Nhà thơ La Quốc Tiến: vẻ đẹp đời thường trong thơ ca
Nếu như ai đó hỏi tôi: Nhà thơ nào gây cho tôi ấn tượng mạnh mẽ về vẻ đẹp con người giữa đời thường trong thơ? Tôi sẽ nhắc đến người đầu tiên là nhà thơ La Quốc Tiến, đã đi về cõi vĩnh hằng cách đây gần 15 năm, khi ông đang khát khao sống và khát vọng sáng tạo mãnh liệt trong tâm hồn.
Những ngày cuối đời, La Quốc Tiến muốn tìm không gian tĩnh lặng để lắng dịu tâm hồn. Ông không muốn người thân và bạn bè chứng kiến nỗi đau đớn, vật vã về thể xác do bệnh ung thư gan hành hạ.
Ra đi ở tuổi 55, La Quốc Tiến vĩnh viễn mang theo nỗi hoài vọng về cái đẹp giữa đời thường và cái đẹp thơ ca.
Sinh thời, nhà văn Nguyễn Đức Thọ từng gọi La Quốc Tiến là Lục Vân Tiên… phà Rạch Miễu, bởi 2 lẽ: Thứ nhất, năm 1988, La Quốc Tiến sáng tác bài thơ Lục Vân Tiên thọ nạn, đăng trên Báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) đã gây dư luận văn chương.
Thứ hai, La Quốc Tiến là nhà thơ mang đậm cốt cách con người Nam bộ và sống ở TP. Mỹ Tho bằng nghề bỏ mối bánh kẹo, nên thường qua lại phà Rạch Miễu.
Bạn bè và người yêu thơ La Quốc Tiến biết ông có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm và giàu tình nghĩa, nhưng cũng bộc trực, thẳng thắn đến độ cực đoan. Sống và sáng tạo đối với La Quốc Tiến là sự bộc lộ rõ ràng quan điểm và thái độ yêu, ghét. La Quốc Tiến sống chân tình, hết mình với người thân và bạn bè, không chấp nhận thái độ sống bàng quan, nửa vời và toan tính, dùng nghệ thuật để trục lợi cho bản thân.
La Quốc Tiến yêu thơ đến độ mê dại. Đối với ông, sáng tác thơ chính là sự tự khám phá cõi thẳm sâu của bản ngã con người và hướng đến sự tự hoàn thiện về tâm hồn, nhân cách. Mỗi lần sáng tác được một bài thơ, La Quốc Tiến thường đọc cho bạn bè văn nghệ nghe và sửa đi sửa lại nhiều lần trước khi công bố với người đọc.
Để tìm một hình ảnh độc đáo, một “nhãn tự” trong bài thơ mới viết, La Quốc Tiến có thể thức trọn đêm hoặc trăn trở, suy nghĩ cả ngày. Chính vì nhập tâm đến tận cùng như vậy nên hầu hết những bài thơ của mình sáng tác ông đều nhớ nằm lòng mà không cần lưu giữ bản thảo.
La Quốc Tiến chưa từng xuất bản một tập thơ nào, nhưng ông có nhiều bài thơ sống trong trí nhớ của người yêu thơ. Đó là những bài thơ về tình yêu, sự chìm nổi của đời người, thân phận con người trong các mối quan hệ với xã hội và cả với vũ trụ...
Người yêu thơ thường nhắc đến một số bài thơ của ông như: Hòn cuội và bông sứ, Bà mẹ đập đá núi Bửu Long, Nụ tầm xuân, Cây gậy của anh mù, Dây phơi hạnh phúc, Gò Công, Nợ bút nghiên… Hầu hết thơ La Quốc Tiến đều viết theo thể tự do, câu thơ co duỗi linh hoạt và khỏe khoắn; thường phát hiện những tứ thơ độc đáo với hình ảnh vạm vỡ, giàu tính nhân văn.
La Quốc Tiến sống gần gũi, chan hòa với những người lao động chân tay ở chung quanh ông. Ông thường bộc lộ cái nhìn “lạ hóa” về con người và sự vật giữa đời thường, tạo nên những tứ thơ độc đáo mang tính nhân văn sâu sắc.
La Quốc Tiến là kiểu nhà thơ không đi tìm cái đẹp xa xôi ở thế giới mộng tưởng, mà phát hiện, khám phá cái đẹp ở ngay cuộc sống hằng ngày. Giăng sợi dây để phơi quần áo cho con gái, ông phát hiện được tứ thơ về cái đẹp của hạnh phúc nhỏ nhoi, bình dị giữa đời thường.
Ngắm bông sứ rụng ven đường, ông phát hiện cái đẹp bị lãng quên giữa dòng đời hối hả. Đưa vợ đi sinh con ở phòng sinh, ông cũng có cảm hứng về hành trình sinh tử của đời người…
Chúng ta sống giữa trần thế và thường bị rơi vào hai trạng thái: Một là, chìm đắm giữa đời thường nhưng lại bỏ quên giấc mộng của đời mình. Hai là, hướng về giấc mộng, sống với khát vọng về cái đẹp nhưng thường lãng quên giây phút quý giá của hiện tại.
Nhà thơ La Quốc Tiến sống và làm thơ luôn có sự hòa hợp và nhất quán. Bản thể sáng tạo của ông giăng mắc giữa hiện tại và giấc mơ, giữa đời thường và cõi mộng. Cuộc đời và thái độ dấn thân trong sáng tác thơ ca của La Quốc Tiến là bài học cho những nhà thơ thời hiện đại.
La Quốc Tiến không tốn thời gian và công sức để đi thực tế sáng tác. Ông sống hết mình với cuộc đời và tìm cảm hứng sáng tạo từ vẻ đẹp của con người, sự vật giữa đời thường.
VÕ TẤN CƯỜNG