Thứ Tư, 07/11/2018, 09:01 (GMT+7)
.

Hành trình tìm lại phía sau làng

Trong nhiều bài thơ viết về làng quê trong quá trình đô thị hóa của nhiều tác giả đương đại, tôi thích và ám ảnh bài thơ Phía sau làng của Trương Trọng Nghĩa ở cảm thức hoài niệm và tâm lý chấn thương sau khi anh xa quê, giờ về lại không còn nguyên vẹn cảnh cũ, hồn xưa.

Minh họa: Lê Duy
Minh họa: Lê Duy

Mở đầu bài thơ là hình ảnh người con ly hương, lưu lạc phương xa, nay được trở về với những ngày xưa thân ái, được hiện bằng kỷ niệm ấu thơ cùng mẹ và những ký ức thẳm sâu một thời hồn nhiên, vô tư lự nơi chôn nhau cắt rốn ở quê nhà.

Trong niềm vui ngọt ngào, thơm thảo ấy, tác giả chợt nhận ra sự thay đổi đến ngỡ ngàng khi làng quê bây giờ không còn nữa những cảnh vật gần gũi, thân thuộc của một “thời xa vắng”. Những chú cua đồng rộn ràng ruộng rẫy giờ ở nơi nào? Lời ru ngọt ngào, trong trẻo của bà, của mẹ giờ chỉ còn là dư âm buồn văng vẳng vọng âm xa lắc trong tâm tưởng của con người hiện đại nơi đô thị ồn ào, náo nhiệt:

Ruộng rẫy bây giờ
     Không còn những chú cua đồng
     Ngày xưa nhiều như rơm rạ
     Đêm đồng bằng nghe lời ru buồn bã
     “À ơi!… Về rẫy ăn còng…
    Về sông ăn cá về đồng ăn cua…”

Khổ thơ gợi một nỗi buồn man mác, tưởng trên cánh đồng bát ngát những ngày mùa thơm thảo vẫn còn đây cùng câu hò “sông dài cá lội bặt tăm” mênh mang sông nước - gợi nhắc những miền quê Nam bộ trù phú sản vật và hoa trái bốn mùa.

Trương Trọng Nghĩa đang sống ở môi trường đô thị với những náo nhiệt đến chóng mặt, nên không khỏi chạnh lòng khi anh cố gắng tìm lại “chứng chỉ thời thơ ấu” của mình, nhưng càng muốn níu giữ thì anh càng thất vọng trước hiện thực mất mát, biến đổi nhanh chóng của nông thôn trước quá trình đô thị hóa:

Những chú ếch đồng ngày xưa
Bây giờ mùa mưa không còn kêu nữa
Trẻ em lớn lên nghe kể về loài cà cuống
Bắt đầu bằng: “Ngày xửa ngày xưa…”.

Hình ảnh thơ mộng và gần gũi của quê nhà giờ chỉ còn trong ký ức mù xa của những người con xa xứ và trong những câu chuyện kể bắt đầu bằng: “Ngày xửa ngày xưa…” trong khát khao hiểu biết cội nguồn của những đứa trẻ dáng nâu lớn lên nơi thôn dã.

Tác giả đã nhập vai để nói lên tiếng nói của mọi người bằng cách hiển hiện ký ức gần và ký ức xa trong hành trình tìm về nguồn cội, như là cách để khắc phục những chấn thương tâm lý của tự nhiên và xã hội đối với con người; từ đó, mỗi người tự chống lại sự tha hóa, tự tìm lại nhân vị của mình một cách nhân ái giữa lòng thiên nhiên nhân hậu ngày xưa.

Chỉ có cách đó, con người mới mong được sống hài hòa với thiên nhiên, khắc phục những so le, bất ổn của đời sống đô thị và thích nghi với sự biến đổi theo xu hướng hiện đại của nông thôn. Nhưng dù gì, trong cội lòng, con người vẫn không thôi mang nỗi buồn ruộng rẫy, để luôn nhớ về nguồn cội và an bằng tâm thế trong môi trường
sinh thái mới:

“Tôi đi về phía làng
Mang lên phố những nỗi buồn ruộng rẫy…”

***
Đọc xong bài thơ Phía sau làng, tôi tự trấn an bản thân và chợt nhận ra phía sau chính mình cũng có một miền quê tuổi thơ trong veo như thế, đã không khỏi bùi ngùi về một thời nghèo khó nhưng thắm đẫm tình quê thiêng liêng.

Con người thị dân trong tôi bỗng chốc như được cân bằng trong cảm giác được sống lại cái thời thả diều, bắt cá, mò cua nơi ruộng rẫy quê nhà hồn nhiên và chan hòa, ấm áp tình quê hương, xứ sở.

Bài thơ hay là bài thơ xúc động lòng người bởi chất sống thật và tình cảm chân thành của tác giả vẫy gọi sự đồng cảm, sẻ chia của độc giả. Tôi yêu bài thơ Phía sau làng chính từ hiệu cảm nghệ thuật ấy.        

Phía sau làng

Tôi trở về bắt những con cà cuống ngoài đồng
Ngày xưa bữa cơm chiều
Mẹ nướng dầm nước mắm
Mùi rơm rạ len vào miền sâu thẳm
Ký ức tuổi thơ…

Ruộng rẫy bây giờ
Không còn những chú cua đồng
Ngày xưa nhiều như rơm rạ
Đêm đồng bằng nghe lời ru buồn bã
“À ơi!... Về rẫy ăn còng…
Về sông ăn cá về đồng ăn cua…”.

Những chú ếch đồng ngày xưa
Bây giờ mùa mưa không còn kêu nữa


Trẻ em lớn lên nghe kể về loài cà cuống
Bắt đầu bằng “Ngày xửa ngày xưa…”

Tôi đi về phía tuổi thơ
Giẫm lên dấu chân
Những đứa bạn đã rời làng kiếm sống
Đất không đủ cho sức trai cày ruộng

Mồ hôi chẳng hóa thành bát cơm no…
Thiếu nữ bây giờ không còn hát dân ca
Cũng thôi để tóc dài ngang lưng nữa…
Cánh đồng làng giờ nhà cửa chen chúc mọc
Đâu còn những lũy tre ngày xưa…

Tôi đi về phía làng
Mang lên phố những nỗi buồn ruộng rẫy…

 

     PGS-TS HỒ THẾ HÀ
 

.
.
.