Chủ Nhật, 08/04/2018, 10:05 (GMT+7)
.

Nhiếp ảnh gia Nick Út: Quê hương một cõi đi về

Mỗi năm, nhiếp ảnh gia Nick Út đều từ Mỹ về Việt Nam đôi lần. Đầu tháng 4 năm nay, Nick Út về để chuẩn bị cho cuộc triển lãm vào tháng 5 tới ở Trung tâm văn hóa Đức tại TP.Hồ Chí Minh.

Nói đến Nick Út, thế giới biết đến ông qua bức hình “Vietnam napalm girl” (Cô gái Việt Nam bị bom napalm - ảnh). Bức hình được ông chụp cô bé Kim Phúc vào ngày 8-6-1972 tại huyện Trảng Bàng, Tây Ninh, đang trần truồng chạy trên đường do phỏng lửa bom napalm của Mỹ.

“Vietnam napalm girl” đem về cho Nick Út giải thưởng báo chí Pulitzer danh giá. Đại học Columbia (Mỹ) xếp “Vietnam napalm girl” thứ 41/100 bức hình có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Tác phẩm được trưng bày ở nhiều nơi, trong đó có Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.Hồ Chí Minh. Có thể nói, “Vietnam napalm girl” đã đem đến sự nổi tiếng cho nhiếp ảnh gia Nick Út.

Nick Út luôn khiêm tốn khi cho rằng ông có phần may mắn khi có mặt và chụp được “Vietnam napalm girl”. Nhưng ai cũng hiểu, sự may mắn đó của Nick Út có khi phải đánh đổi bằng chính mạng sống của ông. Kết thúc những năm tháng làm phóng viên ảnh chiến trường của Hãng tin AP tại Việt Nam, Nick Út đã 3 lần bị thương nặng. Trong gia đình Huỳnh Công Út (tên Việt của Nick Út), người anh trai Huỳnh Công Mỹ của ông cũng là phóng viên ảnh chiến trường của Hãng tin AP tại Việt Nam, đã tử nạn.

Nguy hiểm của nghề phóng viên ảnh chiến trường không chỉ đến từ bom rơi đạn lạc, mà còn đến ngay khi bức ảnh được công bố. Sau khi Hãng tin AP phát đi “Vietnam napalm girl”, Nick Út phải lẩn trốn vì an ninh chế độ Sài Gòn khi đó truy lùng ông khắp nơi. “Vietnam napalm girl” đã gây tổn thất rất nhiều cho quân đội Mỹ, khi thế giới lên án tội ác chiến tranh của Mỹ và kêu gọi hòa bình.

Sau “Vietnam napalm girl”, quân đội Mỹ phải thay đổi chế độ kiểm duyệt báo chí. Trước đó, khi biết có các cuộc hành quân thì phóng viên được vác máy đi theo. Sau “Vietnam napalm girl”, các phóng viên đi theo phải được quân đội duyệt qua danh sách. Và các bức hình đều được kiểm tra, bắt xóa nếu gây bất lợi (kể cả hình ảnh lính Mỹ tử trận cũng phải xóa đi).

Bức ảnh Cô gái Việt Nam bị bom napalm.
Bức ảnh Cô gái Việt Nam bị bom napalm.

Nick Út đánh giá: “Trước “Vietnam napalm girl”, bức ảnh do Eddie Adams (một người bạn thân của Nick Út) chụp tướng cảnh sát chế độ Sài Gòn bắn một chiến binh Việt cộng ngay trên đường phố trong trận Mậu Thân 1968 cũng có sức lay chuyển lương tri nhân loại về cuộc chiến mà Mỹ đang tham gia ở Việt Nam. Đây là “một bức hình có hai người chết”. Người chết dưới họng súng của tướng Nguyễn Ngọc Loan và cả tướng Loan cũng chết vì bức hình này. Ở Mỹ, tướng Loan có một nhà hàng, tôi từng đến nhà hàng này và khi vào toilet, tôi đã thấy những câu tiếng Anh do thực khách viết lên tường nguyền rủa Nguyễn Ngọc Loan”.

Những tác phẩm gây tiếng vang của Nick Út đều gắn liền với nữ giới trong các hoàn cảnh khiến họ phải rơi nước mắt. “Vietnam napalm girl” chụp hình cô bé Kim Phúc vừa khóc vừa chạy trên đường vào ngày 8-6. Cũng vào ngày này cách nhau 35 năm, Nick Út là một trong 2 người chụp được cảnh ngôi sao Paris Hilton bị còng tay vào tù vì tội uống rượu nhưng lái xe (vào năm 2007). Nick Út kể: “Khi đó có khoảng 300 phóng viên ảnh bao vây nhà riêng của bà chủ hệ thống khách sạn Hilton - kể cả dùng máy bay trực thăng để chụp hình. Ngôi nhà được bọc bằng vải đen kín mít, Paris Hilton được hộ tống với rất nhiều ô dù nên không thể chụp được mặt cô ta. Rất may, khi cô nàng ngồi trong xe và nhìn thấy cha mẹ mình, cô đã bật khóc. Tôi chỉ có vài giây để ghi hình…”.

Khi phóng viên ảnh Nick Út có tuổi, Hãng tin AP điều ông về Mỹ chuyên chụp các ngôi sao Hollywood trong các sự kiện thảm đỏ. Biết ông là tác giả “Vietnam napalm girl”, rất nhiều ngôi sao đã vui vẻ nhờ ông chụp hình. Trước khi về hưu, tên tuổi Nick Út được gắn trên “Đại lộ Danh Vọng” của Hollywood.

Cách đây 2 năm, nhà báo Giản Thanh Sơn đã biên soạn cuốn sách Phóng viên ảnh Nick Út - huyền thoại giản dị do NXB Thông tấn xuất bản. Giản Thanh Sơn cũng là một phóng viên ảnh kỳ cựu với nhiều công trình đã triển lãm, in sách. Thường thì những người làm cùng nghề ít khi nể phục nhau, nhưng Giản Thanh Sơn đã biên soạn hẳn một cuốn sách về Nick Út, đủ để thấy ông nể trọng nhiếp ảnh gia này đến dường nào.

Mỗi lần Nick Út về TP.Hồ Chí Minh, Giản Thanh Sơn đều đưa người anh đồng nghiệp đi thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, thăm quê Long An - nơi hai ông sinh ra và đi uống cà phê với bạn bè… Trước khung cảnh quê hương Việt Nam và tình cảm của những người bạn như Giản Thanh Sơn, Nick Út luôn muốn có được nhiều thời gian hơn để về quê hương. Nick Út xác nhận: “Quê hương luôn là một cõi đi về. Từ đây ra đi và đi cũng để tìm về”.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.