Mùa nấm mối và ký ức tuổi thơ
Tháng 5 (âm lịch), những cơn mưa bắt đầu nặng hạt, nhưng hễ khi trời vừa mưa vừa nắng là dấu hiệu mùa nấm mối đã bắt đầu. Nhà nào có vườn rộng thì đi tìm kiếm. Nhà ai không có vườn thì cũng tìm ở “nhà người ta”, hay là những gốc cây cổ thụ bên đường.
Mà nấm mối cũng mọc “kỳ lắm”, bất kể nơi nào, không có địa chỉ cụ thể, khi thì gốc mít, gốc dừa, đôi khi mọc hoang ở bên đường, nhà có nền đất thì nó có thể mọc dưới giường ngủ... Nói chung, nơi nào có tổ mối là nấm mối có thể mọc lên.
Ảnh: Hồng Lê |
Mỗi năm, nấm mối chỉ xuất hiện một đợt trong khoảng hơn một tháng, bắt đầu từ tháng 5 (âm lịch), sau những cơn mưa đầu mùa cho đến tháng 6 âm lịch, rộ nhất là thời điểm Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5). Tuy nhiên, cũng có nơi nấm mọc sớm hoặc trễ hơn do thời tiết thay đổi bất thường.
Đây là món ngon, nên năm nào cũng sốt giá, nhất là đợt nấm mọc đầu mùa. Dù là nấu canh, nấu cháo, xào, kho hay nướng, nấm mối vẫn đứng vào hàng có đẳng cấp cao, mùi vị và chất lượng đều hơn hẳn các loài nấm khác.
Theo kinh nghiệm dân gian, nấm mối xuất hiện hằng năm là do các ổ mối nằm sâu dưới đất tiết ra một chất meo, khi gặp thời tiết thích hợp meo nấm sẽ phát triển thành nấm. Do đó mới gọi là nấm mối, nấm trời cho, có giá trị dinh dưỡng rất cao.
Có thể nói, nấm mối là “nữ hoàng” của các loại nấm. Nếu ai đã một lần ăn thì sẽ cảm nhận vị ngon của loài nấm “nữ hoàng” này.
Nấm mối có vị ngọt đặc trưng, cọng nấm giòn sần sật, khi thưởng thức sẽ không thể lẫn với loại nấm nào khác. Có thể nói, đơn giản nhất là cháo nấm mối, nấm mối xào lá cách và mướp, nấm mối xào nước cốt dừa..., ai ăn một lần cũng đều nhớ mãi cái mùi vị thơm ngon, ngọt...
Tôi còn nhớ, lúc còn nhỏ, nhà có nhiều ổ nấm mối ngoài vườn, sáng sớm ba mẹ thường dậy đi nhổ nấm về, vì đây là thời điểm cọng nấm vừa tách khỏi mặt đất, cọng nào cọng nấy “mập mạp, ú mềm”.
Ở quê, nhà nào cũng có vài cây lá cách, mấy dây bầu, dây mướp, mẹ thường hái đọt lá cách non, hái vài trái mướp xào chung với nấm. Bữa cơm sáng thật đơn giản nhưng ngon đến nao lòng.
Vào mùa này, tôi thường ra vườn xem nấm có lên thêm nữa không, đôi khi nhổ được khoảng 10 tay nấm thôi là mấy chị em vội ra cây lá cách lặt vài lá rửa sạch, gọt nấm sạch sẽ, cuốn nấm mối vào lá cách, đốt lửa lấy than rồi vội vàng cho lên vỉ nướng, 10 phút sau có món mấm mối nướng lá cách, chỉ vậy thôi mà ngon đến lạ lùng.
Ở quê, vào mùa này, nếu nhà nào thu hoạch được nhiều nấm thì có thể dùng nấm mối làm nhưn đổ bánh xèo hoặc ướp muối ớt rồi quấn lá cách đem nướng trên bếp than hồng, chấm với nước mắm chua cay..., dù người khó tính cũng phải thừa nhận nấm mối nướng là món ngon “ăn hoài không đã”.
Thiên nhiên đã tặng cho người dân miền Tây loại đặc sản không thể trồng, mà chỉ có thể tìm thấy trong tự nhiên. Ngày nay, những khu vườn xưa không còn, thay vào đó là những vườn bưởi, thanh long bạt ngàn, nên sự hiện diện của nấm mối ngày càng hiếm.
Giá một ký nấm mối hiện dao động từ 600.000 - 1.000.000 đồng tùy vào chất lượng nấm búp hay nấm đã nở. Một người bạn của tôi cho biết: “Mỗi năm, vào mùa nấm mối, anh thường hay mua một ít để cả nhà cùng ăn, cho mọi người biết được vị ngon của nấm và để nhớ về một thời thơ ấu được tận tay đi hái và được ăn nấm từ trong vườn nhà - một cảm giác thú vị, không bao giờ quên”.
Có thể nói, đối với nhiều người, nấm mối chỉ đơn thuần là một loại nấm nhiều dinh dưỡng, thơm ngon, nhưng riêng tôi và những bạn bè cùng trang lứa thì nấm mối là tuổi thơ, là hoài niệm đi đến suốt cuộc đời.
HỒNG LÊ