.

Nhà văn Trần Kim Trắc - "Cây đại thụ" văn chương Nam bộ

Cập nhật: 14:57, 09/01/2019 (GMT+7)

Phải hơn một tháng kể từ ngày nhà văn Trần Kim Trắc - “Cây đại thụ” của văn chương Nam bộ từ giã cõi đời, giới văn chương và độc giả cả nước mới hay tin, nhiều người sững sờ tiếc thương ông.

Vợ nhà văn Trần Kim Trắc cho hay, ông đã mất ngày 17-11-2018 tại nhà riêng, nhưng vì hôm sau là ngày đám cưới của đứa cháu ngoại, quá đột ngột không thu xếp kịp và thể theo di nguyện của nhà văn không muốn thông tin ồn ào nên việc ông ra đi được giữ kín.

Nhà văn Trần Kim Trắc sinh năm 1929, tại xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Từ năm 17 tuổi ông tham gia cách mạng trong đội trừ gian và bị bắt, phải vào tù. Sau khi ra tù, ông đi bộ đội, ở Tiểu đoàn 307. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác tại Phòng Văn nghệ Quân đội.

Sau đó, ông đi khắp nơi, làm đủ nghề để kiếm sống: Làm phu bốc vác, làm ruộng, đi rừng khai thác gỗ, cuối cùng trụ lại với nghề nuôi ong... Từ sau năm 1975 ông trở vào Nam, sống cùng gia đình tại TP. Hồ Chí Minh cho đến khi mất.

Truyện ngắn “Cái lu”, tác phẩm đầu tay của ông được đăng năm 1954, đã đoạt giải Nhì của Hội Văn nghệ Việt Nam 1945 -1954.

Năm 1957, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Bẵng đi sau hơn 30 năm, nhà văn Trần Kim Trắc mới trở lại với văn chương ở tuổi không còn trẻ nữa, nhưng ông viết rất sung sức với bút lực mạnh mẽ, bền bỉ và đã để lại nhiều dấu ấn.

Trong đó, tập truyện ngắn “Ông Thiềm Thừ” đã  nhận được Tặng thưởng của Hội Nhà văn năm 1995. Năm 2012, ở tuổi 83, ông vẫn tham gia Cuộc thi Viết truyện ngắn do Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh tổ chức và đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) với truyện ngắn “Sài Gòn đắc địa”.

Ngoài ra, các tác phẩm tiêu biểu khác của ông có thể kể đến như: “Hoàng đế ướt long bào” (tiểu thuyết, năm 1996), “Trăng đẹp mình trăng” (truyện ngắn, năm 1997), “Học trò già” (truyện ngắn, năm 1997), “Con trai ông tướng” (truyện ngắn, năm 1998), “Chuyện nàng Mimo” (truyện ngắn, năm 1999), “Nụ cười 307” (mẩu chuyện, năm 2006)... 

Ông là một trong số ít những nhà văn được Nhà xuất bản Trẻ ký hợp đồng được trọn quyền sử dụng 19 tác phẩm của ông với khoản phí trả trước thời điểm năm 2012 là 100 triệu đồng.

Thông tin ông lặng lẽ ra đi ở tuổi 90 lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều nhà văn, nhà thơ và những độc giả yêu mến ông không khỏi bàng hoàng, thương tiếc. Nhà văn Hoài Hương thảng thốt: “Ông sống hiền và ra đi âm thầm…”.

Nhà văn Bích Ngân ấn tượng về sự hài hước của ông trong những trang văn và trong đời thực, đã bày tỏ trên Facebook cá nhân: “Để có tiếng cười trên trang viết, ông đã phải trả giá bằng nỗi đau. Ông đã nén nỗi đau riêng để cười, để cho người đọc được cười, được vui... Nhà văn Trần Kim Trắc lặng lẽ ra đi nhưng tiếng cười trong văn chương của ông mãi còn”. Nhà văn, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân bùi ngùi nhớ lại những chuyến đi thực tế cùng nhà văn Trần Kim Trắc: “Ông là người ít nói nhất, nhưng nói câu nào “chết” câu ấy...”.

Với giọng văn sâu sắc, thâm trầm và hóm hỉnh, rặt chất Nam bộ, các tác phẩm của ông đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc. Nhiều độc giả yêu mến đã đặt cho ông biệt danh là “Ông già Nam bộ”. Ông ra đi để lại một khoảng trống mất mát lớn đối với văn chương phương Nam.                 

      LÊ VĂN

.
.
.