Thứ Ba, 24/04/2018, 21:37 (GMT+7)
.

Rút kinh nghiệm trong việc thẩm định phổ biến phim

Chia sẻ về những vấn đề liên quan tới kiểm duyệt phim, ngày 24-4, trong buổi họp báo quý I của Bộ VH-TT-DL, tại Hà Nội, bà Lý Phương Dung- Cục phó  Cục Điện ảnh cho biết, từ đầu năm 2018, Hội đồng duyệt đã thẩm định 68 phim nhập, 11 phim sản xuất trong nước, 2 phim sản xuất có hợp tác với nước ngoài và cấm 8 phim.

Quy trình thẩm định được thực hiện bằng cách, doanh nghiệp muốn công chiếu phim thì sẽ gửi bản phim và hồ sơ hợp lệ đến Cục Điện ảnh và sau 15 ngày thì Cục Điện ảnh và Hội đồng trung ương thẩm định phim sẽ có câu trả lời là có cấp phép hay không cấp phép hoặc cấp phép nhưng giới hạn độ tuổi khán giả… Nhìn chung không có sai phạm gì trong quy trình thẩm định. Cục Điện ảnh đã thực hiện tuần tự các bước theo quy định của pháp luật.

a
Một cảnh trong phim Biệt đội biển đỏ

Trả lời câu hỏi liên quan tới việc duyệt phim Biệt đội biển đỏ gây dư luận trong thời gian qua, bà Phương Dung cho biết, Cục Điện ảnh đã báo cáo và Bộ VH-TT-DL đã ra thông cáo báo chí về nội dung này.
“Quy trình thẩm định bộ phim không có gì sai” - bà Lý Phương Dung, khẳng định. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm sau khi có phản ánh của báo chí chúng tôi họp hội đồng trung ương thẩm định phim và rút kinh nghiệm. Bên cạnh việc thực hiện đúng quy định pháp luật thì cũng chú ý đến yếu tố nhạy cảm và tình cảm của công chúng - bà Dung nói thêm.

Cũng tại buổi họp báo, bên cạnh báo cáo về kết quả làm được trong Quý I – 2018 của ngành văn hóa, đại diện các cơ quan quản lý của Bộ VH-TT-DL cũng đã lý giải những thắc mắc về những bất cập trong thời gian qua. Liên quan đến hiện tượng tranh giả, tranh nhái tràn lan ở các thành phố lớn, xử lý tượng 12 con giáp phản cảm ở Đồ Sơn (Hải Phòng), theo bà Trần Thị Thu Đông - Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết “Để tránh tình trạng bị sao chép tranh, các họa sĩ phải đăng ký bản quyền tác phẩm, đồng thời công khai minh bạch trong việc mua bán tác phẩm. Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, sẽ thành lập một Trung tâm giám định tác phẩm nghệ thuật vào năm 2019 để giải quyết triệt để vấn đề nêu trên”.

Bà Đông cũng cho biết thêm việc sao chép tranh nếu đúng quy định của pháp luật thì được phép, còn không đúng quy định của pháp luật là không được phép. Nghị định sao chép quy định bản sao chép phải to hơn hoặc nhỏ hơn bản gốc. Đối với tác giả đã mất trên 50 năm, tác phẩm là sản phẩm của nhân loại thì đương nhiên được sao chép…

Về vụ việc các bức tượng 12 con giáp phản cảm ở Đồ Sơn (Hải Phòng), theo Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm khẳng định các bức tượng không hề được sáng tác trong trại điêu khắc, mà chủ cơ sở đặt những người tạc tượng ở địa phương và không được thông qua một hội đồng nghệ thuật nào. Về mặt quản lý Nhà nước, nghị định chỉ cho phép điều chỉnh những bức tượng cố định, loạt tượng 12 con giáp có thể di động được, cho nên về mặt xử lý Sở VH-TT-DL Hải Phòng cũng lúng túng, họ xử lý bằng nhiều cách mà càng xử lý thì báo chí càng “không đồng ý”.
“Hiện Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm đã đề nghị Hải Phòng thành lập một hội đồng thẩm định để xem xét, nếu không đạt yêu cầu nghệ thuật sẽ tiếp tục di dời hoặc cất đi” bà Thu Đông nhấn mạnh.

(Theo sggp.org.vn)

 

.
.
.