Tản mạn về ngày tết ở nước ta
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Từ bao đời nay cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã cùng “chung lưng, đấu cật” dựng nước và giữ nước; có tinh thần yêu nước, khí phách anh hùng, tình cảm nhân hậu, hòa hiếu… Tuy nhiên, về mặt phong tục, tập quán thì mỗi dân tộc có những đặc trưng riêng, tạo nên nền văn hóa Việt Nam “thống nhất trong đa dạng”, trong đó phong tục “ăn” tết cũng muôn màu muôn vẻ.
Có những dân tộc lấy ngày mùng một tháng Giêng âm lịch làm ngày tết, như người Việt, Mường, Tày, Nùng. Cũng có nhiều dân tộc ăn tết sau khi kết thúc vụ thu hoạch hoa màu chính, như hầu hết các dân tộc ở Tây Nguyên, sau khi đã thu hoạch lúa xong, tức vào khoảng tháng 12 dương lịch.
Ở Việt Bắc và Tây Bắc, người H'mông cũng ăn tết vào khoảng cuối tháng 12, đầu tháng Giêng dương lịch. Tết của đồng bào Chăm vào tháng 11 dương lịch. Còn ở vùng đồng bào Khơme, tết được tổ chức vào giữa tháng 4 dương lịch.
Quết bánh phồng. Ảnh: DUY BẰNG |
Do cùng chung nền văn hóa gốc nông nghiệp nên tuy khác nhau về thời điểm nhưng nhìn chung tết được tổ chức vào lúc nông nhàn. Nghề lúa nước mang tính thời vụ cao, lúc nông vụ bận rộn tối tăm mặt mũi, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, ngay miếng ăn cũng qua loa, đại khái, cốt được việc thì thôi; cho nên, lúc nông nhàn, nông dân có tâm lý “chơi bù, ăn bù”.
Xem xét các tục lệ, lễ tiết tiến hành thì tất cả các tết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đều giống nhau ở những điểm cơ bản sau đây:
Trước hết, tết là thước đo sự ấm no của cả cộng đồng trong năm, là dịp để phô bày những thành quả, sản phẩm trong quá trình lao động nông nghiệp, những món ngon vật lạ làm ra được trong quá trình sản xuất: Bày mâm ngũ quả, làm các loại bánh, nấu các món ngon…
Hai là, tết còn nhằm lý giải sự hòa hợp giữa cá nhân và gia tộc, làng xóm cũng như giữa con người và thiên nhiên. Điều này thể hiện qua các tục lệ xông đất, mừng tuổi, hái lộc, té nước… Đặc biệt, đối với người Việt, tết là dịp con cháu dù đi làm ăn ở đâu cũng sắp xếp về ăn tết với gia đình.
Ba là, tết còn là dịp để khơi nguồn những sáng tạo văn hóa, như mở hội xuân với các trò chơi giải trí, nghệ thuật…, góp phần tạo nên sự hứng khởi trong lao động sản xuất cho vụ mùa sau.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử cùng với quá trình giao lưu hội nhập, tiếp biến văn hóa, nhất là trong giai đoạn hiện nay đã làm biến dạng thêm cái cốt lõi và ý nghĩa của tết nguyên sơ. Thực tế này gây nên sự hỗn hợp khá phức tạp về mặt tập quán, tín ngưỡng và làm nảy sinh nhiều thứ tiêu cực như mê tín dị đoan, lễ hội đón tết kéo dài, ăn uống lãng phí…
Với tinh thần “ôn cố, tri tân”, “gạn đục, khơi trong”, thiết nghĩ chúng ta cần tiếp tục gìn giữ, phát huy những phong tục tốt đẹp mang đậm tính nhân văn của cha ông ta; đồng thời, cũng mạnh dạn gạt bỏ những tục lệ lạc hậu, cải tiến nội dung và hình thức vui tết sao cho an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, để tạo sự phấn khởi, làm động lực cho sáng tạo, khởi nghiệp dựng xây và bảo vệ Tổ quốc là công việc mà tất cả chúng ta đều có trách nhiệm.
NGUYỄN MINH PHÚC