Thứ Tư, 06/06/2018, 16:59 (GMT+7)
.

Họa sĩ Lê Hồng Thái: Sự giao thoa giữa thơ ca và hội họa

Cuộc đời của một nghệ sĩ là hành trình đam mê sáng tạo không ngừng nghỉ. Gần 30 năm sáng tạo, họa sĩ Lê Hồng Thái đã sáng tác hàng trăm bài thơ, tranh và tác phẩm điêu khắc.

Sống lặng thầm trong căn nhà nhỏ giữa khu vườn, hằng ngày ông làm bạn với lũ chim và đeo đuổi đam mê sáng tạo nghệ thuật. Nhiều tác phẩm của Lê Hồng Thái đã được in ấn trên tạp chí Văn nghệ của các tỉnh và tham dự các cuộc triển lãm mỹ thuật Đồng bằng sông Cửu Long.

Các tác phẩm của Lê Hồng Thái có sự giao thoa giữa thơ ca và hội họa, tạo nên vẻ đẹp thi vị, bay bổng của hình tượng tác phẩm trong quá trình tiếp nhận của người thưởng ngoạn.

  Họa sĩ Lê Hồng Thái là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Tiền Giang và hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông hiện là họa sĩ trình bày, minh họa cho Tạp chí Văn nghệ Tiền Giang. Từ năm 2012 đến 2018, họa sĩ Lê Hồng Thái gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực nghệ thuật điêu khắc gỗ.

Tác phẩm điêu khắc gỗ “Hạnh phúc” của Lê Hồng Thái đã đoạt giải A của Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Triển lãm Mỹ thuật Đồng bằng sông Cửu Long năm 2012, khắc họa hình tượng người mẹ, người con và hình tượng mặt trời mang hình thức cách điệu, hòa quyện vào nhau trong hình tượng chủ đạo.

Qua tác phẩm “Hạnh phúc”, Lê Hồng Thái đã khắc họa khát vọng vươn tới yêu thương và hạnh phúc của con người trong mối quan hệ với thiên nhiên, vũ trụ.

Họa sĩ Lê Hồng Thái sinh năm 1948 tại Cần Thơ. Ông sống gắn bó với vùng đất Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã hơn 30 năm. Đam mê vẽ tranh và làm thơ, Lê Hồng Thái tự mày mò, tìm kiếm phong cách nghệ thuật độc đáo của riêng mình, dù chưa từng học lớp hội họa chính quy nào.

Ông học về nghệ thuật hội họa qua tranh, tượng của các họa sĩ bậc thầy. Niềm đam mê sáng tạo điêu khắc đến với ông thật tình cờ. Một ngày buồn vẩn vơ đi tìm ý hướng sáng tạo mới, ông nhặt được vỏ hộp sữa. Cầm lên ngắm nghía, ông lấy dao nhọn khắc lên vỏ hộp sữa những hình ảnh chợt hiện trong tâm trí.

Bắt đầu từ đây, Lê Hồng Thái quyết định dấn thân vào sáng tạo tác phẩm điêu khắc. Họa sĩ Lê Hồng Thái cho biết, ông thích vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ của vân gỗ, thớ gỗ. Chính vì thế ông chọn gỗ làm chất liệu cho các tác phẩm điêu khắc của mình. Ông thường chọn các loại gốc cây bình bát, bần, gòn để đục đẽo, thể hiện thành tác phẩm điêu khắc.

Theo họa sĩ Lê Hồng Thái, cây xanh có đời sống của riêng mình. Khi cây xanh chết đi thường chỉ còn lại gốc cây sần sùi, gân guốc. Những gốc cây tưởng như vô tri, qua bàn tay tài hoa của Lê Hồng Thái đã mang cái hồn, vẻ đẹp của sự sống.

Hầu hết tác phẩm điêu khắc gỗ của Lê Hồng Thái thể hiện hình tượng của người mẹ và khát vọng yêu thương của con người. Tiêu biểu như các tác phẩm: “Lời ru”, “Vòng tay”, “Yêu thương”… Lê Hồng Thái chia sẻ: “Tôi chọn hình tượng người mẹ bởi vì thời thơ ấu của tôi gắn liền với sự yêu thương, chăm sóc của mẹ…”.

Họa sĩ Lê Hồng Thái cho biết thêm: “Tôi chọn hình thức điêu khắc lập thể xen lẫn hình thức điêu khắc hiện thực. Đường nét, hình khối trong tác phẩm điêu khắc của tôi thể hiện vẻ đẹp hồn nhiên, ngây thơ theo cái nhìn của trẻ thơ. Chính vì thế, người thưởng ngoạn dễ cảm nhận được hình tượng nghệ thuật mà tôi gửi gắm qua tác phẩm”.

Năm 1018, bước qua tuổi thất thập, họa sĩ Lê Hồng Thái vẫn ấp ủ nhiều dự định sáng tạo. Ngoài công việc vẽ tranh, làm thơ, ông tiếp tục sáng tạo các tác phẩm điêu khắc gỗ. Hình tượng các tác phẩm điêu khắc gỗ của ông sẽ được thể hiện bằng đường nét, hình khối mang vẻ đẹp, hơi thở của con người thời đại mới, mang vẻ đẹp thi vị của thơ ca, thể hiện khát vọng yêu thương của con người.

VÕ TẤN CƯỜNG

.
.
Liên kết hữu ích
.