Thứ Tư, 02/05/2018, 20:31 (GMT+7)
.
NHÀ THƠ CÁT HOÀNG:

Sống như thơ và làm thơ như hít thở khí trời

Có những nhà thơ khi từ giã cõi đời, chúng ta mới nhận ra khoảng trống vì thiếu họ cả giữa cuộc đời và trong thơ ca.

Khoảng trống ấy không gì có thể bù đắp được. May thay, vẫn còn những bài thơ của họ sống giữa hồn người và hiện diện trên trang sách. Tôi muốn nói đến Cát Hoàng, sống và làm thơ như một thi sĩ thực thụ.

Tôi nhớ, lần đầu tiên nhà thơ Cát Hoàng hẹn gặp tôi ở một quán cà phê cạnh bờ Giếng nước ở TP. Mỹ Tho. 10 năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ như in gương mặt vuông vức và đôi mắt thăm thẳm ẩn chứa nhiều nỗi niềm của Cát Hoàng.

Dáng vẻ của Cát Hoàng giống một công chức mẫn cán, nhưng thẳm sâu tâm hồn anh lại ẩn chứa khát vọng giao hòa với cái đẹp.

Tôi nhớ, buổi sáng hôm đó chúng tôi nói đủ thứ chuyện, từ chuyện nhân tình thế thái cho đến công việc sáng tác thơ ca. Cát Hoàng không đọc thơ mình cho tôi nghe, mà lại đọc những câu thơ của một nhà thơ nữ mà anh yêu mến.

Huyện Gò Công Đông là quê nội của Cát Hoàng. Thế nhưng, anh lại sống gắn bó sâu nặng với quê hương Đồng khởi Bến Tre.

Tôi nhận biết, trong những bài thơ và trong những giấc mơ của mình, nhà thơ Cát Hoàng thường xê dịch, đi về và trú ngụ ở cả 2 vùng đất Gò Công và Bến Tre. Tôi hiểu Cát Hoàng là người sống nặng nợ, giàu nghĩa tình với con người và vùng đất quê hương anh.

Cát Hoàng sống tận cùng với đam mê sáng tạo thơ ca. Trong những cuộc rượu và giao lưu thơ ca với bạn bè văn nghệ, Cát Hoàng thường đọc thơ bằng giọng đọc hào sảng, đắm đuối, đôi mắt anh như có lửa và gương mặt ngây dại hướng về thế giới của tình thương và cái đẹp.

Tôi nhớ, có lần trước khi tham dự đêm giao lưu thơ ở TP. Mỹ Tho, vì đi vội không kịp thay áo nên Cát Hoàng đã được một nhà thơ nữ mua tặng anh cái áo mới. Cát Hoàng tỏ vẻ sung sướng và hạnh phúc. Hơn 10 năm quen anh, tôi học được từ anh bài học về nhân cách của một con người qua cách biểu lộ, ứng xử của anh đối với người anh yêu.

Đối với Cát Hoàng, tình yêu là sự trao tặng và dâng hiến. Thông thường, khi yêu, chúng ta thường mong đợi sự đáp lại tình cảm của người mà ta yêu.

Cát Hoàng dường như không để ý đến điều đó. Đối với anh, được yêu cũng đã là hạnh phúc. Cách yêu của Cát Hoàng giống như cách yêu của một thi sĩ đối với nàng thơ trong thế giới mộng tưởng.

Cát Hoàng sáng tác thơ bằng năng khiếu bẩm sinh. Ngôn ngữ thơ anh gân guốc, mộc mạc và gần gũi với ngôn ngữ chân phương của người Nam bộ. Tuy nhiên, ngôn ngữ thơ của Cát Hoàng đã được tinh luyện, thăng hoa qua cảm xúc thẩm mỹ nên giàu tính tạo hình, biểu cảm.

Tôi hiểu, đối với nhà thơ Cát Hoàng, sáng tác thơ là để giãi bày, chia sẻ cùng những tâm hồn đồng điệu, chứ không phải dùng thơ làm phương tiện để hướng đến nấc thang danh vọng.

Sống và làm thơ đối với Cát Hoàng là sự hòa hợp, thống nhất và dường như không có khoảng cách. Anh sống như thơ và làm thơ như hít thở khí trời, như sống và yêu trong tận cùng say đắm.

Buổi chiều, giữa cơn mưa đầu mùa tầm tã, tôi ngồi ở quán cà phê đọc lại 2 tập thơ: “Hoa ngạo bão” và “Mưa rây” của nhà thơ Cát Hoàng. Bất chợt, tôi nhận ra Cát Hoàng bước ra từ cõi “Mưa rây” và ngồi trò chuyện, đọc thơ cho tôi nghe.

Tâm hồn tôi chợt vang vọng câu thơ của anh: “Ta gọi tên hành trình nước: Mưa rây”. Vâng! Đối với Cát Hoàng, hành trình cuộc đời anh và hành trình thơ của anh đã hoàn tất. Anh đã đi về cõi vĩnh hằng nhưng những câu thơ của anh vẫn sống lâu bền trong tâm hồn người yêu thơ.

                                   VÕ TẤN CƯỜNG

.
.
.