Nhạc sĩ Thế Hiển: Vác đàn lên và đi
Đã ngoài 60 tuổi nhưng trước mỗi chuyến đi đều khiến nhạc sĩ, NSƯT Thế Hiển rạo rực như thời thanh niên. Người bạn đồng hành với ông trên khắp dải đất hình chữ S và trong lần thứ 6 này ra Trường Sa chính là cây đàn ghita chung thủy được ông nâng niu trên vai.
Nhạc sĩ Thế Hiển xuất thân từ ca sĩ chính của Đoàn ca múa nhạc Bông Sen, sau khi ông học xong trung cấp thanh nhạc năm 1980. Trưởng đoàn Bông Sen khi đó là nhạc sĩ Hồ Bông đã nhận Thế Hiển làm con nuôi. Có lẽ, nhạc sĩ Hồ Bông đã nhận ra tố chất của Thế Hiển, không chỉ là một ca sĩ trình diễn mà còn là một nhạc sĩ thực thụ với phong cách sáng tác đa dạng, có nhiều tác phẩm mang tầm đại chúng sau này.
Nhạc sĩ Thế Hiển tại Trường Sa trong chuyến ra quần đảo này lần thứ 6 |
Nhắc đến Thế Hiển, nhiều thế hệ khán giả nhớ đến các nhạc phẩm viết về người lính, như Nhánh lan rừng, Hát về anh… Với Hát về anh, ca khúc này vừa tròn 35 năm tuổi và sẽ còn sống lâu hơn trong lòng người nghe. Năm 1983, Thế Hiển cùng đoàn Bông Sen có chuyến lưu diễn ở Quảng Ninh phục vụ bộ đội đang bảo vệ biên giới. Trước khi đi, Thế Hiển và đoàn được gặp đồng chí Võ Văn Kiệt. Nhạc sĩ được đồng chí Võ Văn Kiệt dặn dò phải sáng tác ca khúc về người lính đang ngày đêm bảo vệ biên cương Tổ quốc. Hát về anh đã ra đời trong chuyến đi này và được Bộ Tư lệnh Biên phòng tặng bằng khen vào năm 1985.
Mỗi chuyến đi cùng với cây đàn ghita đến các vùng biên giới, hải đảo, nhạc sĩ Thế Hiển đều có ca khúc viết về người lính. Đến nay, ông đã có hơn 50 ca khúc viết về lực lượng vũ trang trên các mặt trận bảo vệ biên cương và con số này chưa có dấu hiệu dừng lại. Thế Hiển vừa có chuyến đi Trường Sa lần thứ 6 (từ ngày 4 đến 13-5) với Bệnh viện Quân y 175. Trong chuyến đi này, nhạc sĩ, NSƯT Thế Hiển là người cao tuổi nhất và cũng là người nhiều kinh nghiệm đi biển nhất, chỉ thua thủy thủ đoàn.
Nhắc đến Thế Hiển, người ta nghĩ ngay đến những ca khúc viết về người lính, về đề tài TNXP, về Quân chủng Hải quân và biển đảo... Thế nên, NSƯT Thế Hiển từng được Trung tâm Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) xác nhận lập kỷ lục: “Đã sáng tác và đi phục vụ nhiều nhất về lực lượng vũ trang”, và ông có đến 2 lần được nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc” do Quân chủng Hải quân trao tặng”.
Nhà báo Hà Đình Nguyên (hội viên Hội Âm nhạc TPHCM) cho biết: “Tôi và NSƯT Thế Hiển chơi thân với nhau dễ đến hơn 20 năm, cho nên có thể nói, tôi cũng có hiểu biết đôi chút về con người Thế Hiển, nhạc của Thế Hiển... Tôi vẫn nói đùa với Thế Hiển: “Anh thường vô tình tạo ra những kỷ lục”. Thật vậy, ngoài bằng chứng nhận thiết lập kỷ lục có “cầu chứng tại tòa” do Vietkings cấp, Thế Hiển còn được biết đến là nhạc sĩ viết “thương hiệu ca” nhiều nhất - gần 100 bài. Và ngay cả chuyến đi biểu diễn phục vụ chiến sĩ Trường Sa lần thứ 6 này, anh cũng vô tình lập thêm một kỷ lục khác: Nghệ sĩ có lần đi Trường Sa biểu diễn phục vụ nhiều nhất.
Nhưng nhạc của Thế Hiển không chỉ gói gọn trong mảng đề tài chiến đấu, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, ca khúc của Thế Hiển đa dạng, phong cách và đáp ứng cho nhiều lứa tuổi khán giả. Chẳng hạn bài Nhong nhong nhong viết cho thiếu nhi, phổ biến đến độ các cháu thiếu nhi và cả các bậc cha mẹ đều thuộc nằm lòng: “Nhong nhong nhong cha làm con ngựa, để cho con nương tựa suốt đời”. Nhong nhong nhong vừa được một hãng phim liên hệ với tác giả Thế Hiển để dùng làm nhạc cho phim kể về tình cảm cha con sau nhiều năm thất lạc nhau.
Nhà báo Hà Đình Nguyên nhận xét: “Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy Thế Hiển rất điêu luyện với loại hình nhạc nhẹ mang âm hưởng dân ca, nhạc đã hay mà ca từ rất chắt lọc, trong sáng, tạo được hiệu ứng, xao động lòng người: Mẹ và hoa sứ trắng (âm hưởng dân ca Bắc bộ), Hoàng hôn màu tím (viết chung với anh ruột là Thế Vượng, âm hưởng dân ca Nam bộ), Đêm Mỹ Sơn huyền thoại (âm hưởng nhạc Chăm), Tuần Châu - Đảo Ngọc tình yêu (âm hưởng ca trù)... Đôi khi khắc khoải về tình yêu, ông tự ví mình như Hàn thi sĩ trong Vầng trăng Quy Nhơn; có khi lại thì thầm, tự sự trong Cho dù có đi nơi đâu, bài hát đong đầy kỷ niệm của 4 anh em ruột (Thế Vượng, Thế Hiển, Thế Đạt và Thế Tiến)...
Thật vậy, các sáng tác của Thế Hiển dù viết bằng giai điệu âm nhạc nào cũng đem lại cảm xúc rất thật cho người nghe. Như bài Đêm Mỹ Sơn huyền thoại, vợ chồng nhạc sĩ Hồ Bông - NSƯT Thanh Trì là cha mẹ nuôi của Thế Hiển nghe xong nói: “Bài này hình như văn hóa Chămpa đã nhập vào người con mới có thể viết được giai điệu và ca từ như thế”.
Nếu không có những chuyến đi cùng những trải nghiệm về đời sống người lính, những thấu cảm văn hóa các vùng miền thì có lẽ không có một Thế Hiển của ngày hôm nay. Nói như nhiều nhà văn thích xê dịch thường quan niệm, nhà văn viết bằng đôi chân thì với nhạc sĩ, NSƯT Thế Hiển, mỗi lần vác đàn lên và đi là một lần nhận về nguồn năng lượng mới đầy hứng khởi để sáng tác.
(Theo sggp.org.vn)