hà Nội.
Đại sứ Nhật Bản Umeda Kunio trao giấy chứng nhận và quà cho tác giả đoạt giải. Ảnh: PV/Vietnam+ |
Năm nay, cuộc thi có chủ đề “Sinh vật sống.” Ban tổ chức đã nhận được 1.118 tác phẩm dự thi của học sinh trung học cơ sở và tiểu học trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh/thành phố khác có học sinh học tiếng Nhật.
Từ đó, ban tổ chức lựa chọn 38 tác phẩm vào vòng chung khảo và trao giải cho tám tác phẩm xuất sắc nhất. Theo đánh giá của ban giám khảo, năm nay, số lượng tác phẩm dự thi tăng mạnh so với những lần tổ chức trước đây.
“Đặc biệt, các tác phẩm đoạt giải có nội dung phong phú, phù hợp với chủ đề do ban tổ chức đưa ra. Bên cạnh lời thơ, mỗi tác phẩm còn có phần tranh minh họa sinh động. Từ những câu chuyện cụ thể, các thí sinh đã gửi gắm nhiều thông điệp, đề cập đến những vấn đề lớn của cuộc sống như: bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ môi trường tự nhiên,” ông Lê Văn Truyền - đại diện ban giám khảo cho biết.
Đây là năm thứ ba cuộc thi được tổ chức ở Việt Nam. Lễ trao giải lần này là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (1973 - 2018).
“Cuộc thi được tổ chức nhằm mang lại cho trẻ em niềm vui sáng tác thơ Haiku, qua đó, nuôi dưỡng khả năng cảm thụ và bồi đắp lòng nhân ái của thí sinh. Bên cạnh đó, cuộc thi này cũng góp phần làm sâu sắc thêm sự hiểu biết và tình cảm gắn bó của học sinh Việt Nam với văn hóa Nhật Bản,” ngài Umeda Kunio - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam bày tỏ.
Thơ Haiku với 17 âm tiết (theo cấu trúc 5-7-5 âm) là thể thơ ngắn độc đáo, sản phẩm văn hóa đặc biệt của Nhật Bản. Thể thơ này ra đời từ hơn 400 năm trước, phát triển mạnh vào nửa đầu thời kỳ Edo (1603-1868), khi nhà thơ nổi danh Matsuo Basho sáng tác các bài thơ miêu tả thiên nhiên và thế giới xung quanh trong chuyến du hành khắp đất nước.
Thơ Haiku cổ điển thường sử dụng kigo - quý ngữ (từ chỉ mùa) và các quy phạm thẩm mỹ truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay, người làm thơ Haiku không nhất thiết phải tuân thủ các nguyên tắc trên. Yêu cầu đặt ra là diễn tả được những cảm nhận sâu sắc, những trải nghiệm phong phú về thế giới xung quanh bằng lối diễn đạt cô đọng và sáng tạo.
(Theo https://www.vietnamplus.vn/dai-su-nhat-ban-trao-giai-sang-tac-tho-haiku-cho-hoc-sinh-viet-nam/496967.vnp)