Thứ Tư, 02/01/2019, 21:15 (GMT+7)
.

Nhiều đề tài xã hội đi vào tác phẩm múa đương đại

Trải qua gần 1 tháng miệt mài trên sàn tập, khóa tập huấn dàn dựng múa ít người do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức vừa khép lại, với 6 tiết mục do các học viên dàn dựng được chọn diễn báo cáo. Nhiều vấn đề xã hội hiện nay đã được các học viên mạnh dạn đưa vào tác phẩm, thể hiện qua nội dung kịch bản sâu sắc, kết hợp những động tác hình thể ấn tượng và đầy sáng tạo.

Nghệ nhân Ưu tú - Soạn giả Huỳnh Anh trao Giấy chứng nhận cho các học viên.
Nghệ nhân Ưu tú - Soạn giả Huỳnh Anh trao Giấy chứng nhận cho các học viên.

Múa ít người có thời lượng dưới 10 phút, với số lượng diễn viên chỉ từ 1 đến 5 người trong một tác phẩm. Ngôn ngữ của tác phẩm múa ít người thể hiện bằng nội tâm và kỹ thuật hình thể để diễn đạt thông điệp mà biên đạo muốn chia sẻ với khán giả.

Đây chính là thách thức lớn đối với các biên đạo và diễn viên trẻ còn thiếu kinh nghiệm và bản lĩnh sân khấu. Nghệ sĩ múa solist Đàm Đức Nhuận (Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TP. Hồ Chí Minh) hết sức băn khoăn khi nhận lời hướng dẫn chuyên môn.

Trong thời gian tương đối ngắn, với nhiều kiến thức mới mẻ, thách thức lớn đó là “Làm thế nào để ý tưởng của các em học viên thăng hoa thành tác phẩm nghệ thuật?”.

Nghệ nhân Ưu tú - Soạn giả Huỳnh Anh, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cho biết: “Trước đây, các tiết mục múa có nội dung rất chung chung, có thể gắn vào bất cứ nền nhạc nào, cốt cho đẹp, cho vui mắt mà thiếu tính chuyên nghiệp; các động tác múa cũng trùng lắp, đi vào lối mòn…

Sau những lớp tập huấn như thế này, các yếu tố kỹ thuật ngày càng thể hiện rõ sự điêu luyện, mới mẻ, sắc thái tình cảm, nội dung chủ đề tư tưởng đã thể hiện rõ nét, tiến dần đến sự chuyên nghiệp trong biểu diễn…”.

Nếu như lực lượng biên đạo ở tỉnh ta trước đây chỉ có một số tên tuổi trụ cột như: Chí Thiện, Thu Thủy, Trung Nghĩa, Công Danh, Phan Anh Tuấn…, thì hiện nay lực lượng trẻ khá nhiều, và các em đã tạo được vị trí nhất định, khẳng định tay nghề qua giải thưởng của nhiều cuộc thi trong và ngoài tỉnh - soạn giả Huỳnh Anh cho biết thêm.

Biên đạo múa Thu Thủy, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ múa cho biết, đây là lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành biên đạo cho hội viên trẻ ở thể loại múa ít người; đồng thời, khóa học cũng nhằm tăng cường các kỹ thuật bê đỡ và kỹ năng diễn xuất cho diễn viên múa trong tỉnh.

Do tính chất của một lớp học biên đạo đòi hỏi tư duy sáng tác và năng lực sáng tạo nên đây chính là thách thức lớn. Cũng vì vậy mà với 14 học viên đăng ký, đến cuối lớp chỉ còn 9 em hoàn thành chương trình lớp học.

Những học viên đầy tâm huyết và đam mê đã xuất sắc đáp ứng yêu cầu của khóa tập huấn, đó là “dàn dựng một tác phẩm múa ít người hoàn chỉnh biểu diễn trên sân khấu”. Biên đạo múa Thu Thủy cho biết: “Các học viên đã tham gia tích cực các bài tập trên lớp, từ những động tác lẻ đến các tổ hợp, từ kỹ thuật hình thể đến cách diễn xuất, các em đã “cháy” hết mình qua từng bước đi, từng cánh tay giơ lên, từng ánh mắt…”.

Đa số tác phẩm của học viên khóa tập huấn lần này đi sâu khai thác nhiều đề tài xã hội được nhiều người quan tâm hiện nay. Phương Trâm với tác phẩm “Ảo” đề cập đến việc sống ảo trên mạng xã hội và đây cũng là lời cảnh báo về việc sử dụng điện thoại trong giới trẻ hiện nay, khiến con người càng trở nên cô độc trong thế giới riêng mình.

Thủy Tiên với tác phẩm “Hoài bão” thể hiện những khát vọng của tuổi trẻ, với ước mơ ấp ủ, những người trẻ luôn vươn lên để chinh phục nó, vượt qua những khó khăn, thử thách bằng chính niềm tin và những nỗ lực của bản thân.

Biên đạo Ngọc Trinh với tác phẩm “Kết nối”, đề cập đến vấn đề mang tính thời sự về mối quan hệ gia đình trước những cạm bẫy hiện nay. 3 diễn viên với mảnh lụa mỏng tượng trưng cho sợi dây kết nối vô hình giữa 3 chị em trong một gia đình. Có những lúc sợi dây ấy gắn kết họ lại với nhau, có lúc sợi dây buông lỏng, có lúc sợi dây căng như sắp đứt lìa…, nhưng cuối cùng cả 3 được kết nối với nhau trong tình yêu thương, nâng đỡ, dìu dắt nhau.

Cao Phước Lộc gây ấn tượng với “Đời lạnh”, phản ánh sự lạnh lùng, vô cảm trong không ít những người trẻ hiện nay: Một va chạm nhỏ trên đường cũng trở thành cuộc xô xát, cự cãi, ăn vạ… Những người đi đường thì thờ ơ hoặc a dua theo, thậm chí có người còn vô tư quay clip đăng lên mạng.

Câu hỏi “Vì sao ngày càng có nhiều người trở nên lạnh lùng, vô cảm, thậm chí tàn nhẫn?” như còn bỏ ngỏ trong “Đời lạnh”. Một số học viên đi vào những đề tài truyền thống như Lâm Lộc với “Đất và Nước”, hay Thành Thêm với “Dòng phù sa” vẫn hết sức mới mẻ, đầy bất ngờ và mang đậm màu sắc của múa đương đại.

Góp phần không nhỏ vào thành công của khóa học đó là công sức đóng góp của nghệ sĩ Đàm Đức Nhuận. Các em không chỉ học được ở thầy về chất liệu động tác, luật động, kỹ thuật bê đỡ, phương pháp dàn dựng múa ít người qua cách sắp xếp trình tự tổ hợp, bố cục đội hình, tạo hình, tư thế, mà quan trọng hơn hết là phần thể hiện nội tâm qua từng nét cơ mặt để thể hiện cảm xúc.

Từ những ngày đầu, học viên được gợi ý đưa ra ý tưởng và nghệ sĩ Đàm Đức Nhuận đã gợi mở thêm để cùng nhau phát triển ý tưởng thành tác phẩm múa. Không thể kể hết những vất vả khi thầy và trò đổ mồ hôi trên sàn tập “không đủ chuẩn” được tận dụng từ hội trường của Hội Văn học - Nghệ thuật. Nhiều động tác khó khiến gân, xương ê buốt, nhiều cú ngã đau điếng trên sàn tập không làm thầy trò nản chí.

LÊ VĂN

.
.
Liên kết hữu ích
.